Khách của Co-working là ai?
Hiểu một cách đơn giản, Co-working là một môi trường làm việc dành cho các nhóm khởi nghiệp giúp gắn kết, chia sẻ công việc và những ý tưởng. Tuy nhiên, không giống với môi trường văn phòng cơ bản, các thành viên của mô hình Co-working có thể đến từ những tổ chức khác nhau, ngành nghề khác nhau và độc lập trong các hoạt động của mình.
Không gian của Co-working hoàn toàn mở, phù hợp cho từng cá nhân hoặc các nhóm nhỏ đến ngồi làm việc. Đặc biệt, mô hình này chỉ tính tiền trên thời gian, còn các dịch vụ như internet, máy tính, máy chiếu, cafe…đều miễn phí.
Theo bà Nguyễn An (Giám đốc bộ phận nghiên cứu Dịch vụ CBRE), có một vài nhân tố chính dẫn tới sự bùng nổ mô hình không gian làm việc chung tại Việt Nam. Một trong số các nhân tố này là xu hướng khởi nghiệp. Cụ thể, trong thời gian gần đây, một loạt các công ty khởi nghiệp gây được sự chú ý lớn trên thị trường. Theo xu hướng đó, Co-working ra đời như một không gian làm việc tiện dụng với thời gian làm việc thoải mái, không yêu cầu vốn đầu tư cơ sở vật chất ban đầu. Theo như báo cáo về Co-working của CBRE, trong một cuộc khảo sát các thành viên sử dụng cho thấy trên 60% là các nhân viên hoặc nhà sáng lập của công ty start-ups.
Ngoài các start-up, nhiều thành viên các tổ chức phi chính phủ cũng là khách thường xuyên tìm tới Co-working để làm việc linh động. Tương tự, còn có một số công ty trong lĩnh vực Online, truyền thông với quy mô toàn cầu, các văn phòng đại diện ở nhiều nước khác nhau với múi giờ hoạt động khác nhau.
Một nơi làm việc tiết kiệm chi phí
Có một thực tế rõ ràng, những công ty, doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính sẽ tự đầu tư xây dựng các tòa nhà văn phòng của riêng mình. Trong khi đó những doanh nghiệp khởi nghiệp quy mô công ty chỉ vài người, nếu thuê văn phòng dịch vụ truyền thống thì rất tốn kém. Không chỉ vậy, trải qua giai đoạn gọi vốn đầu tư, chỉ trong khoảng thời gian vài tháng, nhiều start-up bắt đầu mở rộng nhân lực có thể nên tới vài chục thậm chí vài trăm người. Theo đó, chọn Co-working khi quy mô nhỏ sẽ tiết kiệm so với thuê văn phòng truyền thống.
Cũng theo bà Nguyễn An, sự phát triển của Co-working là sự lan rộng của mô hình “kinh tế chia sẻ” (shared economy) trên toàn cầu. Đây là mô hình cho phép người sở hữu một tài sản tận dụng tối đa mức độ sử dụng thông qua việc chia sẻ với các đối tượng khác cũng có nhu cầu sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định. Việc sử dụng chung không chỉ để tạo ra doanh thu mà còn giúp người sử dụng tiết kiệm chi phí, đặc biệt đối với những người chỉ có nhu cầu trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo đó, mô hình Co-working cho phép các doanh nghiệp thuê văn phòng tùy theo nhu cầu thời gian sử dụng, mà không mất khoảng đầu tư ban đầu như thuê văn phòng truyền thống. Các khách thuê này sẽ chia sẻ khoảng không gian làm việc, các cơ sở vật chất, thiết bị, cũng như tiện ích của Co-working.
Mạng lưới kết nối
Việc lựa chọn mô hình, Co-working, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội làm quen và kết nối với các khách hàng, nhà cung cấp, đối tác chiến lược mới… Tương tự, các start-up còn có thể chia sẻ kinh nghiệm và tìm cơ hội hợp tác kêu gọi vốn đầu tư.
Co-working bùng nổ còn bởi nhu cầu từ các tập đoàn đa quốc gia do tính linh hoạt và mạng lưới rộng khắp. Các tập đoàn này sử dụng Co-working như là một nơi làm việc thay thế bên cạnh văn phòng truyền thống. Các nhân viên làm việc bên ngoài văn phòng chính, ở các vị trí khác nhau rải rác trong một thành phố, hoặc thường xuyên phải di chuyển tùy theo nhu cầu về thời gian và địa điểm.
Ngoài ra, việc thay đổi môi trường làm việc từ truyền thống sang một môi trường mở, khuyến khích hợp tác, trao đổi, đặc biệt có lợi cho các phòng ban yêu cầu sự sáng tạo. Đây là điều mà Co-working có thể cung cấp trong khi văn phòng truyền thống của các tập đoàn thường bị hạn chế. Các tập đoàn như: Silicon Valley Bank, Merck, KPMG, EY, Cisco,… đã sử dụng mô hình này.
Trong một báo cáo củaCBRE, không gian làm việc chung (Co-working) xuất hiện tại Việt Nam vào năm 2012, đặc biệt lan rộng tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tính đến tháng 6/2017, đã có tổng cộng 17 đơn vị vận hành tại 22 địa điểm. |
Hồng Vũ