Tính từ ngày 4/6 đến nay, giá mặt hàng dầu diesel (là nhiên liệu chủ yếu của các loại xe khách, xe tải, xe container…) đã liên tục giảm. Tổng mức giảm qua năm lần là 2.940 đồng/lít (từ 16.360 đồng/lít xuống mức 13.420 đồng/lít).

Tương tự, mặt hàng xăng A92 (nhiên liệu của xe taxi) đã giảm liên tục bốn lần tính từ ngày 19/6 đến nay, với tổng mức giảm là 2.180 đồng/lít (từ 20.710 đồng/lít còn 18.530 đồng/lít). Xăng dầu là một yếu tố lớn cấu thành giá cước vận tải nhưng phản ứng của các DN vận tải trước biến động giảm giá xăng dầu thì mỗi nơi một kiểu.

Trên địa bàn Hà Nội, một số hãng taxi đã có động thái giảm giá. Ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch HĐQT hãng taxi Thành Công cho hay, ngay sau khi giá xăng giảm, Thành Công Taxi đã thực hiện giảm 1.000 đồng/km đối với tất cả các dòng xe đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội (từ ngày 18/8/2015) và Vĩnh Phúc (từ ngày 25/8/2015).

Hiện nay, giá cước của taxi Thành Công loại xe năm chỗ ngồi đang là 11.000 đồng/km (áp dụng với xe Huyndai Grand i10 & Kia Morning) và 12.500 đồng/km với xe Huyndai Avante. Với xe bảy chỗ ngồi, giá cước lần lượt 13.500 đồng/km (xe Kia Carens), 14.500 đồng/km (xe Toyota Innova).

Trên địa bàn Hà Nội, một số hãng taxi đã có động thái giảm giá. (Ảnh minh họa)

Trên địa bàn Hà Nội, một số hãng taxi đã có động thái giảm giá. (Ảnh minh họa)

Trong vai trò là Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Quân thông tin thêm, nhiều DN taxi đã thực hiện giảm từ 8-12% giá cước. Ở Hà Nội, có khoảng 90 DN taxi đang chạy với mức giá 9.000-11.000 đồng/km. Riêng những DN không có động thái tăng giá cước khi cước vận tải lên thì đương nhiên họ sẽ không giảm.

Là một trong hai DN taxi đầu tiên tại Hà Nội điều chỉnh giá cước vận tải ngay khi giá xăng có động thái giảm, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Ba Sao Group cho biết, hiện Ba Sao Group đã điều chỉnh giá cước xuống còn 11.000 đồng/km.

Đây là mức giá cước tương ứng giá xăng từ 15.000-17.000 đồng. Chúng tôi giảm sâu hơn mức giảm của giá xăng để đón trước động thái của thị trường bởi mỗi lần điều chỉnh cước, DN taxi cũng tốn kém cả tỷ đồng chi phí.

Tuy nhiên, đứng trước biến động của giá xăng dầu, nhiều DN vận tải vẫn “chây ì” không giảm cước. Đơn cử, hãng taxi Vinasun tại TP Hồ Chí Minh vẫn giữ mức giá 15.500 đồng/km cho xe năm chỗ chạy trong phạm vi 30km và 16.500 đồng/km với xe bảy chỗ. Lý do DN này đưa ra là “mức giá hiện tại vẫn hợp lý” dù từ đầu tháng 5/2015 Vinasun đã điều chỉnh giá cước với lý do xăng tăng giá.

Riêng với các xe chạy tuyến cố định, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội cho biết, hiện chưa nhiều DN kê khai thông báo giảm giá cước. Tại hai bến xe lớn của Hà Nội là Giáp Bát và Mỹ Đình mỗi ngày đón hơn 2.000 lượt xe của gần 300 DN vận tải hành khách, thế nhưng đến nay mới có sáu hãng giảm giá, mà chủ yếu là chặng dưới 100km. Mức giảm khá khiêm tốn, chỉ từ 2.000-5.000 VND.

Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, nhận định, về nguyên tắc, khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng hay giảm 10% thì DN cần điều chỉnh giá cước cho phù hợp. Tuy nhiên, có nhiều DN không điều chỉnh do vẫn giữ giá trong giai đoạn xăng tăng giá. 

Ngoài ra, nhiều DN chậm kê khai vì muốn chờ đợi giá xăng ổn định, sau khi có sự điều chỉnh liên tục. Khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp taxi phải kiểm định lại đồng hồ với chi phí 100.000 đồng/xe, các nhà xe phải in lại vé... nên họ chờ đợi thời điểm giá xăng dầu ổn định để tính toán điều chỉnh.

Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam cũng đã chỉ đạo hiệp hội vận tải các tỉnh hướng dẫn DN trên địa bàn rà soát các khoản mục giá thành, mức độ tăng, giảm giá xăng tại thời gian hiện nay với thời điểm kê khai giá lần gần nhất. Sau đó, họ sẽ kê khai giá cước với cơ quan quản lý giá tại địa phương.

Còn theo quan điểm của ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, giá cước do thị trường quyết định, Nhà nước can thiệp song nếu DN bán giá cao thì sẽ tự loại mình khỏi cuộc chơi.

Chỉ riêng vận tải taxi hiện cũng đang chịu sự cạnh tranh rất lớn về giá cước, đặc biệt là từ khi có sự tham gia của các phần mềm hỗ trợ cùng như dịch vụ taxi giá rẻ của Grab taxi, Uber. Nếu xăng dầu tiếp tục giảm thì các DN vận tải dù vẫn còn giữ nguyên giá từ khi giá xăng lên cũng nên tính toán lại.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, như nhiều lần trước đây, nếu cứ để DN tự giác giảm giá thì rất khó. Do đó, cơ quan quản lý vận tải và giá cần phải phối hợp giám sát, kiểm tra chặt chẽ và xử lý đối với trường hợp chây ì không giảm giá cước. Được biết ngày 26/8, Bộ Tài chính đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá, trong đó có giá cước vận tải.

Ngay sau đó, ngày 29/8, Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường đã gửi công văn yêu cầu các sở giao thông tăng cường công tác quản lý giá và thực hiện kê khai giá tại đơn vị vận tải đường bộ, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu có và báo cáo về Bộ trước ngày 30/9./.

Cục trưởng Quản lý giá, Bộ Tài chính, Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, do đó, cùng với việc đề nghị Bộ Giao thông vận tải với chức năng quản lý giá chuyên ngành chỉ đạo Sở Giao thông vận tải phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan, yêu cầu các DN vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp.

Bộ Tài chính cũng đề nghị các cơ quan này tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về quản lý cước vận tải.

Bảo Ngân / Theo Ngày nay Online