Ban Quản lý dự án Đường sắt - Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT)(đại diện chủ đầu tư) cho biết, đưa toa tàu mẫu ra lấy ý kiến người dân về nội, ngoại thất là để nhà thầu xem xét chỉnh sửa cho phù hợp.

Khu vực trưng bày đoàn tàu mẫu tại Triển lãm Giảng Võ (Hà Nội)

Theo kế hoạch, Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông sẽ mua 13 đoàn tàu (52 toa xe) với cấu thành 4 toa xe/1 đoàn tàu, chiều dài đoàn tàu là 79 mét. Tốc độ tối đa của đoàn tàu đạt 80 km/h; tốc độ khai thác trung bình ≥ 35 km/h. Số lượng hành khách của mỗi đoàn tàu là 960 người (tối đa có thể đạt 1.326 người). Năng lực vận chuyển tối đa khoảng 28.500 hành khách/giờ/hướng.

Đoàn tàu sử dụng chất liệu vỏ thép không gỉ với bề mặt được đánh xước mờ. Màu sắc chủ đạo của tàu là xanh lá cây, nội thất màu ghi sáng.

Bên trong tàu có hai hàng cột cong về phía giữa toa, giúp người đi tàu thuận tiện hơn khi ngồi nắm tay vào cột; hàng cột giữa dọc theo lối đi và cột ngang tại hai phía của ghế cho phép hành khách đứng bám ổn định, tạo không gian rộng rãi.

Ghế ngồi trong tầu sử dụng vật liệu composite có độ bền cao, tránh được cảm giác lạnh vào mùa đông. Dãy ghế được bố trí dọc theo toa, dưới cửa sổ. Tại hai đầu của mỗi toa có hai dãy ghế dành riêng cho phụ nữ mang thai, người tàn tật. Tại hai đầu của toa xe có bố trí khu vực dành cho xe lăn... Bảng thông tin và bản đồ dạng đèn LED bố trí phía trên các cửa lên xuống.

Thiết kế bên trong tàu

Bộ GTVT chấp thuận mô hình tàu mẫu có phần thiết kế đầu tàu theo hình vát, gần với hình dạng khí động học (hình mũi tên). Riêng phần dưới cản trước, tạm chấp nhận tàu mẫu sử dụng khuôn sẵn có (chưa thể hiện phần bo tròn và hộp bảo vệ đầu đấm móc nối như phương án được Bộ GTVT chấp thuận). Vì vậy, đầu tàu chính thức sẽ được sản xuất theo đúng phương án đã lựa chọn (có một số điểm ngoài khác tàu mẫu).

Đầu tàu có hình vát, kính chắn gió, cửa sổ rộng, dáng hiện đại

Tàu do Cty TNHH Trang thiết bị Tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo và sản xuất.

Chi phí dự kiến là hơn 63,2 triệu USD và đã được Bộ GTVT thẩm định. Đoàn tàu phục vụ vận chuyển hành khách trục Cát Linh - Hà Đông với tổng số 12 nhà ga trên cao, xuất phát từ Cát Linh (điểm giao cắt giữa đường Cát Linh và Giảng Võ) đến điểm cuối phía trước Bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông.

TS Nguyễn Xuân Thủy – người từng bảo vệ luận án tiến sĩ về đường sắt đô thị tại Tiệp Khắc (cũ), cho biết, theo những thông số kỹ thuật đã công bố, tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng “khá ổn”. Tuy nhiên, TS Thủy cho rằng, điều quan trọng là hệ thống an toàn được thiết kế và vận hành thế nào? “Tàu chạy trên cao sẽ gây tiếng ồn ra sao, tốc độ có đảm bảo ổn định… những điểm này cần được người nghiệm thu lưu tâm. Đặc biệt là vấn đề an toàn”, TS Thủy nói.

Ông Trần Xuân Sanh - Cục trưởng Quản lý Xây dựng và Chất lượng Công trình Giao thông cho biết, trước mắt việc lấy ý kiến sẽ kéo dài hết tháng 11 tới. Tuy nhiên, nếu người dân vẫn có nhu cầu cần thêm thời gian để đóng góp ý kiến, thời gian lấy ý kiến sẽ kéo dài thêm. Người dân có thể đóng góp ý kiến trực tiếp tại khu trưng bày, hoặc góp ý qua thư điện tử và các hình thức khác về Bộ GTVT.

Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông Trần Xuân Sanh kiểm tra công tác chuẩn bị trước khi trưng bày đoàn tàu mẫu

Dự kiến, đến 30/5/2016 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành phần thô và 30/6/2016 sẽ hoàn thành xây lắp để khai thác thử.

Bên cạnh việc chuẩn bị cho tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động, 37 học viên lái tàu đợt 1 hiện đang trong giai đoạn lái thử thực tế trên một số tuyến đường đang khai thác tại Bắc Kinh (Trung Quốc) để chuẩn bị thi tốt nghiệp và hoàn thành khóa học vào tháng 11/2015.

Theo Ngân Chi (Tổng hợp)/ Gia đình Việt Nam