Sau khi tình hình kinh tế xấu đi, các doanh nghiệp khó khăn trong trả nợ, các ngân hàng quy trách nhiệm cho các cán bộ tín dụng thẩm định cho vay, yêu cầu các cán bộ này đi thu nợ.
Chính cơ chế này đã đẩy nhiều cán bộ tín dụng đi đòi nợ bằng nhiều biện pháp gây áp lực lên con nợ bằng mọi cách, nhiều khi không đúng với các quy định pháp luật. Ngân hàng Techcombank cũng nhiều lần xiết nợ gây “lùm xùm” trong dư luận.
Ngân hàng Techcombank bị tố "tự ý" cắt khóa xiết nợ khách hàng
Mới đây, trên báo Doanh nghiệp Việt Nam có đưa tin về ngân hàng Techcombank đòi nợ bằng cách cắt khóa nhà xưởng của khách hàng gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, anh Phan Đăng Anh gửi cơ quan báo chí đơn khiếu nại về việc ngày 17/4/2015, khoảng 20 người nhận là cán bộ Techcombank đến công xưởng của gia đình anh, cắt khóa công xưởng và tự ý niêm phong tài sản.
Theo đơn khiếu nại của anh Phan Đăng Anh gửi cơ quan báo chí: “Vào ngày 14/6/2011, gia đình anh có vay của ngân hàng Techcombank với số tiền là 1,9 tỷ đồng, là hợp đồng tín dụng số 387 với lãi suất ban đầu là 23%/năm với thời hạn là 20 năm. Anh đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả lãi và cả gốc hàng tháng cho ngân hàng đã được 37 tháng.
Nhưng từ khi kinh tế khó khăn, việc sản xuất đình trệ nên anh đã có đề nghị phía ngân hàng giảm lãi suất theo mặt bằng chung của ngân hàng Nhà nước và Techcombank đã trả lời là không giảm được. Do đó, gia đình anh mất khả năng thanh toán lãi suất cho ngân hàng.”
Cũng theo phản ánh của anh Phan Đăng Anh, mặc dù Techcombank có gửi văn bản sẽ đến làm việc vào ngày 7/4/2015, song không thông báo về việc cưỡng chế tài sản.
Việc cho người tự ý cắt khóa khu xưởng và niêm phong tài sản theo khách hàng này là sai quy định và ảnh hưởng đến tâm lý cũng như quá trình sản xuất của công xưởng.
Trả lời về sự việc này trên báo Doanhnghiepvn.vn, ngân hàng Techcombank thừa nhận có sự việc mở khóa xưởng của khách hàng Phan Đăng Anh.
Đại diện ngân hàng - bà Nguyễn Thu Lan – Tổng giám đốc công ty quản lý nợ và khai thác tài nguyên (Techcombank AMC) cho rằng việc Techcombank đã thu hồi tài sản bảo đảm của gia đình anh Phan Đăng Anh, chị Nguyễn Thị Nam là đúng luật.
Tuy nhiên, ngân hàng Techcombank không đưa ra được thông báo nào cho khách hàng ghi cụ thể ngày giờ sẽ diễn ra việc thu hồi tài sản. Hiện sự việc đang được cơ quan điều tra làm rõ.
Thuê vệ sĩ đòi nợ như trong... phim
Những xôn xao về việc ngân hàng Techcombank đi xiết nợ cũng từng xảy ra trước đây. Tháng 12/2012, chi nhánh Ngân hàng Techcombank tại Đà Nẵng thuê vệ sĩ xiết nợ Công ty CP Đồng Xanh (chủ đầu tư của nhà máy cồn ethanol Đại Tân).
Tuy nhiên, khi vận chuyển số cồn ethanol trừ nợ của công ty Đồng Xanh từ nhà máy Đại Tân (xã Đại Tân, Đại Lộc, Quảng Nam) ra bên ngoài thì bị người dân (cũng là chủ nợ của công ty này) ngăn chặn và xảy ra xô xát giữa hai nhóm cùng đi đòi nợ.
Theo báo Người lao động, đại tá Huỳnh Trung Nguyên, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam cho biết công an tỉnh đã nhận được 21 đơn kiến nghị của người dân.
Việc Techcombank Chi nhánh Đà Nẵng thuê vệ sĩ của Công ty Dịch vụ bảo vệ Phi Vũ - TP HCM bao vây “xiết nợ” tại nhà máy gây mất trật tự, trị an chung của khu vực.
Trả lời về sự việc này, đại diện của chi nhánh Techcombank tại Đà Nẵng khẳng định nhóm vệ sĩ là do đối tác của ngân hàng này thuê.
Theo báo Tuổi trẻ đưa tin, tại buổi làm việc với các cơ quan báo chí ngày 20/12/2012, bà Chu Ngọc Lan - giám đốc chi nhánh Techcombank Đà Nẵng - cho biết Công ty cổ phần Đồng Xanh còn nợ của ngân hàng 152 tỉ đồng (đây là số tiền vay thế chấp từ tài sản là cồn và khoai mì lát - PV).
Công ty cũng có thỏa thuận xử lý thu hồi nợ đối với tài sản thế chấp với ngân hàng. Khi ngân hàng đang tiến hành các bước để xử lý tài sản thu hồi nợ với số cồn khoảng 1.400m3 nằm trong nhà máy thì gặp sự phản ứng của một số người dân.
Theo bà Lan, ngân hàng có hợp đồng với Công ty Logistics LA+Techcombank. Còn Công ty Logistics LA+Techcombank có ký hợp đồng để thuê bên thứ ba thì đó là quyền của công ty, bên thứ ba có trách nhiệm thực hành theo pháp luật.
Tuy nhiên, ông Lâm - giám đốc Công ty Logistics LA+ Techcombank - bảo cần thông tin gì thì làm việc với Techcombank và từ chối trả lời.
Ngân hàng chặn xe, mắc võng để... đòi nợ
Theo báo An ninh Thủ đô đưa tin, hồi đầu tháng 5/2013, nhân viên của Techcombank cùng một loạt nhân viên của các ngân hàng như SeABank, MB, Ocean Bank, LienVietPost Bank... chặn xe, mắc võng bao vây trước 2 cổng của công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Châu Âu và Công ty Sản xuất - Thương mại Âu Mỹ nằm tại khu công nghiệp Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) để canh giữ “tài sản thế chấp”.
Nguyên nhân là do Công ty Âu Mỹ đã vay lượng vốn không hề nhỏ của nhiều ngân hàng, nhưng hiện đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và có nguy cơ phá sản.
Trước đó ngày 19-3, đại diện Ngân hàng Techcombank đã lập hồ sơ thủ tục thu giữ toàn bộ tài sản của Công ty Cổ phần Dệt Long An, theo hợp đồng thế chấp 2 bên đã ký hồi đầu năm 2009.
Theo hợp đồng, Công ty Cổ phần Dệt Long An đã thế chấp tại Ngân hàng Techcombank bao gồm: toàn bộ xưởng dệt, máy móc thiết bị sản xuất và trụ sở công ty tại xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa và toàn bộ xưởng nhuộm tại xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức đã thế chấp.
Khi đại diện Ngân hàng Techcombank đến làm việc nhưng bảo vệ Công ty Dệt Long An không cho vào, đồng thời thông báo lãnh đạo đã đi vắng. Đại diện Techcombank đã phải dán quyết định thu giữ tài sản tại cổng ra vào của công ty.
Hàng loạt quân, tướng của Techcombank dính vòng lao lý
Ngoài lùm xùm đòi nợ thì hình ảnh của Ngân hàng Techcombank cũng bị ảnh hưởng ít nhiều khi nhiều nhân sự cao cấp bị dính vòng lao lý.
Dẫn link báo Tiền Phong, ông Trần Kiến Quốc - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Quản lý kinh doanh khối nguồn vốn và Thị trường tài chính Techcombank bị khởi tố, điều tra về hành vi “nhận hối lộ”.
Theo thông tin, Trần Kiến Quốc bị bắt quả tang đang nhận hơn 2,9 tỷ đồng từ ông Trần Tuấn Anh (một doanh nhân) trong việc tuyển lựa nhà thầu cung cấp sản phẩm phần mềm quản trị Ngân hàng cho Techcombank.
Năm 2012, thông tin vị phó phòng Dịch vụ khách hàng cá nhân thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - chi nhánh Chương Dương, Hà Nội bị khởi tố về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đã khiến nhiều người chú ý.
Theo đó, bị can Trịnh Khải Hà (40 tuổi, trú tại số 12, tổ 46, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị tố lừa đảo trên 1 tỷ đồng. Sau khi vỡ nợ vì dùng tiền lừa đảo để chơi chứng khoán, Trịnh Khải Hà đã nghỉ việc, bỏ trốn và bị công an bắt khi đang ở Cần Thơ.
http://www.vietnamplus.vn/pho-phong-ngan-hang-lua-tien-ty-nem-vao-co-phieu/132775.vnp