Trao đổi với truyền thông trong hội nghị giao ban báo chí quý 1 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tổ chức vừa qua tại Hà Nội, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, việc xác định mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2020 sẽ có điểm mới so với các năm trước.

Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách tiền lương là cơ sở ban hành những quy định mới để xác định mức tăng lương tối thiểu hàng năm. Bộ Luật Lao động năm 2012 cũng quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế xã hội, khả năng chi trả của DN chưa thể đáp ứng được nên tiền lương tối thiểu được điều chỉnh tăng hàng năm. Đến năm 2019, tiền lương tối thiểu chỉ đáp ứng được trên 90% mức sống tối thiểu.

luong toi thieu phai dap ung nhu cau song toi thieu
Cách xác định nhu cầu sống tối thiểu từ trước tới nay vẫn dựa trên nhu cầu lương thực thực phẩm, phi lương thực thực phẩm và nhu cầu nuôi con của người lao động.

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Mức lương tối thiểu áp dụng đối với NLĐ làm việc trong 4 DN như sau: vùng 1 tăng 200.000 đồng, từ 3,98 triệu đồng lên 4,18 triệu đồng; vùng 2 tăng 180.000 đồng, từ 3,53 triệu đồng lên 3,71 triệu đồng; vùng 3 tăng 160.000 đồng, từ 3,09 triệu đồng lên 3,25 triệu đồng; vùng 4 tăng 160.000 đồng, từ 2,76 triệu đồng lên 2,92 triệu đồng. Đầu năm 2019, Tổng Liên đoàn cũng đã thực hiện công tác giám sát việc thực hiện quy định về lương tối thiểu. Qua kiểm tra đa số các DN đều thực hiện nghiêm túc.

Theo ông Lê Đình Quảng, trong những năm trước, mức sống tối thiểu làm căn cứ điều chỉnh tăng lương hàng năm do bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia xác định từ số liệu của Tổng cục Thống kê, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đưa ra cách tính khác… Những số liệu, cách tính khác nhau của các bên dẫn đến tranh cãi, khó thống nhất về mức tăng tiền lương tối thiểu. “Cùng một rổ hàng hóa như vậy, nhưng nếu lấy tỷ lệ lương thực là 48 %, phi lương thực là 52 % thì giá của nhu cầu sống tối thiểu khác. Bởi vậy, cần phải có một cơ quan duy nhất có trách nhiệm công bố chính thức. Qua đó nhằm tránh việc tranh cãi không cần thiết”, ông Quảng nhấn mạnh.

Để có cơ sở xác định mức sống tối thiểu, trong Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 đã nêu rõ: Cơ quan thống kê của Nhà nước công bố mức sống tối thiểu hàng năm để làm căn cứ xác định mức lương tối thiểu và khuyến nghị các định hướng chính sách tiền lương.

Ông Lê Đình Quảng nhấn mạnh, năm nay, để xác định được mức tăng lương tối thiểu năm 2020 thì quan trọng nhất phải xác định được mức sống tối thiểu một cách chính xác. Theo tinh thần Nghị quyết 27, cơ quan có thẩm quyền phải xác định số liệu này. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Chính phủ xúc tiến ban hành các tiêu chí xác định mức sống tối thiểu.

“Chúng tôi đã có công văn đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước phải có quy định, xác định mức sống tối thiểu, nếu không sẽ luôn gây tranh luận, không thống nhất. Với mức tăng 5,3% của năm 2019, tình hình thảo luận lương tối thiểu 2020 tại Hội đồng Tiền lương tới đây sẽ rất căng thẳng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng bảo vệ mục tiêu như Nghị quyết 27 đã đề ra để bảo vệ quyền lợi cho người lao động”, ông Quảng khẳng định.

Từ năm 2021, Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 quy định: Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các DN được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của DN.

Nguyễn Đăng

Theo phapluatxahoi.vn