Rất nhiều người nghèo, người khó khăn đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội đã và đang phải gồng mình chống chọi với cái nắng nóng của mùa hè. Không ít người chỉ ao ước có đủ điều kiện để mua sắm thiết bị chống nóng, lắp điều hòa nhiệt độ, nhưng cũng có người lắp xong... không dám dùng do tiền điện phải chi trả quá cao.
Vợ chồng anh Phúc, chị Hương dù được một người bạn tặng chiếc điều hòa cũ nhưng không dám dùng vì tiền điện quá cao. Ảnh: Lê Bảo
Nỗi khát khao trong mùa nắng nóng
Hè 2020 đã chứng kiến nhiều đợt nắng nóng đỉnh điểm, thậm chí có đợt nhiệt độ ban ngày luôn ở ngưỡng 40 độ C khiến người dân phải quay cuồng, tìm đủ cách chống nóng. Những người lao động tay chân, người có hoàn cảnh khó khăn… vất vả hơn khi phải ở trong những căn phòng trọ cấp 4 nhỏ bé, chật hẹp, nóng như nung. Thời tiết quá nóng khiến những giấc ngủ của họ chập chờn, thậm chí với người có bệnh không tài nào ngủ được. Đó là thực trạng đã và đang diễn ra hiện nay khiến không ít người mơ ước kiếm đủ tiền để lắp được chiếc điều hòa nhiệt độ.
Đã không ít người lao động chân tay, sinh viên khó khăn… đã nghĩ ra đủ mọi cách để chống chọi lại với thời tiết dịp này. Phương Anh – sinh viên Trường ĐH Công đoàn cho biết: "Nếu ngày bình thường đi học trên lớp thì không vấn đề gì, nhưng những ngày nghỉ hay buổi tối, chúng em thường đến các quán cà phê, trung tâm thương mại để tranh thủ không khí mát lạnh của điều hòa. Nhưng nắng đỉnh điểm như những ngày vừa qua, đêm xuống khu nhà trọ vẫn hầm hập thì chúng em cũng đành ngậm ngùi chịu trận…".
Theo Phương Anh, "trong cái khó ló cái khôn", không ít sinh viên đã tận dụng các cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24h để học bài, thậm chí ngủ luôn tại chỗ. "Ban đầu nhiều bạn cũng ngại nhưng dần rồi quen. Nhân viên cửa hàng tiện lợi cũng là sinh viên làm thêm với nhau cả nên thấu hiểu và thông cảm", Phương Anh chia sẻ.
Để đối phó với nắng nóng, nhiều người dân đã tự lắp thêm tấm xốp, quạt trần mini.
Tại "xóm chạy thận" phố Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng), vợ chồng anh Trân Tư Toàn và chị Đỗ Thị Hồng Thanh đều bị suy thận, cứ cách ngày là chị Thanh lại vào bệnh viện để lọc máu. Cuộc sống của vợ chồng anh chị có quá nhiều khó khăn, nên ước mong có tiền để lắp chiếc điều hòa nhiệt độ trong những ngày nắng nóng là việc xa vời. Anh Toàn kể: "Em bị suy thận độ 1, còn vợ suy thận độ 5. Cả hai đều bị huyết áp cao khiến lúc nào cũng cảm thấy nóng trong người. Chỉ cần nhiệt độ ban ngày khoảng 38 độ C là chúng em đều không tài nào ngủ được vì nóng mặc dù đã lắp quạt màn, một chiếc quạt cây và một quạt hơi nước".
Với trường hợp của anh Nguyễn Trọng Thành (trú tại Nam Định) làm nghề chạy xe ôm công nghệ cũng không khỏi ngao ngán mỗi khi trở về căn phòng trọ tại khu vực Dịch Vọng (quận Cầu Giấy). Anh Thành lắc đầu nói: "Tôi và một người bạn nữa thuê một phòng cấp 4 giá 1,5 triệu đồng/tháng, thêm khoảng 2 triệu đồng nữa bao gồm các khoản điện, nước… Bình thường ban ngày chúng tôi đi làm, nhưng mỗi khi xong việc về nhà trọ cũng ngao ngán vì quá nóng. Thậm chí, nhiều đêm không ngủ được dù dùng mọi biện pháp chống chọi lại như mua quạt hơi nước, bổ sung thêm quạt mát nhưng vẫn không ăn thua".
Có điều hòa nhưng không dám dùng
Trong khi đó, nhiều người lại ước mơ có đủ tiền để lắp chiếc điều hòa để chống lại nắng nóng trong căn phòng trọ chật hẹp.
Trong khi nhiều người nghèo, người khó khăn đã và đang mơ ước được sở hữu một chiếc điều hòa nhiệt độ để bớt nóng, bớt cực khi chống chọi với thời tiết khó chịu mùa hè thì lại có người dù mua điều hòa nhưng... không dám dùng, bởi không thể kham nổi tiền điện hàng tháng.
Anh Nguyễn Văn Nam (trú tại Đê La Thành) cho biết: "Chúng tôi gom tiền lắp chiếc điều hòa nhiệt độ giá 7 triệu đồng để chống chọi với nắng nóng. Tuy nhiên sau 1 tháng sử dụng thì tiền điện quá cả tiền nhà khiến chúng tôi phát hoảng". Anh Nam và bạn trọ cùng đi làm cả ngày, chỉ bật điều hòa vào ban đêm và dịp cuối tuần nhưng do phòng trọ chỉ được lợp tôn, một lớp xốp chống nóng nên khiến điều hòa luôn "gồng mình" hoạt động hết công suất, đã thế theo anh Nam, nguyên nhân khiến tiền điện của anh tăng vọt do còn phải chịu giá điện ở khu trọ lên đến 4.500 đồng/số.
Nhiều gia đình không kham nổi tiền điện nên chỉ dám bật điều hòa khi nhiệt độ ngoài trời quá nóng.
Anh Nguyễn Văn Phúc (ở Quốc Oai), chị Nguyễn Thị Hương (Nam Định) cũng là vợ chồng cùng chạy thận nhân tạo, dù ngồi nghỉ trong phòng trọ nhưng mồ hôi vẫn chảy ròng ròng dù bên cạnh có đến 2 chiếc quạt chạy ro ro. Anh Phúc nói: "Đầu hè vừa rồi, chúng tôi được một người bạn tặng chiếc điều hòa Nhật "bãi" để bớt khổ cực trong những ngày hè nóng nực. Nói thật, vợ chồng tôi được giúp đỡ như thế thấy mừng lắm nhưng sau khi lắp xong dùng thử một tháng thì thấy tiền điện lên đến trên 1 triệu đồng nên cả hai đều hốt hoảng. Bây giờ, những ngày nóng 38 – 39 độ C vẫn không dám dùng. Chỉ khi nào quá khó chịu, quá nóng và mất ngủ kéo dài mới bật chừng vài tiếng rồi lại tắt đi".
Tháng 9/2018 Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 25/2018/TT-BCT (Thông tư 25) nêu rõ: Trường hợp cho sinh viên và người lao động thuê nhà (bên thuê nhà không phải là một hộ gia đình), chủ nhà cho thuê chưa xác định số người thuê trọ thì áp dụng biểu giá mức điện bậc 3 - từ 101 đến 200kWh (tính theo giá điện hiện nay là 2.014 đồng/kWh). Trường hợp chủ nhà xác định được số người thuê sẽ được tính 2 định mức 100kWh đầu hưởng giá bậc 1 là 1.678 đồng/kWh và 100kWh sau được hưởng giá bậc 2 là 1.734 đồng/kWh. Quy định này đã giảm gánh nặng cho người thuê trọ, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn gặp khó khăn khi nhiều trường hợp bất chấp hoặc phớt lờ Thông tư 25 và cố tình thu tiền điện giá cao.
Tuy Thông tư 25 đã có hiệu lực, nhưng thực tế rất nhiều người thuê trọ là sinh viên, người lao động, người chữa bệnh và nhiều đối tượng khác vẫn phải chịu tiền điện giá cao ngất ngưởng. Điều này khiến nhiều trường hợp đã khó khăn, khổ cực lại thêm lo lắng cho chính túi tiền của mình. Những ngày Hà Nội đã và đang trải qua nắng nóng đỉnh điểm, nhiều người được ngồi trong nhà, cơ quan với điều hòa mát rượi thì bên ngoài kia vẫn có những người đang phải gồng mình đối mặt với sức nóng hầm hập từ mái tôn, mái fibro-xi măng...u