Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, năm 2019, thị trường bảo hiểm duy trì đà tăng trưởng; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm tiếp tục được hoàn thiện; các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 376,555 nghìn tỉ đồng; đồng thời, đặt mục tiêu mức tăng trưởng đạt 20% trong năm 2020.
Năm 2019, thị trường bảo hiểm phát triển ổn định
Đánh giá về thị trường bảo hiểm trong năm 2019, Bộ Tài chính cho biết phát triển thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế, là công cụ bảo vệ rủi ro tài chính cho nhà đầu tư.
Trong năm qua, Bộ Tài chính đã phát triển thị trường bảo hiểm một cách đồng bộ, nhất quán việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống, cơ chế, chính sách pháp luật cho đến việc nâng cao tính an toàn, hiệu quả của hệ thống góp phần đảm bảo phát triển ổn định và bền vững.
Bộ Tài chính rất chú trọng chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại để phục vụ quản lý, giám sát thị trường chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả.
Năm 2019, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện cho thị trường phát triển lành mạnh, đáp ứng các cam kết hội nhập quốc tế. Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 06 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, bao gồm: 01 Luật, 01 Nghị định, 02 Quyết định và 02 Thông tư.
Trong đó, đã trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP ngày 01/11/ 2019 sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg ngày 26/6/2019 về việc thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp,...
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, hoạt động của thị trường bảo hiểm năm 2019 có bước phát triển tốt.
Tính đến cuối năm 2019, thị trường bảo hiểm có 66 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm, gồm 30 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm, 2 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 16 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 1 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Theo đó, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2019 đạt 454,379 nghìn tỷ đồng, tăng 15,03% so với năm 2018. Trong đó, tổng tài sản các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 89,447 nghìn tỷ đồng, bảo hiểm nhân thọ ước đạt 364,932 nghìn tỷ đồng.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 376,555 nghìn tỷ đồng, tăng 16,4% so với năm 2018.
Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 285,965 nghìn tỷ đồng, tăng 18,58%; tổng nguồn vốn chủ sở hữu ước đạt 89,345 nghìn tỷ đồng tăng 9,34% so với năm 2018. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 20,54%, tổng giá trị tài sản tăng 15,1% so với năm 2018.
Khung khổ pháp lý cho lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm tiếp tục được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với thực tiễn hoạt động của thị trường.
Các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm được ban hành trong năm 2019 có thể kể tới như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; Quyết định số 242/QÐ-TTg ngày 28/2/2019 phê duyệt Ðề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Quyết định số 22/2019/QÐ-TTg ngày 26/6/2019 về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp...
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã tạo môi trường pháp lý đồng bộ, công khai, minh bạch và bình đẳng cho các DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia thị trường, phù hợp với các chuẩn mực và cam kết quốc tế.
Một yếu tố khác giúp thị trường bảo hiểm phát triển an toàn và bền vững, đó là các DNBH đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh trong bối cảnh lãi suất trái phiếu chính phủ giảm, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm bảo hiểm và đẩy mạnh các kênh phân phối, nhất là kênh phân phối qua ngân hàng và giao dịch điện tử.
Mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm 2020
Để thị trường tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2020, Bộ Tài chính nêu rõ 02 định hướng phát triển thị trường bảo hiểm là: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm tiếp cận các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; tiếp tục duy trì đà tăng trưởng của thị trường, dự kiến mức tăng trưởng 20%, tăng cường tính an toàn, bền vững và hiệu quả của thị trường và khả năng đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng của các tổ chức, cá nhân, góp phần ổn định nền kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội.
Để đạt được mục tiêu này, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị cơ quan quản lý tập trung nguồn lực để hoàn thiện Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua năm 2021 theo hướng quản lý trên cơ sở rủi ro, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, tăng cường tính chủ động và chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm trong hoạt động kinh doanh, vốn, quản trị rủi ro và quản trị nhân lực, quy định về hợp đồng bảo hiểm; hoàn thiện phương thức quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tăng cường công tác hậu kiểm thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, hội nhập, hợp tác quốc tế…
Về phía các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cần chủ động trong việc nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị doanh nghiệp và năng lực kinh doanh.
Cùng với đó, rà soát lại các hoạt động kinh doanh, các sản phẩm bảo hiểm hiện có... nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu, khả năng tham gia bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân theo cách thức hiệu quả cao nhất.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng cần tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin để tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng an toàn về thị trường tài chính.
Đối với Hiệp hội bảo hiểm, cần tích cực phát huy vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp bảo hiểm.
Bên cạnh đó, hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, kinh doanh bảo hiểm nhằm phát huy hơn nữa vai trò của mình trong phát triển thị trường bảo hiểm.
Để đạt được các mục tiêu trên, theo ông Phùng Ngọc Khánh cho rằng, thời gian tới, cần tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính; tăng cường kết nối với các cơ quan quản lý, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế.
Cùng với đó, nâng cao tính minh bạch thông tin của DNBH; phát triển và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối bảo hiểm theo kịp với sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0; Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử phạt hành chính; Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời, tăng cường kết nối liên thông giữa bảo hiểm y tế xã hội với bảo hiểm y tế thương mại; Đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về thị trường bảo hiểm; Thiết lập hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở dữ liệu cho thị trường bảo hiểm.
Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các DN, đảm bảo an toàn hệ thống; Nâng cao tính tuân thủ pháp luật, tăng cường hợp tác trong hoạt động kinh doanh của các DN.
Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển đa dạng các sản phẩm bảo hiểm mới có ý nghĩa cộng đồng và an sinh xã hội trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ như: Bảo hiểm vi mô, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hưu trí; Đa dạng hóa phương thức và phát triển các sản phẩm bảo hiểm phù hợp với xu thế kinh doanh gắn liền với Cách mạng công nghiệp 4.0.