1. Mặt hàng vàng mã

Mặc dù có nhiều lời kêu gọi không đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường nhưng người Việt ngàn đời nay vẫn giữ tâm lý "trần sao âm vậy". Để vừa lòng người ở "thế giới bên kia" và để cầu an cho mình, rất nhiều người có thói quen đi lễ và cúng mã, đốt tiền vàng âm phủ.

Tháng 7 cũng bao gồm cả lễ Vu Lan báo hiếu nên người dân cũng có tâm lý muốn gửi cho bố mẹ, người thân của mình ở "nơi chín suối" những đồ dùng tốt và tiện nghi nhất... Và tất nhiên, những vật dụng này sẽ làm bằng giấy, còn gọi là vàng mã.

Vàng mã là mặt hàng không thể thiếu trong tháng 7 âm.

Vàng mã là mặt hàng không thể thiếu trong tháng 7 âm.

Trong tháng 7, số lượng vàng mã người tiêu dùng mua tăng đột biến. Ngoài tiền vàng thông thường, tháng 7 còn có thêm quần áo, nhà cửa, ô tô, xe máy, điện thoại, laptop và thậm chí cả iphone, ipad được làm như thật. Vì mỗi năm chỉ có một dịp nên nhiều người không tiếc tiền chi cho khoản vàng mã và đồ cúng bằng giấy để mong được người âm phù hộ. 

2. Mặt hàng hoa quả

Những mặt hàng hoa quả cúng lễ được dịp bán chạy từ đầu tháng tới cuối tháng và giá cũng có phần nhỉnh lên tùy theo ngày. Người mua đồ cúng cũng ít mặc cả và thường ưu tiên chọn hoa quả theo "vẻ bề ngoài".

Một người bán hàng rong hoa quả trên khu phố cổ chia sẻ: Từ mùng 1 tới giờ mỗi ngày mình bán được 2-3 gánh hoa quả trong khi ngày thường chỉ 1-2 gánh có khi vẫn ế. Hầu như ngày nào các chủ hàng cũng thắp hương cúng lễ, sáng chỉ cần đi qua các cửa hàng với táo, thanh long, ổi là bán hết veo cả gánh hàng.

Kinh doanh hoa quả khởi sắc trong tháng cô hồn.

Kinh doanh hoa quả khởi sắc trong tháng cô hồn.

Bên cạnh đó những mặt hàng cúng lễ khác biệt vào tháng 7 như: khoai, ngô, lạc… luộc, chè, cháo thí, bỏng… cũng được nhiều người chọn mua. Những gói bỏng xanh đỏ vài chiếc cũng có giá từ 1.000- 5.000/túi cũng giúp nhiều hàng bán thu về khoản lãi không ngờ.

3. Mặt hàng đồ chay 

Trong tháng 7 nhiều gia đình cũng có quan niệm ăn chay để tâm thanh tịnh, được sức khỏe may mắn. Vì vậy, những mặt hàng đồ chay đóng gói sẵn cũng được nhiều người chọn mua về chế biến thành món ăn cho gia đình. Bên cạnh đó nhiều người, đặc biệt là các cơ quan, công ty đang có xu hướng lựa chọn các bữa ăn chay thay cho ăn mặn vào tháng cô hồn. 

Những nhà hàng, quán bán đồ ăn chay hay bán online lượng khách đều tăng gấp đôi, gấp 3 so với thời điểm khác trong năm. Trung bình hiện một đĩa đồ chay đang có giá từ 30.000-90.000 đồng tùy món và 1 mâm cỗ chay thường có giá dao động từ 600.0000-1.5 triệu đồng tùy thực đơn và nhà hàng.

Số người ăn chay càng ngày càng tăng trong tháng cô hồn.

Số người ăn chay càng ngày càng tăng trong tháng cô hồn.

Chủ quán cơm chay ở phố Đặng Văn Ngữ chia sẻ, lượng khách tới quán trong những ngày này tăng gấp 5-6 lần so với các tháng khác, vào ngày rằm, mùng 1 lại càng đông. Thậm chí chị còn phải thuê cả lao động thời vụ, trả lương theo ngày để có đủ người phục vụ.

Ngoài những người ăn luôn tại quán, số lượng người đặt mua mang về cũng nhiều. Chính vì vậy, nếu không tính toán trước, nguy cơ thiếu nguyên liệu trước để chế biến món ăn rất dễ xảy ra.

Với xu hướng ăn chay ngày càng phổ biến trong người dân, người bán có thể yên tâm một điều rằng kinh doanh loại hình này trong tháng 7 sẽ không bao giờ "ế" hàng.

4. Mặt hàng phong thủy 

Ngoài những mặt hàng kể trên, những người buôn bán đồ phong thủy cũng khá "buôn may bán đắt" trong tháng này. 

Đồ phong thủy ngoài ý nghĩa trang trí còn có công dụng đem lại niềm tin khác cho người mua như: trấn an, bảo vệ, đem lại may mắn.... Tin vào điều này, nhiều người đã nhanh chóng chọn cho mình một sản phẩm có tác dụng đem lại bình an trong tháng 7 được quan niệm là tháng đầy rẫy những xui xẻo, nguy hiểm rình rập.

Vòng tay phong thủy đeo lấy hên được nhiều người chọn mua.

Vòng tay phong thủy đeo lấy hên được nhiều người chọn mua.

Ngoài những mặt hàng đắt đỏ, có giá trị cao như đá phong thủy, vòng ngọc, ngọc trấn yểm ... thì có những sản phẩm nhỏ như vòng đá, mặt đá hoặc các loại ngọc nhỏ giá thành từ 100.000 - 500.000 đồng có tác dụng trừ tà, đem lại may mắn được nhiều người lựa chọn. 

5. Quần áo phật tử 

Vào tháng 7, không chỉ có người lớn tuổi mà có rất nhiều các bạn trẻ và những người từ 30 - 40 đều tham gia các khóa lễ tụng kinh tại chùa. Vì vậy số lượng bán quần áo Phật tử của các cửa hàng tăng mạnh. 

Năm nay, mặt hàng quần áo Phật tử buôn bán tốt hơn hẳn so với mọi năm.

Năm nay, mặt hàng quần áo Phật tử buôn bán tốt hơn hẳn so với mọi năm.

Tại các cửa hàng bán đồ Phật tử ở đối diện chùa Quán Sứ từ những ngày đầu tháng 7 đã tấp nập người tìm mua quần áo Phật tử và tràng hạt để tham gia tụng kinh cầu siêu, cầu may, giải hạn ... Các bộ quần áo này được may đơn giản, chất liệu thoáng mát, màu sắc nhẹ nhàng như xanh nhạt, xám, tro hoặc nâu. 

Gía bán trung bình từ 80.000 - 300.000 đồng/bộ tùy chất liệu và kiểu dáng. Nhiều người tìm mua quần áo Phật tử để tham gia các khóa lễ trong tháng 7, đồng thời cũng dùng để mặc khi đi chùa trong các dịp khác của năm. 

 

 

 

Trang Bùi (tổng hợp)/ Theo Ngay Nay Online