Tại cuộc họp báo Chính phủ, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Đào Việt Ánh cho biết Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng trình Trung ương, Chính phủ liên quan đến Đề án cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, trong đó có nội dung tăng tuổi nghỉ hưu.
Đại diện cơ quan tổ chức thực hiện, ông Ánh khẳng định không có chuyện đến 2025 là mất cân đối thu chi quỹ hưu trí.
“Trước đây, tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) có tính toán, nhưng là tính toán trước khi có Luật BHXH năm 2014. Như đã biết, Luật BHXH đã mở rộng đối tượng, đã thay đổi cách tính rất nhiều. Hiện nay số liệu mà các đồng chí vừa công bố hoàn toàn không chính xác. Theo dự kiến của chúng tôi, thời gian kéo dài hơn rất nhiều. Thời gian cụ thể chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán và cung cấp thông tin sau. Tóm lại, không có chuyện quỹ BHXH mất cân đối vào 2025”, ông Ánh cho biết.
Cũng theo ông Ánh, BHXH Việt Nam là cơ quan được tham gia xây dựng đề án và tất cả các thành viên khi xây dựng đề án, liên quan tới tuổi nghỉ hưu, đều cân nhắc rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ vấn đề cân đối quỹ, chẳng hạn vấn đề kinh tế, hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực, năng suất lao động, số lượng, cơ cấu, chất lượng nguồn nhân lực, bình đẳng giới và cân đối quỹ.
“Tôi xin nhắc lại, không chỉ liên quan tới vấn đề cân đối quỹ, mà liên quan tới rất nhiều nhiều yếu tố khác, bao gồm kinh tế, lao động, việc làm, thất nghiệp…”, ông Ánh nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi, lý do là khi dân số già hóa nhanh, quỹ hưu trí nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc tăng tuổi hưu nên được tính toán và quyết định thận trọng nhằm hài hòa lợi ích cả hai bên: người lao động và quỹ bảo hiểm.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tuổi người nghỉ hưu bình quân ở nước ta năm 2014 là 54,17 tuổi; có những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 tuổi.