Thành phố Hà Nội đã và đang đưa nhóm giống lúa chất lượng cao vào sản xuất, tạo ra những vùng chuyên canh, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cả về năng suất và chất lượng. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, mà còn mở ra hướng mới cho gạo chất lượng cao của Hà Nội vươn tới thị trường thế giới.
Bước khởi đầu đáng khích lệ
Hiện nay, khoảng 60% diện tích lúa của Hà Nội là lúa hàng hóa chất lượng cao và thành phố đặc biệt chú trọng bộ giống lúa Japonica cho việc hình thành các vùng chuyên canh hướng tới xuất khẩu. "Ba năm trở lại đây, gia đình tôi canh tác giống lúa Japonica. Đây là giống lúa cho năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất trung bình đạt trên 2 tạ/sào. Đặc biệt, giống lúa này cho chất lượng gạo thơm ngon, giá lúa cũng cao hơn lúa thường khoảng 30%", bà Trần Thị Hạ (xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa) cho biết.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) Vũ Thị Huyền thông tin: Hiện đơn vị đang trồng 200ha lúa Japonica theo phương pháp hữu cơ, đáp ứng các điều kiện có thể xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ. Tương tự, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thành (xã Mỹ Thành, huyện Mỹ Đức) Đinh Tiến Thao cho biết, đơn vị đang gieo cấy giống J01, ĐS1 thuộc bộ giống Japonica cho năng suất hơn 60 tạ/ha, giá trị kinh tế cao hơn 15%-20% so với các giống lúa địa phương đang canh tác, đáp ứng các điều kiện để xuất khẩu.
Về bộ giống lúa Japonica, GS.TS Đỗ Năng Vịnh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Di truyền nông nghiệp cho biết: Thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu loại gạo này khá triển vọng. Hiện, gạo Japonica đang được bán với giá từ 800 đến 1.500 USD/tấn, cao gần gấp đôi so với các loại gạo bình thường của Việt Nam.
Về việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao của Hà Nội, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường nhận định: Hà Nội đưa lúa chất lượng cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ hướng tới xuất khẩu là hướng đi đúng, phù hợp với việc tái cơ cấu của ngành trồng trọt của thành phố...
Liên kết chuỗi để thúc đẩy xuất khẩu
Tuy nhiên, để lúa gạo trở thành mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của nông nghiệp Thủ đô còn nhiều việc phải làm. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho rằng: Diện tích lúa hàng hóa chất lượng cao tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng công nghệ sau thu hoạch, chế biến, bảo quản sản phẩm và xúc tiến thương mại đối với lúa gạo chuyển biến chậm. Phần lớn lúa, gạo chất lượng cao chưa có thương hiệu nên gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu.
Chung nhận định, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng thông tin: Hiện huyện Chương Mỹ đang phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng vùng lúa hữu cơ tại xã Nam Phương Tiến và Đồng Phú để hướng đến xuất khẩu. Tuy nhiên, việc thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân, tuân thủ phương thức sản xuất hữu cơ cũng đang là trở ngại.
Từ góc nhìn của doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại và xuất khẩu Greenpath Việt Nam Phùng Thị Thu Hương cho biết thêm: Sự liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến lúa gạo chưa chặt chẽ. Tình trạng người dân phá vỡ hợp đồng diễn ra phổ biến, khiến doanh nghiệp dè dặt trong bao tiêu sản phẩm cũng như hỗ trợ tổ chức sản xuất và đầu tư công nghệ sau thu hoạch.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy việc xây dựng các vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao cho xuất khẩu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng hai nhãn hiệu tập thể cho gạo Japonica của xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức) và xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Hà Nội phấn đấu năm 2025 có khoảng 30.000ha, qua đó hình thành và phát triển 50-60 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Đồng thời thành phố sẽ tập trung hỗ trợ các khâu còn yếu như: Công nghệ sấy, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm...
Cũng về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Hoàng Thị Hòa thông tin: Hiện đơn vị đang hoàn thiện quy trình sản xuất lúa hữu cơ và tập trung tổ chức đào tạo nguồn nhân lực quản lý, kỹ thuật cao cho các vùng sản xuất lúa tập trung. Đặc biệt là hoàn thiện xây dựng chuỗi sản xuất lúa chất lượng cao theo tiêu chuẩn xuất khẩu, qua đó lấy doanh nghiệp, hộ dân làm trung tâm kết nối.
Từ điểm nhìn của một địa phương, Phó Chủ tịch huyện Ứng Hòa Nguyễn Chí Viễn cho biết, hiện tại, huyện đã mở rộng được hơn 3.000ha gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02. Để thúc đẩy phát triển sản xuất, hướng đến xuất khẩu, Ứng Hòa sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất lúa gạo.
Thực tế cho thấy, việc xây dựng phát triển vùng trồng lúa chất lượng cao không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô mà còn mở hướng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Thực hiện tốt việc này sẽ góp phần vào hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của Hà Nội theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.