“Tôi không nghiện điện thoại thông minh. Vợ tôi thì có” - Lioh Cheng Lim, 61 tuổi trả lời một cuộc phỏng vấn.

“Không, đừng tin ông ấy. Chồng tôi nghiện điện thoại thông minh hơn tôi!” - Yea Bee Hong, 62 tuổi phản bác lại.

Kỹ thuật viên Lioh thừa nhận mình sử dụng điện thoại rất nhiều. Trên thực tế, ông cầm điện thoại ngay sau khi thức dậy. Ông chia sẻ: “Tôi thức dậy và kiểm tra hết các tin nhắn. Tôi tham gia khoảng 20 nhóm trên ứng dụng, phải mất 15 đến 20 phút để đọc hết. Tôi dùng rất nhiều mạng xã hội: Facebook, Instagram, WeChat, Line, Zoom và Viber.

Bà Yea là một giáo viên đã nghỉ hưu, bà dành phần lớn thời gian của mình trên Facebook, giữ liên lạc với các học sinh và đồng nghiệp cũ. Bà Yea dành ít nhất sáu giờ mỗi ngày để nhìn vào màn hình.

“Tôi nghĩ bà ấy sẽ chết nếu không có điện thoại. Thậm chí bà ấy còn mang điện thoại vào WC”, ông Lioh cho biết. Tuy nhiên bà Yea nói rằng mình chỉ sử dụng điện thoại khi không bận rộn với các hoạt động khác.

Lioh và Yea chỉ là hai trong số nhiều người già đã trở nên phụ thuộc vào điện thoại. Việc sử dụng điện thoại thông minh ở người cao tuổi được quyết định bởi một số yếu tố ảnh hưởng xã hội, tính hữu dụng và sự liên quan. 1 bài báo năm 2009 nói rằng sau khi vượt qua sự kháng cự ban đầu để tìm hiểu công nghệ mới, người cao tuổi bắt đầu thích trải nghiệm, sử dụng nó.

Người cao tuổi dễ bị nghiện điện thoại thông minh như thế hệ trẻ (Ảnh minh họa)

Nhà tư vấn tại Thung lũng Silicon Alex Soojung-Kim Pang nói rằng người cao tuổi dễ bị nghiện điện thoại thông minh như thế hệ trẻ. Ông Pang tin rằng điện thoại thông minh là một công cụ gây xao lãng, trong khi đó người già rất dễ bị phân tâm.

Nhà phân tâm học lâm sàng Yap Chee Khong nói, sự mất tập trung đôi khi vô hại, nhưng phải được thực hiện nghiêm túc nếu nó làm thay đổi cuộc sống của người cao tuổi một cách tiêu cực.

Theo Yap, khi con người làm điều gì đó họ yêu thích, bộ não của họ sẽ tiết ra các hormone như endorphin củng cố hành vi khiến chúng ta lặp đi lặp lại hành vi này. Một số người thậm chí có thể sử dụng điện thoại thông minh để giúp họ ngủ thiếp đi.

Yap nói rằng chúng ta cần hiểu đằng sau sự gắn bó của một người với điện thoại thông minh của họ. Đôi khi, đó là sự cô đơn. Nhà tư vấn tài chính Mark Selvarajah, 67 tuổi chia sẻ: “Tôi dành nhiều thời gian sử dụng điện thoại: trong khi chờ đèn xanh, tại nhà thờ,… Thời gian tôi k cầm điện thoại có lẽ là lúc tôi chơi golf, nhưng sau đó trong giờ nghỉ, tôi vẫn nhìn vào điện thoại để kiểm tra xem chuyện gì đang xảy ra. Một lần, tôi đã rời nhà 15 phút thì nhớ ra mình quên điện thoại. Tôi lập tức quay lại để lấy”.

Người già phụ thuộc vào điện thoại vì cô đơn (Ảnh minh họa)

Tình trạng nghiện điện thoại di động còn do môi trường xung quanh. Theo ông Yap, muốn hiểu về thói quen sử dụng smartphone của ai đó, hãy hỏi họ có điện thoại như thế nào.

Yea cho biết con cái chính là nguyên nhân bà dùng smartphone. "Cách duy nhất để các con tôi nhanh chóng trả lời là nhắn tin qua ứng dụng trò chuyện", bà chia sẻ.

Để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào smartphone, người già cần được làm điều gì có ý nghĩa với họ. Lời khuyên này có hiệu quả với Mark, ngoài chơi golf, ông còn tham gia thêm hoạt động leo núi.

Tuy nhiên, không phải ai cũng thừa nhận mình nghiện điện thoại. "Tôi có thể sống mà không dùng điện thoại nhưng ngày nay, đó là món đồ không thể thiếu", Lioh nói. Ông khẳng định sẽ không giảm số giờ sử dụng smartphone.

Theo Gia đình Việt Nam