Năm nay, khi xuân đến, ở nhiều vùng biên giới vẫn bung tỏa hoa đào, hoa ban, hoa sở. Nhưng nụ cười của những người phụ nữ biên giới thì tươi tắn, rạng rỡ hơn bởi xung quanh họ là sự quan tâm của các cấp, các ngành từ miền ngược đến miền xuôi trên mọi miền tổ quốc, đặc biệt là của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thông qua chương trình ý nghĩa “Đồng hành cũng phụ nữ biên cương”…
Được sự đồng thuận lớn nhờ tính nhân văn sâu sắc
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018-2020 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng thực hiện năm 2018 đã nhận được sự chung tay hỗ trợ của đông đảo các tầng lớp phụ nữ và người dân cộng đồng cũng như các ban, ngành, đoàn thể; tạo ra hiệu ứng sâu rộng trong toàn xã hội với nhiều cách làm sáng tạo và các kết quả nổi bật.
Mục đích của chương trình nhằm khơi dậy ý chí vươn lên, phát huy nội lực, cũng như huy động sự tham gia của các cấp Hội Phụ nữ cả nước và BĐBP chung tay hướng về các xã biên giới, hải đảo đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.
Mùa xuân biên cương (Ảnh: FB chương trình) |
Để việc hỗ trợ thực chất, cụ thể, Trung ương Hội LHPN đã chỉ đạo các tỉnh/thành Hội, các ban/đơn vị TW Hội, mạng lưới BCH TW Hội các bộ/ngành tiến hành khảo sát nhu cầu hỗ trợ của 100% xã biên giới; phân công Hội LHPN các tỉnh/thành, các Ban, đơn vị Trung ương Hội, các đơn vị trực thuộc, các tổ chức thành viên nhận giúp đỡ từ 01- 02 xã biên giới. Chỉ đạo tập trung nguồn lực tổ chức các hoạt động hướng về xã biên giới khó khăn.
Đến nay có 26/26 tỉnh biên giới đã hoàn thành khảo sát nhu cầu của 110 xã được hỗ trợ, xây dựng kế hoạch và tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Bộ đội Biên phòng giai đoạn 2018 - 2020; trao đổi với lãnh đạo chính quyền địa phương thống nhất cách triển khai thực hiện chương trình; chỉ đạo các cấp Hội địa bàn biên giới tổ chức lễ ra quân/phát động kêu gọi nguồn lực hỗ trợ chương trình.
Nhiều tỉnh/thành Hội tổ chức đợt phát động thi đua đặc biệt trong toàn tỉnh thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của đông đảo hội viên, phụ nữ và nhân dân; phân công Hội LHPN các huyện/các cụm thi đua trong tỉnh, Hội LHPN các xã có điều kiện nhận hỗ trợ ít nhất 01 xã biên giới của tỉnh không thuộc chương trình và đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua hàng năm; Lồng ghép các nguồn lực từ các chương trình, dự án, đề án của Hội để hỗ trợ các hoạt động tại xã biên giới; tổ chức ký cam kết cụ thể giữa đơn vị hỗ trợ và nhận hỗ trợ; trực tiếp tổ chức các hoạt động xã hội tại địa bàn biên giới....
|
Kết quả đã có 110 xã biên giới khó khăn được các đơn vị nhận hỗ trợ, trong đó nhiều đơn vị nhận hỗ trợ thêm từ 01- 03 xã so với dự kiến phân công. Hội LHPN một số tỉnh biên giới vận động các đơn vị trong tỉnh nhận hỗ trợ thêm các xã biên giới còn lại của tỉnh để việc triển khai hỗ trợ đồng bộ theo cách thức của Chương trình như Sơn La, Cao bằng, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang. Ngoài ra, đã có 42 xã biên giới được các đơn vị thuộc tỉnh biên giới nhận hỗ trợ thêm theo phương thức tương tự.
Công tác truyền thông về chương trình được Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN), Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam và BĐBP các cấp tổ chức sâu rộng, kịp thời, đồng bộ, đa dạng các hình thức vì vậy đã truyền cảm hứng đến đông đảo người dân cùng chung tay, tiếp sức, hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn với phụ nữ biên giới, hải đảo.
Với sự nỗ lực của các cấp Hội, cùng với sự chung tay, góp sức của các Ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, ủng hộ tính đến cuối tháng 10-2018, tổng nguồn lực huy động hỗ trợ các xã biên giới khó khăn đến nay được trên 37 tỷ đồng. Nguồn lực huy động cơ bản dành tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (khoảng 40%), hỗ trợ xây dựng mái ấm tình thương (khoảng 30%), các hoạt động an sinh xã hội khác (khoảng 30%).
Tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài
Trên cơ sở trực tiếp khảo sát khó khăn, nhu cầu, nguyện vọng cần giúp đỡ của hội viên, phụ nữ, các cấp Hội ưu tiên lựa chọn nhu cầu cần hỗ trợ trước; tổ chức ký cam kết giữa đơn vị hỗ trợ và nhận hỗ trợ; lập danh sách phân loại, bình xét xã, thôn, bản, tập thể, cá nhân đảm bảo các tiêu chuẩn thuộc diện hỗ trợ; phân bổ, điều phối nguồn lực hỗ trợ đúng nhu cầu, đối tượng. Các đơn vị tổ chức đa dạng các hoạt động theo hướng phát huy nội lực của phụ nữ và thế mạnh từng địa phương, cụ thể:
Tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh kế mang tính lâu dài như: xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ công cụ sản xuất/vật nuôi/cây/phân bón/con giống/vốn vay cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT, nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, may mặc; hỗ trợ kết nối, giới thiệu sản phẩm của phụ nữ biên giới...
Trao tặng "cần câu" cho phụ nữ Quảng Nam |
Phương châm cùng đồng hành đã từng bước phát huy nội lực hội viên, phụ nữ và cán bộ Hội cơ sở và của cấp uỷ, chính quyền địa phương; trực tiếp hướng dẫn phương pháp, cách thức nhằm chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân tại địa phương tự thực hành. Xây dựng các mô hình hỗ trợ hội viên, phụ nữ, học sinh nghèo các xã biên giới. Hỗ trợ các công trình dân sinh phục vụ đời sống của hội viên, phụ nữ biên giới; tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí cho nhân dân; tặng quà/học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; hỗ trợ thẻ BHYT…
Căn cứ tình hình thực tiễn tại từng địa phương, các cấp Hội địa bàn có biên giới lựa chọn các đối tượng/khu vực/nhu cầu cần thiết ưu tiên tập trung nguồn lực hỗ trợ trước. Một số tỉnh phân công các đơn vị tiềm lực mạnh nhận đỡ đầu các xã biên giới khó khăn trước, các năm tiếp theo sẽ có kế hoạch hỗ trợ các xã biên giới còn lại.
Để đảm bảo mục tiêu, tính bền vững của chương trình thì việc hỗ trợ hội viên, phụ nữ các xã biên giới khó khăn theo hướng trao cho người dân chiếc “cần câu”, hướng dẫn họ cách để “câu” hiệu quả hơn là cho không người dân “con cá” là lối đi đúng hướng của các cấp Hội, nhằm phát huy nội lực, chủ động tích cực vượt khó đi lên của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, biên giới.
Nâng cao nhận thức về nhiệm vụ chiến lược bảo vệ, xây dựng tổ quốc
Để triển khai chương trình hiệu quả, hai ngành cấp Trung ương tập huấn, cung cấp kiến thức và hướng dẫn cách thức triển khai chương trình cho gần 200 cán bộ Hội cơ sở, cán bộ Hội cấp tỉnh và bộ đội biên phòng các tỉnh biên giới.
Công tác tập huấn nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ, hội viên, phụ nữ xã biên giới là một trong những hoạt động được nhiều đơn vị hỗ trợ lựa chọn để triển khai giúp đỡ. Căn cứ nhu cầu của cán bộ, hội viên, phụ nữ, Hội LHPN các tỉnh ưu tiên tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền thông những kiến thức thiết thực, cụ thể, các vấn đề chị em địa phương quan tâm như: Di cư lao động an toàn, cách tham gia bảo vệ đường biên mốc giới; phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống mua bán người/ma túy/bạo lực gia đình, cách làm ăn; truyền thông bảo vệ môi trường...
Và trao tặng nhu yếu phẩm cho chị em vùng biên |
Với sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, có trọng tâm, trọng điểm, theo lộ trình, chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” là một hướng đi mới trong triển khai công tác Hội với các hoạt động tổ chức ngày càng thực chất, cụ thể, gắn với nhu cầu thiết thân của hội viên, phụ nữ, đặc biệt chú trọng chiều sâu, chất lượng hỗ trợ các xã biên giới khó khăn.
Vì vậy, chương trình đã tạo ra hiệu ứng và sự lan toả sâu rộng, nhận được sự quan tâm ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, toàn xã hội, của Mạng lưới BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam, các tổ chức thành viên và của cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước. Chương trình có ý nghĩa giáo dục tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ Hội trong cả nước về nhiệm vụ chiến lược bảo vệ, xây dựng tổ quốc.
Linh Anh