Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Thành phố Hà Nội chiều 3/4, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, xử phạt trường hợp không nằm trong diện được đi ra ngoài đường (theo hướng dẫn của thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về cách ly xã hội). Đây là giải pháp mạnh mẽ của lãnh đạo UBND Hà Nội nhằm ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp và tiếp tục có chiều hướng gia tăng tại Hà Nội.

Hà Nội sẽ phạt người ra đường vi phạm quy định hạn chế ra đường. Ảnh: Ngọc Tú

Biện pháp trên của Thành phố Hà Nội ngay lập tức nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ, thậm chí, mong muốn lãnh đạo Thành phố có những biện pháp mạnh hơn nữa, tránh dịch bệnh lây lan, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Bên cạnh đó, chỉ có biện pháp mạnh mới hy vọng dịch bệnh sớm qua đi để người dân khắc phục khó khăn, lao động sản xuất, tránh nguy cơ phá sản, nợ nần.

Các luật sư cũng cho rằng, việc xử phạt là rất cần thiết và hoàn toàn có căn cứ. Trước hết là việc Thủ tướng đã quyết định công bố dịch Covid-19 trên toàn quốc, khẳng định đây là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu.

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định: Bệnh truyền nhiễm gồm các nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Những ngày qua, nhiều trường hợp không chấp hành Chỉ thị của Thủ tướng về việc đeo khẩu trang nơi công cộng đã bị xử phạt đến 200.000 đồng, vậy những vi phạm tương tự mà chỉ thị đề cập cũng có căn cứ để xử phạt.

Ngoài ra, còn nhiều quy định pháp luật khác quy định xử lý việc không thực hiện nghiêm các giải pháp trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm. Trong đó, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam có trách nhiệm tham gia phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này”. (Khoản 3 điều 7 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm).

Luật Quy định những hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: “Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. (Khoản 7 điều 8 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm).

Tùy tính chất và mức độ của hành vi, người vi phạm còn có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 176 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.

Theo đó, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi: Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. (Điểm A, khoản 1, điều 11 Nghị định 176 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế).

Đối chiếu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, chủ tịch UBND xã, phường cũng có thẩm quyền xử phạt các trường hợp này. Vì vậy, với những trường hợp cố tình vi phạm, không thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng trong phòng chống dịch, hoàn toàn có đủ cơ sở xử phạt.

Trước đó, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hà Nội chiều 3/4, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, chỉ trong vòng một tuần vừa qua số ca nhiễm Covid -19 ở Hà Nội đã tăng lên gần gấp đôi.

Tập thể dục trong công viên cũng là hành vi vi phạm quy định. Ảnh: Phạm Hùng - Ngọc Tú

Ổ dịch từ Bệnh viện Bạch Mai có diễn biến phức tạp, các trường hợp mắc bệnh đã có quá trình đi lại, làm việc tại nhiều nơi vì vậy trong những ngày tới dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn và tiếp tục có chiều hướng gia tăng.

Đặc biệt, ngày 3/4, tại Hà Nội phát hiện trường hợp khách Thụy Điển bị tai nạn giao thông, xét nghiệm dương tính với SARS-Cov-2. Từ trường hợp này, rất có thể trong thành phố còn những người bị dương tính khác chưa được phát hiện. Ngoài ra, trường hợp người Thụy Điển dương tính do tình cờ phát hiện đã lây cho người khác trong cộng đồng nhưng chưa phát hiện được.

Từ khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị cách ly xã hội, đại bộ phận người dân Thủ đô tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, song vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân còn đi lại nhiều ngoài đường, còn hàng quán mở cửa.

Thành phố đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống trong khi dịch bệnh diễn biến rất phức tạp nhưng nếu không có sự ủng hộ, chia sẻ và đồng thuận của người dân, giải pháp nào cũng không thể hiệu quả. Trong khi, như phân tích của các nhà khoa học, dịch tễ học, chỉ cần 10% dân số không thực hiện, kế hoạch phòng chống dịch sẽ rất khó khăn, có thể thất bại.

Toàn bộ công tác phòng, chống dịch hiện đang được kiểm soát chặt chẽ, việc quyết định “thành” hay “bại” trong công tác phòng, chống dịch thời điểm này cần phải có sự tham gia chung sức, đồng lòng, có trách nhiệm của tất cả mọi người dân trên địa bàn Thủ đô.

Những trường hợp thực sự cần thiết được ra ngoài

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ ngày 3-4 đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch Covid-19. Trong văn bản này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu:

1. Thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:

a) Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;

b) Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,…

c) Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu tại mục 2 văn bản này.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2m.

2. Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,…); cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động. Người đứng đầu các cơ sở nêu trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch, trong đó có các biện pháp:

a) Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế;

b) Yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp;

c) Tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động;

d) Tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh.

Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động.


Theo Kinh tế & Đô thị