Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Grete Lochen - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam cho biết, 2021 là một năm đặc biệt đối với Na Uy và Việt Nam. Hai nước đều rất tự hào về quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực thủy sản suốt thời gian qua.
"Chúng ta đang cùng nhau tìm hiểu cách thức để thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư vào ngành nuôi biển ở Việt Nam. Nói đến phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp, Na Uy có nhiều điều để chia sẻ dựa trên những bài học của chúng tôi với ngành công nghiệp cá hồi nổi tiếng”, bà Grete Lochen chia sẻ.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, trong 4 thập kỷ qua, Na Uy đã hỗ trợ kỹ thuật rất đáng kể cho ngành thủy sản của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước đã mang lại những lợi ích to lớn cho nền kinh tế hai bên cũng như góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước.
Theo ông Tiến, trong những năm gần đây, Việt Nam đặc biệt chú trọng đến xây dựng chính sách và kế hoạch nhằm phát triển kinh tế biển nói chung và nuôi biển nói riêng.
Cụ thể, tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, tạo khối lượng sản phẩm lớn phục vụ chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa cũng như khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển mở.
Để hiện thực hóa định hướng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, với mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, diện tích nuôi đạt 280.000 ha, thể tích lồng nuôi 10,0 triệu m3. Sản lượng nuôi đạt 850 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1,0 tỷ USD. Và đến năm 2030, diện tích nuôi đạt 300.000 ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3. Sản lượng nuôi đạt 1,45 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2,0 tỷ USD.
Cùng với “nhiệm vụ” về kinh tế, phát huy tiềm năng, lợi thế quốc gia ven biển, ngành nuôi biển còn mang ý nghĩa quan trọng đối với bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản của Việt Nam, ông Tiến khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì ngành nuôi biển của Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức và hạn chế như hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho nuôi biển, nhất là nuôi biển công nghiệp còn hạn chế, chưa được đầu tư.
Cùng với đó, cơ chế chính sách phát triển nuôi biển chưa đủ mạnh để kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, nhất là các doanh nghiệp lớn có năng lực đầu tư đồng bộ.
Đặc biệt, khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế; nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ nuôi, hệ thống lồng bè, công nghệ phụ trợ cho nuôi biển phù hợp với thời tiết Việt Nam chưa phát triển, nhất là phục vụ nuôi ở các vùng biển xa...
Song song với đó, công tác nghiên cứu thức ăn chưa đáp ứng yêu cầu, chủ yếu sử dụng cá tạp, dễ gây ô nhiễm môi trường. Còn về phía người lao động tham gia nuôi biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường”, Tiến thừa nhận.
Đánh giá về ngành khai thác biển Việt Nam, ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, để phát triển thành công ngành nuôi biển quy mô công nghiệp, nguồn nhân lực cũng là yếu tố vô cùng quan trọng.
Vì vậy, để đảm bảo có được một đội ngũ công nhân có chất lượng, biết làm chủ công nghệ 4.0 và máy móc kỹ thuật đặc thù của ngành và đáp ứng được các yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp là mục tiêu mà VCCI đang theo đuổi trong một chương trình Đào tạo nguồn nhân lực đầu tiên cho ngành nuôi biển công nghiệp phối hợp với Liên đoàn Giới chủ Na Uy trong 2 năm qua, ông Thành chia sẻ thêm.
Nguồn: https://congluan.vn/vi-sao-nganh-chan-nuoi-bien-o-viet-nam-van-chua-tan-dung-duoc-the-manh-post134729.html