Khi đất nước hội nhập đó vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đòi hỏi các DN, các làng gốm truyền thống phải chủ động, sáng tạo ra những sản phẩm đẹp về hình thức, đảm bảo chất lượng. Đã có một thời gian dài những làng gốm trên cả nước bị “ngủ quên”. Có những giai đoạn tưởng chừng nghề gốm bị mất vì chưa tìm ra cho mình một hướng đi riêng và thương hiệu để cạnh tranh. Đứng trước sự thăng trầm của nghề, thế hệ trẻ làng gốm Phù Lãng đang nỗ lực, táo bạo xâm nhập thị trường nước ngoài, đa dạng hóa các loại sản phẩm, mẫu mã.
Đối với làng gốm Phù Lãng ai cũng ghi nhận 2 thanh niên có tuổi đời còn rất trẻ nhưng đã biết thổi một “luồng sinh khí mới” để vực dậy làng nghề là: Vũ Hữu Nhung và Phạm Tự Tại. Vũ Hữu Nhung (SN 1976) được xem là người đi tiên phong trong việc đánh thức nghề gốm Phù Lãng, còn Phạm Tự Tại được mọi người biết đến ở sự đột phá, đa dạng hóa mẫu mã mà vẫn giữ được những nét truyền thống trên các sản phẩm mới của mình. Vũ Hữu Nhung sinh ra và lớn lên tại quê hương Phù Lãng, từng tốt nghiệp Khoa điêu khắc- ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 1999. Cầm tấm bằng tốt nghiệp ra trường, Nhung không xin vào các cơ quan Nhà nước mà về quê hương cùng gia đình khôi phục lại nghề gốm Phù Lãng vốn đã “ngủ quên”. Lúc đầu khởi nghiệp, Nhung gặp rất nhiều khó khăn, không có mặt bằng để sản xuất, thiếu lao động có kỹ thuật, kinh tế gia đình rất eo hẹp, muốn vay vốn ngân hàng gặp nhiều trở ngại… Mặt khác, muốn phát triển sản xuất nhưng không có sự thông thương, thiếu ứng dụng khoa học kỹ thuật.
Song với nghị lực, sự khát khao vươn lên của tuổi trẻ, Nhung biết phát huy những gì mình đã học được ở trường để mang vào các sản phẩm gốm. Anh tự thiết kế, áp dụng khoa học kỹ thuật chuyển sang làm gốm trang trí nhằm nâng cao năng suất, mẫu mã để cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, Nhung còn chủ động tìm kiếm thị trường.
Giống như Nhung, Phạm Tự Tại (SN 1983) cũng là một người trẻ đầy đam mê, nhiệt huyết với gốm Phù Lãng, anh được mọi người đặt cho biệt danh “ông chủ của sự cách tân”. Phạm Tự Tại sinh ra trong một gia đình làm nghề gốm. Nhưng trước đó làm bằng thủ công, thiếu thiết kế, thiếu sáng tạo, không đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm gốm Bát Tràng nên sản phẩm làm ra không được thị trường đón nhận. Đứng trước thực tế đó, Phạm Tự Tại quyết tâm thi bằng được vào khoa Thiết kế - trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và đang theo học năm thứ tư. Vừa theo học, Tại trực tiếp thiết kế, ứng dụng ngay vào việc thực hành. Anh luôn tạo ra những đường nét, họa tiết độc đáo, đa dạng hoá các loại sản phẩm nội-ngoại thất, đồ lưu niệm. Đồng thời, Tại biết phát huy những sản phẩm gốm truyền thống để tạo ra những sản phẩm hiện đại như: Lọ hoa, gạch ốp lát, tranh nội-ngoại thất các loại đèn, tượng vườn… phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Không chỉ dừng lại ở sự cách tân, Tại còn rất tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ ở địa phương.
Công bằng mà nói, gốm Phù Lãng được khôi phục và phát triển trong gần chục năm trở lại đây. Đồng hành cùng sự phát triển ấy, gốm Phù Lãng đang phải đối mặt, sự cạnh tranh khốc liệt với các loại gốm trong nước và gốm Trung Quốc. Vậy câu hỏi đặt ra ở chỗ: Làm thế nào để gốm Phù Lãng tồn tại và vươn xa? Đó là câu hỏi lớn dành cho các cấp chính quyền và thế hệ trẻ ở làng nghề Phù Lãng.
Vũ Hữu Nhung tâm sự: “Rất may Phù Lãng vẫn giữ được nghề gốm truyền thống. Vì vậy, tôi rất ý thức và trân trọng, cần bảo tồn và phát triển để đưa gốm Phù Lãng sớm được khẳng định trên thị trường nội địa, rồi xuất khẩu”. Phương châm sống của Nhung là đi những bước chắc chắn, kinh doanh có văn hóa, không vì lợi nhuận. Mục đích nhằm hướng tới thương hiệu cho gốm Phù Lãng. Tuy nhiên, muốn thúc đẩy làng nghề phát triển nhanh và bền vững rất cần có những cơ chế thoáng của các cấp ngành. Nhất là khâu tiếp cận với ngồn vốn ngân hàng. Hầu hết những gia đình làm gốm ở đây đều rất thiếu vốn. Muốn vay ngân hàng nhưng ngành ngân hàng chưa thực sự tin tưởng vào tương lai của nghề gốm ở đây nên họ vẫn còn nghe ngóng, thăm dò”.
Phạm Tự Tại cho rằng: “Tuy chính quyền địa phương rất ủng hộ để lớp trẻ giữ nghề, song cái khó mà tôi cũng như nhiều người gặp phải là thiếu thông tin thị trường, thiếu vốn, thiếu thị trường xuất khẩu. Nếu các hộ làm gốm ở đây không “tự bơi” thì khó có thể cạnh tranh và đứng vững trên thị trường trong giai đoạn hiện nay”. Ông Nguyễn Văn Kham, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Phù Lãng cho biết, UBND xã đã tổ chức các cuộc thảo luận nhằm tìm đầu ra cho gốm Phù Lãng ở cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ông Kham vẫn còn nhiều điều trăn trở. Có lẽ điều trăn trở lớn đang cần sự quan tâm của cấp trên là nguồn kinh phí từ ngân hàng, khâu chuyển giao công nghệ, đào tạo con em địa phương. Bên cạnh đó, cần có những cơ chế ưu đãi từ nhiều phía cho đến việc xúc tiến và quảng bá thương hiệu ra thị trường. Đó cũng là nỗi trăn trở chung của người dân làng gốm Phù Lãng.