1. Hội đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, thuộc làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Hội đền Bà Chúa Kho thường khai hội vào ngày mùng 4 tháng Giêng hàng năm và kéo dài đến hết tháng.

Hội đền Bà Chúa Kho. (Nguồn ảnh: Internet)

Hội đền Bà Chúa Kho. (Nguồn ảnh: Internet)

Đây là một trong những di tích lịch sử có giá trị nằm trong quần thể di tích khu Cổ Mễ (gồm đình, chùa, đền).

Trong dịp đầu xuân năm mới, người dân từ mọi miền thường tìm về hội đền Bà Chúa Kho để dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa để cầu tài cầu lộc. Và đến cuối năm, họ lại quay về đền để trả lễ cho bà Chúa Kho. Đây là phong tục lâu đời của nhiều người dân Việt Nam, nhất là những người làm ăn buôn bán.

2. Lễ hội tịch điền Đọi Sơn (Hà Nam)

Tịch điền Đọi Sơn. (Nguồn ảnh: Internet)

Tịch điền Đọi Sơn. (Nguồn ảnh: Internet)

Lễ hội được tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. 

Lễ hội tịch điền Đọi Sơn diễn ra từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng hàng năm. Đây là một lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội.

Lần đầu tiên nghi thức tịch điền này diễn ra là vào thế kỷ X tại Hà Nam, trên quê hương vua Lê Đại Hành. Sau nhiều năm thất truyền, lễ hội được khôi phục kể từ năm 2009.

3. Gò Đống Đa (Hà Nội)

Lễ hội gò Đống Đa diễn ra từ ngày mùng 4 đến mùng 5 tháng Giêng hàng năm. Đây là lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới chiến công lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ và kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Lễ hội Gò Đống Đa. (Nguồn ảnh: Internet)

Lễ hội Gò Đống Đa. (Nguồn ảnh: Internet)

Từ sau ngày giải phóng thủ đô (10/10/1954), lễ hội gò Đống Đa được coi là ngày hội Đống Đa truyền thống, trở thành quốc lễ.

Ngoài nghi lễ truyền thống, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa dân gian như biểu diễn võ thuật và trống trận Tây Sơn, đua thuyền, trò chơi dân gian, hát tuồng... thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

4. Hội chùa Hương (Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội)

Lễ hội chùa Hương. (Nguồn ảnh: Internet)

Lễ hội chùa Hương. (Nguồn ảnh: Internet)

Lễ hội chùa Hương hay Trẩy hội chùa Hương là một lễ hội lớn, diễn ra trong khu thắng cảnh Hương Sơn, nằm ở Mỹ Đức, Hà Nội. 

Lễ hội chùa Hương được tổ chức từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Đây là một trong những lễ hội đông và kéo dài nhất ở Việt Nam.

Chùa Hương là một danh thắng nổi tiếng, không chỉ bởi cảnh đẹp mà nó còn  là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng đạo phật của người dân Việt Nam. 

Du khách đến chùa Hương không chỉ được tham gia vào hành trình về cõi Phật mà còn được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.

5. Hội chùa Yên Tử (Quảng Ninh)

Lễ hội chùa Yên Tử. (Nguồn: Internet)

Lễ hội chùa Yên Tử. (Nguồn ảnh: Internet)

Lễ hội chùa Yên Tử được diễn ra ở danh thắng Yên Tử nằm về phía Tây – Bắc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. 

Lễ hội bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng và kéo dài hết tháng Ba âm lịch. Du khách đổ về Yên Tử (Quảng Ninh) để được chạm tới ngôi chùa làm bằng đồng nằm trên đỉnh non thiêng.

Là một trong những danh sơn nổi tiếng ở nước ta, Yên Tử được biết đến là một di tích kết hợp hài hòa và hấp dẫn bởi hai mặt: Chiều sâu lịch sử và cảnh đẹp kỳ bí của thiên nhiên. Đó là vẻ đẹp hoang sơ của cõi thiền xưa, ẩnt chứa những thông tin về quá khứ, về con người và thời đại.

Yên Tử không chỉ nổi tiếng với cảnh đẹp, tháp cổ, chùa mà còn là nơi hình thành thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Đây cũng là trung tâm Phật giáo Việt Nam.

6. Khai ấn đền Trần (Nam Định)

Hội khai ấn đền Trần. (Nguồn ảnh: Internet)

Hội khai ấn đền Trần. (Nguồn ảnh: Internet)

Hội khai ấn đền Trần diễn ra trong 3 ngày, thường từ 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm tại Khu di tích đền Trần (phường Lộc Vương, TP Nam Định).

Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần.

Hội mở đầu bằng lễ khai ấn bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm). Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.

Theo Tuấn Việt/Reatimes.vn