Người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khi phát hiện lợn có dấu hiệu nhiễm dịch. Ảnh: Bảo Loan

Người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định khi phát hiện lợn có dấu hiệu nhiễm dịch. Ảnh: Bảo Loan

Lập chốt kiểm soát vận chuyển 24/24 giờ

Gia đình anh Vũ Văn Quyết (trú tại thôn 2, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã chết tới 30 con lợn. Mặc dù đàn lợn được nuôi ở khu vực biệt lập, áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn. Thế nhưng, anh Quyết cũng không biết nguyên nhân từ đâu, đàn lợn của anh lại nhiễm dịch bệnh tả lợn châu Phi. Những ngày này, chuồng trại nuôi lợn của gia đình anh Quyết phủ một màu trắng của vôi.

Đã một tuần trôi qua nhưng gia đình anh Quyết vẫn chưa hết bàng hoàng khi phải chứng kiến nguồn kinh tế chủ lực của gia đình - 30 con lợn phải đem chôn vì nhiễm bệnh. Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, anh Quyết cho biết: “Trong số 30 con lợn thịt thì có 5 con lợn nái để gia đình nhân giống. Ban đầu thì tôi thấy lợn có biểu hiện sốt, xuất huyết dưới da chân và phần tai. Sau đó, phần xuất huyết lan sang cả khu vực bụng và các khu vực khác. Một điểm đặc biệt là tốc độ lây lan của dịch rất nhanh, chỉ khoảng 3 ngày là cả chuồng lợn có dấu hiệu tương tự”.

Thông tin về tình hình dịch bệnh của địa bàn, bà Phan Thị Tuyết, cán bộ thú y xã Liên Khê cho biết: “Không thể biết chắc được dịch bệnh lây lan qua con đường nào. Hơn nữa, cũng chưa có thuốc để phòng trừ. Vì vậy, chúng tôi chỉ có một biện pháp duy nhất là quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh, từ các chuồng trại của hộ dân đến các chốt kiểm dịch động vật ra, vào địa bàn. Đến nay, xã Liên Khê đã sử dụng khoảng 20 tấn vôi rải khắp địa bàn để chống dịch”.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trên địa bàn tỉnh Hưng Yên từ ngày 1/2. Hơn 2.300 con lợn nhiễm bệnh đã được xử lý, tiêu hủy bằng phương pháp chôn sâu. Tuy nhiên, 2 tuần sau đó, dịch tiếp tục xuất hiện tại tỉnh Thái Bình và hơn 1.100 con lợn nhiễm dịch được tiêu hủy. Đến ngày 22/2, dịch tiếp tục được phát hiện tại các xã của 2 huyện Thủy Nguyên và Tiên Lãng (Hải Phòng). Số lợn buộc phải tiêu hủy tại đây là hơn 400 con. Ngay khi dịch xảy ra, hàng loạt các chốt kiểm dịch động vật đã được thiết lập để ngăn chặn và kiểm soát vận chuyển 24/24 giờ. Công tác tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi và các chốt kiểm dịch cũng được thực hiện thường xuyên.

Tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, diễn ra ngày 4/3, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 7 tỉnh, thành phố là: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với trọng lượng tiêu hủy hơn 290 tấn. Việt Nam có 14 triệu hộ chăn nuôi quy mô nông hộ, bởi vậy, việc phòng chống dịch gặp nhiều khó khăn.

Trước những thông tin trên, Cục Thú y cho biết, dịch tả lợn châu Phi chỉ lây lan qua lợn và các ổ dịch hiện nay đang được kiểm soát rất chặt chẽ. Vì vậy, người tiêu dùng không cần phải quá lo sợ hay tẩy chay các sản phẩm từ thịt lợn. Chỉ cần lưu ý lựa chọn sản phẩm có truy xuất nguồn gốc xuất xứ.

Virus có thể truyền từ chim bay, nguồn nước, thời tiết…

 Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch động vật. Ảnh: Minh Phúc

Lực lượng chức năng kiểm soát chặt chẽ tại các chốt kiểm dịch động vật. Ảnh: Minh Phúc

Dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, được phát hiện đầu tiên ở châu Phi vào năm 1921. Đây là virus chỉ gây bệnh ở lợn nuôi và lợn rừng, không gây bệnh cho người và các loài động vật khác. Tuy vậy, virus dịch tả lợn châu Phi vẫn rất nguy hiểm vì có tốc độ lây lan nhanh, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Virus này có sức đề kháng cao, do đó, có thể tồn tại lâu ở cả ngoài môi trường lẫn trong các sản phẩm của lợn. Đặc biệt là hiện nay, trên thế giới chưa có vaccine phòng và điều trị virus này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, có một số nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh bùng phát. Thứ nhất, phần lớn các khu vực có dịch là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mật độ chăn nuôi cao đan xen trong các khu dân cư; thứ hai là tình trạng sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh; thứ ba, các chốt kiểm dịch có thể ngăn chặn dịch bệnh lây lan qua đường vận chuyển nhưng virus có thể lây lan qua con đường khác, như chim bay, hàng hóa, nguồn nước… Ngoài ra, thời tiết nồm ẩm của miền Bắc cũng là điều kiện thuận lợi để mầm bệnh phát triển là lây lan nhanh hơn.

“Đến nay, quan trọng nhất vẫn là công tác khoanh vùng dập dịch một cách nhanh nhất. Tức là, dịch ở đâu ta dập ở đó, nhưng phải đảm bảo đúng kỹ thuật, đó là đào hố sâu ít nhất 3 mét, dùng bạt hoặc ni lông lót trước khi bỏ lợn bệnh. Sau khi đưa lợn xuống thì quy trình hướng dẫn tốt nhất và theo khuyến cáo của OIE (Tổ chức Thú y thế giới) là xử lý vôi củ, tức là vôi vẫn còn nguyên cục. Đây là một phương pháp xử lý vô trùng tại chỗ và ngắt bớt nguy cơ rủi ro. Có như vậy mới tiêu hủy hoàn toàn virus gây bệnh”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Đây là dịch bệnh rất nguy hiểm, có thể phá vỡ cả một ngành chăn nuôi, bởi tỷ lệ chết là tới 100%. Cũng rất may là thời gian qua, dịch mới chỉ xuất hiện ở những hộ chăn nuôi nhỏ. Vì vậy, người dân nơi có dịch bệnh tuyệt đối tuân thủ các quy định nghiêm ngặt từ khâu phát hiện đến xử lý lợn bệnh”.

Virus dịch tả lợn châu Phi đã tấn công đàn lợn của hơn 20 quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, từ tháng 8/2018, Chính phủ và các bộ, ngành đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, đến nay, dịch đã xuất hiện tại 7 tỉnh, thành phố. Ngày 4/3, tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lãnh đạo các địa phương chịu trách nhiệm chống dịch. Đồng thời yêu cầu người chăn nuôi thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán; không giết mổ, mua bán lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm cám cho lợn.

 

Bảo Loan

Theo Giadinh.net.vn