Theo Niên giám Da giày thế giới năm 2021 (World Footwear Yearbook 2021) vừa được công bố, lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu, xếp thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.

Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…

Lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu
Lần đầu tiên, Việt Nam chiếm trên 10% thị phần giày xuất khẩu toàn cầu

Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, tham gia vào các FTA song phương và đa phương, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh được dự báo sẽ mang lại ưu thế lớn giúp doanh nghiệp da giày Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác.

Điển hình là việc hai "ông lớn" Nike và Adidas, ngay từ đầu năm 2022, đều bày tỏ mong muốn gia tăng sản lượng sản xuất tại Việt Nam.

Trước đó, năm 2021 dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Việt Nam sản xuất giày cho Nike vẫn chiếm 51% sản lượng toàn cầu của hãng. Ngay cả đối thủ của hãng Nike là Adidas cũng đi theo hướng tương tự, với 40% sản lượng giày dép được sản xuất ở Việt Nam. Tuy nhiên, một thực tế dễ nhận thấy, đó là những đơn hàng sản xuất của Adidas, Nike… đa số lại rơi vào tay các công ty nước ngoài ở Việt Nam. Còn các công ty Việt Nam nếu nhận được đơn hàng thì cũng chỉ là ở những công đoạn gia công cuối cùng.

Trong chuỗi giá trị ngành da giày thế giới, Việt Nam hoạt động chủ yếu ở các khâu cắt, may, dán, đóng các loại vật liệu được cung cấp sẵn để hình thành chiếc giày; nguyên phụ liệu hầu hết được các công ty nước ngoài nhập về.

Như vậy vấn đề chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất đang là nút thắt lớn đối với ngành da giày Việt. Do vậy, ngành da giày cần phải thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) tiến tới chủ động nguồn nguyên liệu.

Ngành da giày Việt cần chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất
Ngành da giày Việt cần chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất

Các doanh nghiệp da giày cho biết, khi chủ động được 100% nguyên phụ liệu sẽ giúp tiết giảm chi phí vận tải, phí lưu kho, chi phí vốn nguyên phụ liệu, thủ tục hải quan và từ đó tổng chi phí cũng sẽ giảm khoảng 8%. Việc tiết giảm chi phí không chỉ làm tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm da giày của Việt Nam.

Hiện cả nước có khoảng 313 doanh nghiệp chuyên sản xuất các nguyên phụ liệu hỗ trợ cho ngành da giày. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, con số này không nhỏ, nhưng các doanh nghiệp trong nước lại đang thiếu liên kết nên khó có thể phát triển mạnh được.

Để nỗ lực thúc đẩy phát triển CNHT, cần xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT ưu tiên phát triển; tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT...

Trên cơ sở đó, tập trung phát triển chuỗi giá trị trong nước, thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất trong nước và nước ngoài.

Theo congly.vn

Nguồn: https://congly.vn/nganh-da-giay-viet-can-chu-dong-nguon-nguyen-lieu-trong-san-xuat-204352.html