“Tôi khẳng định 3 chiến sĩ hy sinh đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao. Sau khi các chiến sĩ hy sinh, Đảng và Nhà nước đã xem xét thành tích của các anh, các anh được thăng quân hàm vượt cấp... Nếu không thực hiện nhiệm vụ được giao, họ có được ghi nhận công lao hay không?”- luật sư của gia đình 3 chiến sĩ hy sinh ở Đồng Tâm khẳng định.

Ngày 10/9, phiên tòa xét xử 29 bị cáo trong vụ “Giết người”, “Chống người thi hành công vụ” khiến 3 chiến sĩ công an hy sinh ở xã Đồng Tâm tiếp tục với phần tranh luận.

Trình bày bổ sung nội dung bào chữa của luật sư, nhóm bị cáo chủ mưu trong vụ án đã xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Bị cáo đầu tiên xin phép được bổ sung là Lê Đình Doanh. Trước đó, bị cáo Doanh đã bị Viện Kiểm sát đề nghị tuyên phạt tù chung thân về tội “Giết người”. Trình bày trước Tòa, Doanh đã xin lỗi gia đình 3 cán bộ, chiến sĩ công đã hy sinh trong vụ án.

Theo bị cáo này, giờ có chịu hình phạt nghiêm khắc thế nào cũng không làm nguôi ngoai nỗi đau mà gia đình nạn nhân phải chịu. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật, giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo để bị cáo sớm trở về với gia đình, xã hội.

Bị cáo Lê Đình Chức. (Ảnh: Hùng Anh)

Cùng với bị Doanh, bị cáo Lê Đình Chức, người bị Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị mức án tử hình về tội “Giết người” cũng xin được xem xét các tình tiết giảm nhẹ hình phạt đối với những hành vi do bị cáo gây ra. Bị cáo Chức cho rằng bản thân không biết dưới hố có 3 cán bộ, chiến sĩ công an, bị cáo cũng không có tác động nào để 3 chiến sĩ rơi xuống hố.

Trình bày quan điểm của mình, luật sư Nguyễn Hồng Bách - Chủ tịch Hội đồng tư vấn Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự, đồng tình với việc Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội chuyển tội danh cho 19 bị cáo trong vụ từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ”.

Luật sư Bách bác bỏ quan điểm của một số luật sư bào chữa cho các bị cáo khi đề nghị công bố kế hoạch đảm bảo an ninh, bảo vệ cán bộ, người dân tại Đồng Tâm trước, trong và sau 9/1. Bởi theo luật sư, kế hoạch này thuộc danh mục bí mật quốc gia.

Toàn cảnh phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

Về thông tin một số luật sư nghi ngờ, liệu các chiến sĩ công an vào Thôn Hoành xã Đồng Tâm có hợp pháp hay không, luật sư Bách khẳng định: “Tôi khẳng định 3 cảnh sát hy sinh đã thực thi công vụ theo kế hoạch 419A được giao. Sau khi hy sinh tại Đồng Tâm, Đảng và Nhà nước đã xem xét thành tích, thăng quân hàm vượt cấp cho các chiến sĩ. Cả 3 chiến sĩ đã được truy tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhất vì lập chiến công đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đồng thời, Thủ tướng đã ký quyết định công nhận 3 liệt sĩ, cấp bằng Tổ quốc ghi công. Nếu không thực hiện nhiệm vụ được giao, 3 chiến sĩ có được Đảng và Nhà nước ghi nhận công danh hay không”.

Đối với việc một số luật sư đề nghị điều tra và dựng lại hiện trường vụ án, luật sư Bách không đồng tình và đặt ra câu hỏi: Chúng ta có thể dựng lại hiện trường vụ án dã man thế không? Ai có thể chui xuống cái hố đó để đổ xăng lên đốt? Kể cả dùng con vật thế thân, chúng ta cũng không thể làm như thế.

Vị luật sư phân tích, không phải bất kỳ trường hợp nào cũng phục dựng, tái dựng hiện trường và thực nghiệm điều tra. Trường hợp này, không nên thực nghiệm, như thế sẽ gợi lại nỗi đau của gia đình thân nhân.

Còn về việc trả lại hồ sơ vụ án để tiếp tục điều tra, với vai trò là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị hại, luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, không nên kéo dài nỗi đau của các gia đình bị hại. Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã rút một phần cáo trạng và thay đổi tội danh truy tố, từ tội “Giết người” sang tội “Chống người thi hành công vụ” đối với 19 bị cáo thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.

Trong đó, nhiều bị cáo được giảm nhẹ hình phạt so với cáo trạng truy tố ban đầu, một số bị cáo được đề nghị hưởng án treo. Nếu trả lại hồ sơ vụ án, đồng nghĩa với việc các bị cáo này tiếp tục bị giam giữ.

Kết lại phần trình bày quan điểm của mình, luật sư Bách nhấn mạnh: “Tổ quốc đã ghi công lao của các chiến sĩ đã hy sinh trong khi thực thi công vụ. Theo kết luận tại biên bản khám nghiệm tử thi cho thấy, mức độ giết người của các bị cáo rất tàn độc. Đề nghị Hội đồng xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật”.

Đồng bảo vệ quyền và lợi ích cho 3 gia đình bị hại, luật sư Nguyễn Phương Anh (Công ty Luật Hồng Bách và Cộng sự) bày tỏ sự thương tiếc khi nhắc lại những sự việc diễn ra trước khi các chiến sĩ hi sinh. Trước đó, anh Nguyễn Huy Thịnh (sinh năm 1972, Phó Trung đoàn trưởng E22 - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động) chỉ kịp ăn vội bát cơm với con.

Anh Phạm Công Huy (sinh năm 1992, cán bộ Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Phòng cảnh sát và cứu nạn cứu hộ, Công an thành phố Hà Nội) hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ, mới kết hôn được 1 năm, con mới được 6 tháng tuổi. Anh Dương Đức Hoàng Quân (sinh năm 1993, cán bộ của Bộ Tư lệnh cảnh sát cơ động) đã phải hy sinh khi mới 28 tuổi, khi còn chưa lập gia đình...

Nữ luật sư cho rằng, mặc dù tại phiên tòa các bị cáo nhận sai, tỏ ra ăn năn hối lỗi nhưng trên thực tế, từ khi xảy ra vụ án đến nay, chưa có bị cáo nào có sự khắc phục về mặt vật chất hay tinh thần đối với gia đình các bị hại.

Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên các bị cáo Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển, Lê Đình Chức, Lê Đình Doanh, Nguyễn Quốc Tiến phạm tội “Giết người”. Đồng thời các bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho các gia đình bị hại theo quy định pháp luật.

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử cho phép các bị cáo được nói lời sau cùng. Tại tòa bị cáo Lê Đình Chức – người cùng cháu mình là Lê Đình Doanh người đổ xăng, châm lửa khiến 3 chiến sĩ tử vong vào đêm 9/1 đã gửi lời xin lỗi gia đình các liệt sĩ. Chức nói: “Bị cáo sau này có được sống trở về hay phải chết, bị cáo cũng mong gia đình 3 chiến sĩ tha thứ để lương tâm bị cáo được thanh thản phần nào. Xin tòa xem xét hoàn cảnh gia đình bị cáo, xin cho bị cáo được có cơ hội thắp một nén hương cho bố, nhìn mặt con mới sinh một lần”.

Về phần mình, bị cáo Lê Đình Doanh quay xuống nói lời xin lỗi và chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình 3 chiến sĩ đã hy sinh. “Bị cáo thấy cắn rứt lương tâm rất nhiều khi nghĩ về con gái đồng chí Huy, cháu còn quá nhỏ chưa biết gì nhưng sau cháu lớn lên mới hiểu phải chịu nỗi đau không gì bù đắp được khi lớn lên nhưng không thể hưởng sự yêu thương, bao bọc của bố”- bị cáo Doanh nói.

Cuối cùng, bị cáo cho biết, trong quá trình bị tạm giam đã nhận rõ tội lỗi của mình. Bị cáo cảm ơn các luật sư và xin được dừng, không cần bào chữa cho bị cáo nữa. Mong hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng khoan hồng của nhà nước, sớm về với vợ con trở thành công dân có ích.

Đối với Lê Đình Công, bị cáo cũng mong được hưởng khoan hồng, xin tòa án chuyển tội danh cho mình từ “Giết người” sang “Chống người thi hành công vụ” với mức án nhẹ hơn. Công nói mình không chỉ đạo, bàn bạc hoặc chỉ đạo ai chống đối công an.

“Nghe tin 3 chiến sĩ hi sinh, bị cáo vô cùng hối hận, ăn năn. Kính mong Hội đồng xét xử, kiểm sát viên xem xét cho bị cáo hưởng khoan hồng… để có cơ hội trở về với gia đình, thành công dân tốt, giáo dục con em chấp hành đúng pháp luật” – Lê Đình Công nói.

Cùng với các bị cáo Công, Doanh, Chức, các bị cáo còn lại cũng bày tỏ sự ăn năn, hối lỗi và mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Theo Lao động Thủ đô