Theo đó, cùng với mức tăng lương cơ sở này thì từ ngày 01/7/2020 cũng sẽ điều chỉnh nhiều chính sách về lương hưu, BHXH, BHYT và các khoản trợ cấp theo hướng có lợi cho cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể như sau:


Tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng từ ngày 1/7/2020.

1.Tăng mức lương hưu tối thiểu hàng tháng

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 56 Luật bảo hiểm xã hội 2014, mức lương hưu hàng tháng thấp nhất của người lao động tham gia BHXH bắt buộc đủ điều kiện hưởng lương hưu bằng mức lương cơ sở, trừ trường hợp quy định tại điểm i khoản 1 Điều 2 và khoản 3 Điều 54 Luật này.

Do đó, với việc tăng mức lương cơ sở lên 1.600.000 đồng/tháng kể từ 01/07/2020 thì mức lương hưu tối thiểu này sẽ là 1.600.000 đồng. (Hiện nay mức lương hưu tối thiểu là 1.490.000 đồng/tháng).

2. Tăng mức thanh toán 100% chi phí khi khám, chữa bệnh BHYT

Theo Điểm d khoản 1 Điều 14 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ở mức 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh nếu thấp hơn 15% mức lương cơ sở.

Như vậy, kể từ ngày 1/7/2020, với mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh được Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh ở mức 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi mức chi phí khám thấp hơn 240.000 đồng (1.600.000 đồng x 15 % = 240.000 đồng), hiện nay mức này là 223.500 đồng.


Tăng lương hưu tối thiểu hàng tháng.

3. Tăng trợ cấp một lần khi sinh con

Theo quy định tại Điều 38 Luật bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.

Theo đó, với mức tăng lương cơ sở lên 1.600.000 đồng/tháng thì mức trợ cấp này từ ngày 01/7/2020 sẽ là 3.200.000 đồng, tăng 220.000 đồng so với hiện nay (hiện nay là 2.980.000 đồng/tháng).

Lưu ý, trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha được trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con.

4. Tăng trợ cấp dưỡng sức sau sinh

Theo quy định tại Điều 41 Luật bảo hiểm xã hội 2014, lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 ngày đến 10 ngày. Trong đó, mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Như vậy, với mức lương cơ sở 1.600.000 đồng/tháng thì từ 01/7/2020, mức hưởng này sẽ là 480.000 đồng/ngày, tăng 33.000 đồng/ngày so với hiện nay (hiện nay là 447.000 đồng/ngày).

5. Tăng trợ cấp mai táng

Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014, tại tháng mà những người quy định tại Khoản 1 Điều 66 Luật này chết thì người lo mai táng được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở.

Hiện nay, mức trợ cấp mai táng này là 14,9 triệu đồng, tuy nhiên, từ ngày 01/7/2020, với mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng thì mức trợ cấp mai tang sẽ là 16 triệu đồng.

6. Tăng mức trợ cấp tuất hàng tháng

Theo quy định tại Luật bảo hiểm xã hội 2014, những người quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 66 thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 67 Luật này khi chết thì mỗi thân nhân sẽ được nhận mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Như vậy, mới mức lương cơ sở mới từ ngày 01/7/2020 thì mức trợ cấp tuấn hàng tháng này sẽ là 800.000 đồng/tháng đối với mỗi thân nhân và 1.120.000 đồng/tháng trong trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng.

7. Lương tối đa của công chức, viên chức tăng lên mức 12,8 triệu đồng/tháng

Theo quy định hiện hành, mức lương cơ sở sẽ được dùng làm căn cứ để tính lương trong các bảng lương được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Và từ ngày 01/7/2020, mức lương cơ sở được dùng làm căn cứ để tính lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ là 1.600.000 đồng/tháng.

Hiện tại, trong bảng lương tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP thì hệ số lương cao nhất thuộc về công chức, viên chức loại A3, bậc 6 với hệ số là 8.00 và mức lương thực nhận sẽ là 12,8 triệu đồng/tháng từ ngày 01/7/2019, tăng 880.000 đồng so với mức hiện hành và đây là mức lương tối đa mà công chức, viên chức được nhận.

Đồng thời, mức lương công chức thấp nhất cũng sẽ được nâng lên 2,16 triệu/tháng đối với các công chức loại C thuộc nhóm 3 với hệ số lương 1,35.

Theo Báo Dân Sinh