Sự căng thẳng, sợ hãi, đau buồn, cô lập và không chắc chắn do đại dịch COVID-19 tạo ra có thể khiến bất kỳ ai thất vọng, nhưng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên có thể đã và đang phải trải qua quãng thời gian đặc biệt khó khăn để xoay xở với cảm xúc sợ hãi, lo âu vì đại dịch mà cha mẹ lại không hề hay biết.

TỶ LỆ TRẺ BỊ LO ÂU, BỨT RỨT TĂNG NHANH DO ĐẠI DỊCH

Nhiều cha mẹ sẽ cho rằng, không ai có thể tránh được cảm giác chán nản trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, khi tất cả các hoạt động xã hội đều bị hạn chế và con người không có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhau. Và đó là điều bình thường, Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, trầm cảm không chỉ là cảm thấy buồn chán. Một đứa trẻ có thể sẽ bị mắc kẹt trong tâm trạng tiêu cực kéo dài, cảm thấy vô vọng và không còn cảm thấy hứng thú hay muốn tận hưởng bất kỳ điều gì, đó là khi trầm cảm đang chực chờ tấn công trẻ.

Trầm cảm là một rối loạn thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên, nhưng nó có thể xảy ra với cả trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo. Những trẻ có tiền sử trầm cảm đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh trong thời gian căng thẳng này, nhưng những nỗi ám ảnh như đại dịch cũng có thể gây ra trầm cảm ở những trẻ trước đó không có bất kỳ dấu hiệu nào.

Rất nhiều nghiên cứu trên thế giới gần đây đã cho thấy một sự thật, nhiều trẻ em đang bắt đầu gặp phải những căng thẳng tâm lý do phải sống trong bối cảnh đại dịch quá lâu, giữa các đợt cách ly xã hội kéo dài.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open, 1.784 trẻ em từ lớp 2 đến lớp 6 ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, đã được khảo sát để đánh giá sức khỏe tâm thần trong bối cảnh phải giãn cách vì đại dịch. Nghiên cứu cho thấy khoảng 1/5 số trẻ tham gia khảo sát - 20% - cho thấy các triệu chứng trầm cảm sau khi trường học phải đóng cửa trong một tháng. Kết quả cũng tương tự đối với các triệu chứng lo âu. Điều này cho thấy, các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của trẻ em.

Trong một cuộc khảo sát trực tuyến khác, 8.079 học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở Trung Quốc đã hoàn thành bài đánh giá về các triệu chứng trầm cảm và lo lắng trong thời kỳ dịch COVID-19. Sử dụng bảng câu hỏi về sức khỏe bệnh nhân (PHQ-9) và bảng câu hỏi về Rối loạn lo âu tổng quát (GAD -7 ), kết quả cho thấy tỷ lệ hiện mắc các triệu chứng trầm cảm là 43,7%, các triệu chứng lo âu 37,4%, và cả trầm cảm lẫn lo âu 31,3%. Các triệu chứng trầm cảm và lo lắng ở nữ cao hơn, và theo mức độ tăng dần từ cấp trung học cơ sở đến trung học phổ thông. Nhóm học sinh không có các triệu chứng trầm cảm và lo âu là nhóm có nhiều kiến thức hơn về các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát.

Tác động tinh thần của việc cách ly do Covid-19 cũng được đánh giá đối với trẻ em và thanh thiếu niên tại Ý và Tây Ban Nha. Những người tham gia bao gồm 1.143 phụ huynh có con từ 3 - 18 tuổi. Nghiên cứu cho thấy 85,7% phụ huynh đã báo cáo những thay đổi trong cảm xúc và hành vi của con cái họ trong thời gian cách ly. Những thay đổi được quan sát thấy thường xuyên nhất là khó tập trung (76,6%), buồn chán (52%), cáu kỉnh (39%), bồn chồn (38,8%), hồi hộp (38%), cô đơn (31,3%), bứt rứt (30,4%) và lo lắng (30,1%). Khoảng 75% phụ huynh cho biết họ cảm thấy căng thẳng về tình hình cách ly. Sự căng thẳng của cha mẹ có liên quan đến việc gia tăng các báo cáo về các triệu chứng cảm xúc và hành vi ở con cái của họ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, sự cô đơn của trẻ trong thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn bệnh tật do Covid-19 có thể sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần trong tương lai của trẻ. Họ khuyến nghị hỗ trợ phòng ngừa và can thiệp sớm để giải quyết các nhu cầu về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên trong đại dịch COVID-19.

DẤU HIỆU CỦA TRẦM CẢM TRONG ĐẠI DỊCH

Dù các khảo sát đã cho thấy, tình trạng trầm cảm, lo âu ở trẻ trong đại dịch là rất đáng báo động, nhưng các triệu chứng của trầm cảm lại rất dễ bị các cha mẹ bỏ qua, đặc biệt là ở thanh thiếu niên bởi nhóm trẻ này vốn thường hay thể hiện sự ủ rũ, buồn chán. Tương tự như vậy, có thể chính trẻ em cũng không nhận ra các khó khăn tâm lý mà mình đang phải đối diện.

Trao đổi về vấn đề này, Chuyên gia tâm lý - PGS.TS Trần Thành Nam cho biết, phải cách ly xã hội trong thời gian dài cùng nỗi lo lắng về dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến tâm lý của con người. Mỗi người sẽ cảm thấy khó có thể thoát khỏi những ý nghĩ tiêu cực mang tính chất thảm họa hóa vấn đề, cảm thấy bất lực và nhìn thấy sự nguy hiểm rình rập ở khắp nơi.

“Nhiều người sẽ luôn lo sợ rằng như thế này thì sớm muộn mình cũng sẽ nhiễm bệnh và chết thôi, mình bất lực và chẳng có gì có thể thay đổi được hiện thực này, mọi người xung quanh tôi đều nguy hiểm và có thể mang mầm bệnh mà họ không biết.

Những suy nghĩ này nếu không được kiểm soát dần dà sẽ dẫn đến tâm trạng buồn bã, cảm giác “trống rỗng”, tuyệt vọng. Thấy mình vô giá trị, bất lực và tội lỗi. Cá nhân có thể dần mất đi hướng thú với các hoạt động sở thích, bắt đầu xuất hiện đau cơ thể (đau lưng, đau mình) mất ngủ, ăn không ngon, bắt đầu sử dụng chất gây nghiện, có hành vi tự gây hại thậm chí suy nghĩ đến cái chết”, ông Nam nêu dẫn chứng.

Theo ông Nam, trẻ em là đối tượng yếm thế, dễ bị tác động tiêu cực hơn khi bị ngắt ra khỏi môi trường tương tác xã hội và vận động thể chất quen thuộc hàng ngày.

Với trẻ độ tuổi mầm non và tiểu học, hoạt động chủ đạo là vui chơi, học qua chơi nên bị cách ly khỏi việc vui chơi ở trường khiến mức năng lượng của các em tụt giảm, tâm trạng buồn chán khiến các em trở nên nghịch phá và chống đối ở nhà.

Trẻ tuổi lớn hơn như THCS, THPT. Hoạt động chủ đạo là học tập và giao lưu. Việc ở nhà tách khỏi các tương tác xã hội trực tiếp khiến các em có xu hướng thu mình khỏi các hoạt động, mức năng lượng giảm sút, mất hứng thú, bám dính vào mạng internet để đền bù tương tác. Tâm trạng cũng trở nên bất an, trầm buồn và chán nản.

Buồn chán có thể dẫn đến những hành vi phàn nàn về mọi thứ như càu nhàu về thức ăn bữa tối chẳng ngon lành gì, đổ lỗi đứa em động vào đồ của mình khiến mình không tìm thấy.

Buồn chán có thể dẫn đến những hành vi giận cá chém thớt như “quát vào mặt đứa em”, “đá con mèo”, đập rất mạnh cái điều khiển và nói “cái điều khiển ngu ngốc này”, hoặc ném mạnh cái bút “cứ sờ đến cái bút nào cũng không viết ra mực là sao”.

Buồn chán có thể dẫn tới sự mệt mỏi mất năng lượng như “chỉ muốn đắp chăn nằm xem tivi”; ai nhờ cái gì đó thì phớt lờ nói “Con mệt!”, “trùm chăn giả vờ ngủ nhưng thực ra chơi game”.

Một số triệu chứng của bệnh trầm cảm đã được các nhà nghiên cứu chỉ ra như: Buồn bã bất thường hoặc cáu kỉnh dai dẳng; Mất hứng thú với các hoạt động mà trẻ từng yêu thích; Không còn cảm giác mong đợi bất kỳ điều gì; Cân nặng thay đổi đột ngột; Thay đổi mô hình giấc ngủ; Sự chậm chạp; Tự đánh giá bản thân một cách khắc nghiệt ("Tôi xấu. Tôi không tốt. Tôi sẽ không bao giờ kết bạn được với ai…); Cảm giác vô dụng, vô vọng; Suy nghĩ hoặc cố gắng tự tử…

Đương nhiên, sẽ thật khó cho các bậc làm cha mẹ, khi giữa đại dịch, tất cả mọi người đều gặp khó khăn trong tâm lý, thật khó để biết cách phân biệt giữa một đứa trẻ chỉ cảm thấy cáu kỉnh hoặc thất vọng và một đứa trẻ đang rơi vào trầm cảm. Nhưng các bác sĩ đã đưa ra lời khuyên rằng, nếu cha mẹ nhìn thấy các biểu hiện này ở con, hãy lưu ý, nếu một vài trong số các triệu chứng này xuất hiện trong ít nhất hai tuần, hãy hành động.

CÙNG CON VƯỢT QUA KHỦNG HOẢNG

Nhưng rõ ràng, việc hành động như thế nào với trẻ đang đối diện nguy cơ trầm cảm là một câu hỏi khó với các bậc phụ huynh, nhất là tại Việt Nam, khi vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ chưa thực sự được quan tâm đúng mực.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần hiểu rằng, nói về những điều đau đớn thường rất khó. Cả trẻ em và người lớn đều tránh nói đến những gì đau khổ. Nhiều người lớn băn khoăn liệu có nên, có tốt không nếu nhớ lại những kí ức đen tối về những điều buồn hoặc xấu xảy ra. Nhiều cha mẹ lại khuyên con thôi quên nó đi, coi như nó không cần tồn tại là ổn. Đây không phải là cách đúng.

Nhưng hãy thử hình dung, nếu con ngã xe đạp bị thương và có đất, cát vào vết thương đang chảy máu, con của bạn có hai lựa chọn:

Một là không lau, rửa vết thương, cứ quấn băng lại và hy vọng nó sẽ nhanh khỏi. Đôi lúc vết thương sẽ lành. Nhưng phần phổ biến hơn là vết thường đó bị nhiễm trùng, chúng không tự biến mất và vết thương mưng mủ, càng ngày càng nặng thêm.

Lựa chọn thứ hai là dùng cồn và oxy già lau, rửa vết thương thật kĩ và đảm bảo là những phần da bẩn đều được rửa sạch. Khi làm điều này thường sẽ cảm thấy ghê và đau đớn ngay lúc đó, nhưng sau đó đau sẽ giảm, vết thương không nhiễm trùng và sẽ mau lành.

Việc kể lại những điều đau đớn đã xảy ra một cách chi tiết cũng giống như con đang lau rửa vết thương của mình bằng cồn. Có thể đau đớn lúc đầu, nhưng sau đó cảm giác đau sẽ giảm và vết thương sẽ nhanh lành hơn, không nhiễm trùng.

Bên cạnh đó, cũng giống như khi rửa vết thương, sẽ chỉ rất đau nếu chúng ta chà quá mạnh. Khi kể lại những câu chuyện đau lòng, cha mẹ cần tìm ra một nhịp độ phù hợp để trẻ em bắt đầu nói về những điều đã xảy ra từ mức độ đơn giản nhất và dần dần chi tiết hơn để không đau đớn.

Để giải quyết vấn đề này, cha mẹ cần hướng dẫn con phân bổ và lên kế hoạch học tập và sinh hoạt điều độ để giữ sức khỏe. Hãy giám sát để con thực hiện các thói quen lành mạnh hàng ngày càng nhiều càng tốt. Ngay cả những nhiệm vụ rất đơn giản cũng có thể có hiệu quả cải thiện tâm trạng như gấp chăn màn ga gối, kết nối trực tuyến với bạn bè người thân, tập thể dục trong nhà, đanh thời gian nghỉ ngơi thường xuyên giữa các ca học tập. Ưu tiên ngủ đủ giấc và ăn cân bằng với đa dạng trái cây, rau quả.

Cha mẹ cần lưu ý rằng khi con ở nhà sẽ ít vận động hơn bình thường mà vận động là một phần của cuộc sống hàng ngày rất quan trọng. Hãy nhắc con tập thể dục vì nó sẽ giúp não giải phóng các chất giúp chúng ta quản lý, kiểm soát tốt hơn căng thẳng và lo lắng, đồng thời cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Cha mẹ có thể sáng tạo  những phương án khác nhau để con có thể vận động nhiều hơn hoặc tập thể dục tại nhà. Ví dụ như lên xuống cầu thang, kéo dãn chân tay, chống đẩy, tập yoga, nhảy theo nhạc với huấn luyện viên youtube.

Cha mẹ cũng có thể gợi ý cho con làm các việc có ý nghĩa trong thời gian rảnh như đọc 1 cuốn sách mà trước nay mình chưa có thời gian đọc, nghe một câu chuyện phát thanh, học một kỹ năng mới theo video hướng dẫn, sáng tạo một cái gì đó, làm vườn, kê dọn, sắp xếp lại không gian sống, viết nhật ký hoặc sáng tạo ra một món ăn mới với các nguyên liệu hiện có…

Tất cả đều hướng đến mục đích để trẻ có thể thoải mái nói về suy nghĩ và cảm xúc của mình. Và khi trẻ đã sẵn sàng chia sẻ, cha mẹ hãy xác thực cảm xúc của con bằng cách lắng nghe mà không phán xét và không cố gắng "sửa chữa" con cái. Hãy cho trẻ biết rằng cha mẹ đang lắng nghe (mà không đồng ý với những gì chúng đang nói) và cha mẹ luôn ở đây vì con.

Thanh Thảo - Lê Quyên
06/04/2021 10:10

Theo Yên Trung /Đô thị mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ngay-cang-nhieu-tre-em-tram-cam-vi-covid-19-20201231000002519.html