Hàng giả "cạnh tranh" hàng thật
Theo một số doanh nghiệp, thời đại công nghiệp 4.0 nên hàng giả không có sự khác biệt về mẫu mã so với hàng thật. Thậm chí, hàng giả hiện nay còn tinh vi đến mức có sự phân loại rõ ràng. Nghĩa là thay vì chỉ có một loại, hiện nay hàng giả được phân loại cụ thể, có hàng loại 1, loại 2, loại 3... với mức giá chênh lệch khác nhau. Điều này cho thấy, công nghệ làm hàng giả ngày càng hiện đại. Ngay cả chuyên gia của các công ty có sản phẩm bị làm giả khi mua những mẫu hàng hóa ngoài thị trường về phải kiểm tra kỹ mới xác định được hàng giả.
Càng gần Tết, hàng giả, hàng thật được bày bán lẫn lộn ở các chợ nhỏ lẻ, tự phát. |
Ông Trần Thanh Kha, Trưởng phòng cấp cao Công ty Bugi NGK, phân trần: “Vào thị trường Việt Nam từ năm 2005, cung cấp bugi cho các nhà sản xuất lắp ráp xe Honda, Yamaha, Suzuki… sản phẩm của chúng tôi cũng sớm bị làm giả. Theo khảo sát, chúng tôi phát hiện tỷ lệ bugi giả NGK chiếm khoảng 20%. Bugi là sản phẩm công nghệ cao mà vẫn bị làm giả, nhái tại thị trường Việt Nam”.
Bà Phạm Thị Đào, Tổng Giám đốc Công ty mỹ phẩm Anh Đào, cho hay doanh nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất hiện đại để chống hàng giả, tuy nhiên phương án này vẫn chưa tối ưu vì đối tượng làm hàng giả cũng sẵn sàng đầu tư công nghệ tiên tiến nhất nhằm theo kịp hàng thật. Đây là vấn đề khiến doanh nghiệp đau đầu nhất hiện nay.
Lo lắng về hàng giả hiện nay, đa số doanh nghiệp than phiền rằng chống hàng giả quá khó. Kể cả những sản phẩm công nghệ cao cũng bị làm nhái, làm giả, chứng tỏ công nghệ làm giả được nâng lên tầm mới.
Ông Nguyễn Viết Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty tem chống giả (Vina CHG), cho biết hiện có không ít đối tượng làm hàng giả chủ động đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị, máy móc, khuôn mẫu đầy đủ. Nhìn chung, hàng giả đang phát triển mạnh về quy mô để “lấn sân” hàng thật. Không riêng việc sản xuất, loại hình phân phối hàng giả cũng hiện đại hơn. Với sự hỗ trợ của internet, vì vậy mô hình kinh doanh hàng giả thay đổi nhiều. Ngoài sự xuất hiện tại trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng, hàng giả cũng "tranh mua tranh bán" ở cửa hàng trực tuyến, website thương mại điện tử, mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram...
Quản lý chưa "đuổi" kịp
Nói về công tác chống hàng giả, nhiều doanh nghiệp cho biết từng lên kế hoạch tiêu diệt sản phẩm giả, tuy nhiên khi đối tượng làm giả cũng áp dụng công nghệ cao để sản xuất, doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn loay hoay tìm giải pháp. “Hoạt động làm hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi hơn. Chúng tôi phối hợp với cơ quan chức năng đến kiểm tra địa điểm sản xuất, song đến nơi thì cơ sở đã “không cánh mà bay”, đại diện một doanh nghiệp phân trần.
Cơ quan chức năng tổ chức tiêu hủy hàng giả, hàng nhái sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. |
Ông Thân Đức Công, phụ trách Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, thừa nhận công tác chống hàng giả hiện nay rất phức tạp. "Các đối tượng làm ban đêm, đóng cửa làm trong nhà, cơ quan quản lý không dễ dàng tiếp cận để xử lý", ông Công cho biết.
Không ít doanh nghiệp cho rằng, cách xử lý hàng giả hiện nay chủ yếu là “chữa cháy” chứ không mang tính chất “phòng cháy”. Còn theo ông Nguyễn Viết Hồng, công tác chống hàng giả đang "vỡ trận", trong khi doanh nghiệp đau đầu và loay hoay tìm hướng chống thì cơ quan quản lý gần như là "bó tay". Nguyên nhân chính là do khung hình phạt quá nhẹ, không đủ răn đe, trung bình chỉ từ 7 – 8 triệu đồng và cao nhất là 50 triệu đồng.
“Với mức phạt trên, các đối tượng làm hàng giả chấp nhận đóng phạt rồi tái phạm. Ngoài ra, việc thiếu sự phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương làm cho công tác chống hàng giả ì ạch hơn. Thiết nghĩ, nên tăng hình phạt đối với hành vi gian lận thương mại, thậm chí có thể khởi tố hình sự nhằm tăng tính răn đe đối với hành vi gian lận thương mại để hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Song song đó, cơ quan quản lý cần áp dụng công nghệ 4.0 để tăng cường quản lý, tiếp cận thông tin hàng giả một cách nhanh nhất để xử lý vấn nạn này”, ông Hồng cho biết.