Rạng sáng 13/8, đường ống dẫn nước sông Đà vỡ lần thứ 13. Hàng nghìn hộ dân ở Hà Nội bị mất nước sạch. Ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đốc Công ty Nước sạch Vinaconex cho biết trong chiều cùng ngày sẽ khắc phục xong sự cố và cấp nước lại cho người dân.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, đến ngày 17/8, tức là 5 ngày sau sự cố vỡ đường ống nước, tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội, nước vẫn chưa được cấp lại.
Tại các khu vực như đường Vũ Ngọc Phan (phường Láng Hạ), phường Thành Công, Ngọc Khánh (Đống Đa), phường Hạ Đình (Thanh Xuân), phường Cầu Diễn (Nam Từ Liêm)… hàng ngàn hộ dân vẫn đang khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt.
Người Hà Nội "nhịn" tắm
Theo ghi nhận của PV, nước sạch không cung cấp đủ khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn, thậm chí người dân còn phải "nhịn" tắm để dành số nước ít ỏi cho việc nấu nướng.
Nhiều người dân phản ánh, tình trạng thiếu nước trở nên nghiêm trọng hơn kể từ thời điểm vỡ đường ống dẫn nước sạch Sông Đà vào ngày 13/8.
Trên trục đường Vũ Ngọc Phan (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) nhiều hộ dân sinh hoạt khốn khổ vì hàng ngày phải ngóng nước sạch từng phút.
Bà Nguyễn Thị Thanh (56 tuổi) cho biết khu dân cư tại đây đã mất nước sạchmấy ngày liền.
"Chúng tôi phải túc trực ở vòi nước thường xuyên đề chờ chảy từng giọt, nhưng may mắn lắm thì được một vài xô. Gia đình nào ở đầu ngõ thì nước thi thoảng còn được vài xô. Còn nhà nào nằm ở ngõ sâu thì vòi bơm khô khốc từ mấy ngày hôm nay rồi" bà Thanh nói.
Nắng nóng oi bức lại thêm tình trạng mất nước khiến cuộc sống người dân thủ đô đảo lộn hoàn toàn. Những sinh hoạt thiết yếu như vệ sinh cá nhân, tắm giặt nay cũng đành phải "nhịn" để dành nước cho việc nấu nướng, ăn uống.
"Nắng nóng mà cũng không được tắm. Nước dùng cho rửa rau xong thì phải đổ vào chiếc chậu khác dự trữ để rửa tay chân, dọn dẹp phòng vệ sinh" bà Thanh nói tiếp.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước, nhiều người dân ở phường Láng Hạ đã phải sắm vòi bơm đi xin nước từ những hộ có giếng khoan. Tuy nhiên, do lượng dân cư đông, nên mọi người đều phải chờ đợi tới lượt mình.
Bà Ly (54 tuổi, ở tổ 5, phường Láng Hạ) khổ sở nói: "Thời tiết oi bức, may mắn xin được ít nước giếng khoan, nhưng cũng chỉ dám dùng để rửa mặt, rửa rau nấu cơm, còn tắm rửa phải đi sang nhà người thân cách nhà vài cây số”.
Cũng theo bà Ly, vất vả nhất là không có nước tắm cho trẻ con, chỉ dám giặt chiếc khăn ướt rồi lau qua người cho đám trẻ.
"Sống giữa Hà Nội mà khốn đốn vì nước sạch thế này thì khổ quá", bà Ly bức xúc.
Anh Vũ Văn Hưng, 45 tuổi, tổ 31, phường Láng Thượng, quận Đống Đa cho biết, thời gian gần đây mất nước liên tục khiến gia đình tôi luôn sống trong cảnh khổ sở đủ đường. Hàng ngày phải kiếm đủ xô chậu… đi xin nước của những nhà có giếng khoan trong tổ về để vệ sinh cá nhân. Còn nước ăn thì phải đi mua từng bình một.
Theo bác Nguyễn Văn Hùng, nhà ở khu tập thể Nam Thành Công, quận Đống Đa, cả tuần nay toàn khu bị mất nước sinh hoạt, mỗi hôm đi xin được vài xô nước về nấu ăn, còn lại tắm giặt đều phải đi nhờ nhà người quen ở các khu khác. Có những hôm, cả nhà không ngủ được vì nhà vệ sinh bốc mùi hôi thối nồng nặc vì không có nước xả.
Đầu tư giếng khoan chống "khát nước"
Cùng chung tình trạng trên, nhiều ngày qua, hàng trăm hộ dân ở làng Phú Mỹ, thuộc phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chỉ biết "kêu trời" khi không có nước sạch để sử dụng.
Bởi vậy, nhiều hộ đã phải đầu tư giếng khoan để giải quyết tình trạng "khát nước" như hiện nay. Theo ghi nhận, có đến hơn chục hộ dân đã bỏ kinh phí để khoan.
Bà Huệ (phường Mỹ Định 1) cho biết, dù biết nước giếng khoan không sạch, có thể gây hại nhưng mất nước nhiều ngày thì cùng phải sử dụng. Theo bà Huệ, để khắc phục, gia đình bà mua thêm bình lọc nước, lọc qua nước giếng khoan để nấu nướng.
Tại đây, một số gia đình có giếng khoan từ trước, các hộ dân khác cũng đầu tư máy bơm để xin dùng "ké" nước.
Có mặt tại phường Phú Diễn, chúng tôi ghi nhận cảnh tất bật của người dân khi tay xô tay chậu xách nước, có người ngồi canh bên máy bơm để lấy nước từ giếng khoan.
Cũng không ít người dân phải chi phí mua nước dịch vụ để sử dụng trong tình trạng mất nước sạch nhiều ngày vừa qua.
Ông Nguyễn Anh Việt - Giám đốc Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nước sạch Viwaco cho hay, sau khi xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn nước, đơn vị do áp lực nước chỉ còn khoảng 1,5 đến 1,6 kg.
"Áp lực như thế này là giảm hơn so với bình thường" ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, do sự cố kéo dài, nhu cầu sử dụng nước của người dân trong những ngày nắng nóng tăng đột biến.
Ngoài ra, do các bể dự trữ của những hộ đầu nguồn đều dùng hết, cần phải có thời gian để chảy đầy.
"Để khắc phục tình trạng thiếu nước, đơn vị sẽ cấp nước luân phiên, mỗi khu vực cấp vài tiếng/ngày để phân phối đều cho người dân” ông Việt cho hay./.