Trung Quốc

Giống như tại Việt Nam, Trung Quốc ăn Tết Nguyên đán và đây là dịp lễ lớn nhất trong năm đối với người Trung Quốc. Những người dân đoàn tụ và quây quần bên nhau đón xuân về. Không giống như người Việt Nam, chỉ ăn tết trong 3 ngày, Tết Nguyên đán của người Trung Quốc sẽ bắt đầu từ ngày mùng 1 tháng 1 âm lịch, kéo dài đến ngày 15 tháng Giêng (Tết Nguyên Tiêu).

Khá giống với phong tục của người Việt, đêm 30 tháng 12 âm lịch, những thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau cùng thưởng thức các món ăn truyền thống, chia sẻ những câu chuyện năm cũ và người lớn sẽ mừng tuổi cho trẻ em.

Trong ngày đầu tiên của năm mới, người Trung Quốc sẽ thắp hương để tỏ lòng thành kính với trời đất, tổ tiên, tiếp theo đó sẽ cùng chúc Tết người trên, bạn bè, cùng các thành viên khác trong gia đình. Và tất nhiên không thể thiếu được các hoạt động vui chơi giải trí như múa lân, đốt pháo hoa, đua thuyền, đi cà kheo, múa ương ca - một điệu múa dân gian của Trung Quốc...

Trên mâm cỗ của người Trung Quốc có sủi cảo, hoành thành, mì, bánh trôi nước... Người Trung Quốc quan niệm ăn những món này vào ngày Tết gia đình đón được thêm nhiều niềm vui trong năm mới. Trong tiếng Hán, sủi cảo có bộ “giao” mang ý nghĩa thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, ăn bánh hoành thánh mang ý nghĩa là đầu tiên, còn món mì có nghĩa là trường thọ.

Mông Cổ

Người Mông Cổ ăn tết Tsagaan Sar cũng trùng với thời điểm Tết Nguyên đán của Việt Nam. Họ bắt đầu ăn Tết vào ngày đầu tiên theo lịch âm của người Mông Cổ, thường rơi vào đợt trăng non 2 tháng sau Đông Chí. Vào ngày Tssagaan Sar, người dân nơi đây sẽ cùng nhau thăm hỏi bạn bè, ôn chuyện cũ và chúc nhau những điều tốt lành.

Trước ngày Tết, mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại sạch sẽ để đón một năm mới nhiều may mắn và an lành. Vào buổi tối các gia đình sẽ tụ họp cùng ăn bơ sữa và bánh bao, đồng thời mọi người sẽ giải quyết hết nợ nần trong năm cũ.

Mâm cỗ ngày Tết Nguyên Đán của người Mông Cổ khá là thịnh soạn, nên các gia đình phải chuẩn bị trước rất là nhiều ngày từ trước, đuôi cừu, thịt cừu, cơm, các sản phẩm từ sữa, bánh buuz và tráng miệng bằng sữa chua airag. Bên cạnh đó du khách được thưởng thức những bài hát, điệu nhạc truyền thống do người dân biểu diễn.

Hàn Quốc

Tết Nguyên đán của người Hàn Quốc được gọi là Seollal, là một trong hai ngày lễ lớn nhất của Hàn Quốc, bắt đầu vào ngày 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm giống như Tết Nguyên đán của người Việt Nam.

Seollal của người Hàn không chỉ đánh dấu cho một năm mới đến mà còn là dịp đặc biệt để nhớ về tổ tiên, những người xa quê trở về nhà để gặp gỡ, đoàn tụ với nhau. Vào ngày này, người Hàn sẽ cùng mặc trang phục truyền thống là Hanbok, thực hiện các nghi lễ của tổ tiên, chơi các trò chơi dân gian và ăn món ăn truyền thống, cùng kể chuyện cho nhau nghe và gặp gỡ mọi người.

Buổi sáng của lễ Seollal, người Hàn chuẩn bị mâm cỗ cúng đầu năm, với khoảng 20 món ăn gồm có canh bánh gạo nếp Tteokguk, rượu, bánh Tteok truyền thống, cá, nhiều loại bánh rau chiên, hoa quả.

Vào những ngày này, không chỉ cùng nhau trò chuyện, người Hàn cũng tổ chức các trò chơi dân gian như Yutnori, đá cầu, thả diều, nhảy bập bênh... Trước ngày Seollal một tuần, người dân thường sẽ mua sắm, chuẩn bị tặng quà cho người thân cũng như bạn bè, với những món quà như hoa quả, nhân sâm, cá, mật ong, cá khô...

Singapore

Tết Nguyên đán cũng là ngày lễ quan trọng của người Singapore, thời điểm đón Tết cũng giống với Tết của người Trung Quốc.

Vào dịp Tết Nguyên đán, mâm cỗ của người Singapore có rất nhiều món ăn truyền thống, giàu ý nghĩa cho gia đình, có thể kể đến như gỏi Yu Sheng, các loại bánh, thịt khô Bak Kwa, mì trường thọ.

Ngoài ra, còn có nhiều loại bánh hấp dẫn khác như bánh tart vị dứa, Red Date Cake, Wealth of Opportunities Cake, bánh Nian Gao, bánh cao niên phát tài, bánh bao nhân đậu đỏ, bánh cá phú quý...

Loại quả được người Singapore yêu thích nhất trong dịp Tết là quả quýt. Không chỉ nhờ màu cam lộng lẫy, quả quýt trong tiếng Quảng Đông còn có phát âm giống vàng, thứ kim loại biểu tượng cho phú quý, nên tết là dịp lên ngôi của quýt. Không có mai, đào hay các loại hoa khác, chỉ có cây quýt hiện diện ở mặt tiền từng nhà, công sở.

Thực đơn bữa ăn phụ thuộc vào gốc gác gia đình. Người gốc Triều Châu không thể thiếu hẹ xào thịt và món cá hấp tương. Với người Quảng Đông, Phúc Kiến thì món chính là bồn thái, tức thố súp sơn hào hải vị mà một thời chỉ vua chúa mới ăn nổi.

Bào ngư, sò điệp, hải sâm, tảo sợi... là những thành phần trong thố súp sền sệt, đầy dưỡng chất này. Thật ra, các món ăn này được “chọn mặt gửi vàng” chỉ vì có phát âm giống như “dư giả”, giàu sang.

Malaysia

Malaysia là đất nước đa sắc tộc, trong đó phần lớn là người gốc Hoa, họ cũng đón Tết Nguyên đán theo âm lịch giống như Việt Nam hay các quốc gia châu Á khác.

Tết Nguyên đán cũng là ngày sum họp và đoàn tụ, họ cũng chuẩn bị mâm cỗ để cúng tổ tiên, lì xì cho trẻ nhỏ, người chưa lập gia đình. Nếu như bạn ghé đến đây vào những ngày này, sẽ được gia chủ tiếp đón bằng những món ăn, đồ uống ngon, đặc biệt trong đó không thể thiếu được quýt.

Lịch nghỉ Tết chính thức chỉ có hai ngày nhưng các lễ hội thường sẽ kéo dài cho đến hết rằm tháng Giêng. Bữa ăn ngày Tết sẽ bao gồm đầy đủ các thành viên trong gia đình, họ hàng, bên cạnh đó rất nhiều nhà hàng Trung Quốc sẽ phục vụ bữa ăn gia đình không muốn tổ chức tại nhà. Ngoài ra còn có các tiết mục múa hát, múa lân sư rồng chào đón năm mới vô cùng nhộn nhịp, sôi động.

Triều Tiên

Ban đầu, Tết Nguyên đán của người Triều Tiên vào tháng 10 và tháng 11, dần dần, họ cũng chuyển sang đón Tết Nguyên đán vào ngày mùng 1 tháng giêng giống với những quốc gia châu Á khác.

Tết Nguyên đán hay còn có tên gọi là Seollal bị lãng quên đã từ lâu, mãi đến tận năm 1989 nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là Kim Jong Il đã giúp nó trở lại và trở thành ngày lễ được mong đợi nhất năm. Trong những ngày này, mọi người sẽ cùng quây quần bên nhau, chơi các trò chơi và thưởng thức những món ăn truyền thống như tteokguk (súp bánh gạo), món ăn mang ý nghĩa giúp cho mọi người sống thọ hơn.

Vào đêm 30 Tết, mọi người sẽ cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trang trí bằng tranh Tết, câu đối và cùng nhau làm mâm cơm Tết. Sáng mồng 1, người lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ thực hiện lễ Tạ ơn gia tiên.

Theo Mi Trần/Đô Thị Mới