Khi đang di chuyển, nếu trời có biểu hiện sắp mưa hoặc bắt đầu rơi hạt, bạn nên tấp vào bên phải đường, cạnh mép vỉa hè. Tránh trường hợp tấp xe vào lề mà không bật đèn tín hiệu hay ra dấu cho các xe đi sau mình nếu không muốn xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Đồng thời, hãy tránh xa các nắp cống nhằm hạn chế bị nước cuốn trôi. Đừng vì vội vàng muốn dừng xe mà bỏ qua sự an toàn của bản thân.
Bạn cũng không nên trú mưa dưới gốc cây hoặc chạy xe dưới những con đường có nhiều cây nhằm tránh việc cây ngã, đổ trúng hay bị sét đánh… Khi thấy có gió to, hoặc là bạn dừng lại, hoặc là chạy ở các con đường thoáng đãng, ít cây cối.
Nếu bắt buộc phải tiếp tục di chuyển khi trời mưa, hãy chạy chậm, bình tĩnh, đều ga và giữ khoảng cách với xe đi trước tối thiểu 1 mét để tránh va chạm bất ngờ.
Đặc biệt, không nghe/gọi điện thoại khi trời mưa, đặc biệt là mưa dông ngoài trời nếu không thật sự cần thiết, bởi đã có nhiều trường hợp đã bị sét đánh do hành động này.
Nếu xe bạn bỗng dưng chết máy khi đang chạy, hãy gắng đẩy xe ra khỏi vùng ngập nước, làm các thao tác "sơ cứu" xe để có thể chạy được rồi đưa tới hãng sữa chữa xe máy nơi gần nhất.
Nếu có việc cần di chuyển vào ban đêm bằng xe máy, hãy tìm mua những áo mưa có khả năng phản quang hoặc có màu sắc sáng…
Bởi khi trời mưa, tầm nhìn của chúng ta rất hạn chế nên các màu áo này có thể giúp những người đi đường khác phát hiện và tránh bạn.
Quan trọng nhất là trước khi ra đường, bạn cần lưu ý kỹ những điều sau:
Đội mũ bảo hiểm nào?
Hầu hết người điều khiển xe máy ở Việt Nam đều thích sử dụng mũ bảo hiểm nửa đầu cho nhẹ nhàng và thoáng gió, tuy nhiên, dưới trời mưa gió, mũ bảo hiểm kín đầu sẽ hữu ích hơn rất nhiều, vì thế bạn đừng ngại sử dụng nó.
Nếu mưa nặng hạt và có gió bão, loại mũ này sẽ bảo vệ bạn khỏi các chướng ngại vật có thể bay hoặc va đập vào mặt và mắt lúc đang chạy xe.
Mặc áo mưa loại gì?
Lựa chọn quần áo mưa phù hợp cũng rất quan trọng, đặc biệt là lúc trời mưa to. Vì những vị trí hở như cổ tay, cổ áo và những đường may đều có thể bị nước mưa thấm vào.
Thậm chí, với áo mưa dày dặn và găng tay dài thì nước vẫn có thể chảy vào qua cổ áo và cổ tay. Vì vậy, với những chuyến đi dài, bạn cần phải trang bị tốt hơn để bảo vệ bản thân và an toàn cho xe.
Kiểm soát độ bám đường ra sao?
Nước mưa sẽ làm cho mặt đường sạch hơn và ít ma sát hơn, nên xe bạn dễ bị trơn trượt và khả năng bám đường kém hơn bình thường.
Nếu sau khi đi mưa trên mặt đường lầy lội, chiếc xe bạn cần phải được rửa sạch bùn đất bám trên bánh xe giúp bám đường tốt hơn.
Ngoài ra, nước mưa có thể làm cho mặt đường xấu đi, ghồ ghề hoặc tạo lớp mặt trơn trượt. Tùy thuộc vào khả năng quan sát và đánh giá mặt đường mà bạn có thể xử lý hiệu quả hơn khi vận hành trên đường lúc trời mưa.
Cách dễ dàng nhất để kiểm tra độ bám mặt đường cho chiếc xe của bạn đó là sử dụng phanh sau một cách cẩn thận và dứt khoát ở các điểm khóa bánh trên mặt đường.
Dễ nhận thấy nguy hiểm và rủi ro nhất là các đoạn đường đang sửa chữa, mặt vỉa hè vừa được lát, bề mặt bê tông sạch bóng hoặc mặt đường có dầu tràn, là những nơi mà bánh xe của bạn khó bám hơn.
Tốt hơn hết, với mặt đường ướt mưa, bạn không nên chạy xe ở vận tốc cao, nên duy trì vận tốc vừa phải và quan sát cẩn thận để ứng phó tốt hơn với các chướng ngại vật bất ngờ.
Giữ khoảng cách an toàn
Luôn duy trì khoảng cách an toàn với xe trước và sau. Theo thói quen, rất nhiều lái xe thường đi bám sát đuôi xe trước, vì thế khi xe trước báo rẽ hoặc dừng đột ngột sẽ xử lý không kịp.
Một cách để người khác có thể thấy tín hiệu của bạn đó là vẫy tay, vì trong điều kiện trời mưa, có thể tay lái phía sau không để ý đèn báo.
Đối với thời tiết mưa bão, lời khuyên hữu ích nhất là bạn không nên chạy xe trên đường, đặc biệt là khi có sét. Nếu có gió mạnh, thì việc lái xe cũng gần giống như chèo thuyền trên sóng vậy nên bạn phải vững tay vì nếu không, xe bạn có thể sẽ bị đẩy nghiêng theo chiều gió.