Nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" khiniềng răng
Chia sẻ với Vietnamnet, Thạc sĩ, bác sĩ nha khoa Nguyễn Anh Ngọc cho biết, trong quá trình làm việc của mình, ngoài việc thực hiện điều trị thẩm mỹ răng cho các bệnh nhân, anh cũng từng tiếp xúc và chữa trị cho rất nhiều những ca bệnh gặp biến chứng, tai nạn niềng răng "dở khóc dở cười".
Bác sĩ Ngọc nhớ trường hợp xảy ra cách đây 6 tháng của một bệnh nhân ở Hà Nội. Chị này đến cầu cứu bác sĩ giúp đỡ trong tình trạng toàn bộ răng xương hàm trên bị nhô ra ngoài.
“Đó là chị Nguyễn Thị M. (28 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội). Bệnh nhân từng đến phòng khám của tôi để tư vấn làm răng. Tuy nhiên, khi nghe tư vấn của bác sĩ chỉ định phải thực hiện quá trình chỉnh răng, niềng răng trong khoảng 18 tháng chị cho rằng thời gian như vậy là quá lâu. Vì vậy, chị đã bỏ đi đến một phòng khám khác để thực hiện việc niềng răng trong thời gian chỉ 6 tháng. Không ngờ, sau 4 tháng làm răng tại cơ sở nào đó, chị ta buộc phải quay trở lại phòng khám này để điều trị vì toàn bộ xương hàm trên bị nhô ra ngoài”, vị bác sĩ nhớ lại.
Có không ít tai nạn xảy ra khi niềng răng (Ảnh minh họa)
Với trường hợp bệnh nhân này, chỉ định niềng răng từ 6 đến 8 tháng là sai lầm, trong khi đáng lẽ họ phải được niềng trong khoảng từ 18 - 24 tháng mới hoàn thành. Việc rút ngắn thời gian quá nhanh như vậy sẽ khiến kết quả chỉnh nha không được như ý dẫn đến sai lệch khớp cắn. Thậm chí có những trường hợp răng bị nhô hẳn ra ngoài xương ổ răng, lung lay răng và yếu răng.
Để điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ Ngọc và các đồng nghiệp phải lên kế hoạch chi tiết, cụ thể để điều trị, tránh để cho bệnh nhân tự ti, mặc cảm.
“Khi chỉnh nha cho bất cứ bệnh nhân nào chúng tôi đều yêu cầu kỹ thuật, chất lượng rất khắt khe. Để chỉnh nha trước hết chúng tôi phải chọn loại mắc cài nhập khẩu từ Mỹ và các nước đang phát triển khác. Ngoài ra chúng tôi còn trang bị cả máy chụp phim, thậm chí chụp 3D CT-Conbeam….
Đau hàm, chết tủy sau khi niềng răng
Một số bệnh nhân sau khi niềng răng một thời gian thì thấy hàm đau, sưng lợi, chân răng hở khiến việc ăn uống trở nên khó khăn. Nguyên nhân là do đeo niềng không đúng cách dẫn đến chết tủy, răng lung lay và rất dễ rụng.
Dị ứng với chiếc niềng răng
Một chiếc niềng răng thông thường được làm từ niken, coban và thép. Mặc dù không có nhiều người bị dị ứng với kim loại này, nhưng những trường hợp hy hữu vẫn xảy ra và một cô bé tại Mỹ đã suýt mất mạng vì chiếc niềng răng của mình.
Theo Trí thức trẻ, Kennedy Odom (16 tuổi) đến từ Tennessee (Mỹ), đã bắt đầu niềng răng từ tháng 2 năm 2015. 9 tháng sau, Kennedy đã bắt đầu bị đau đầu. Những triệu chứng dị ứng đã nhanh chóng xảy ra tiếp theo như sốt, sưng tấy đỏ ở môi, đau họng… Tuy nhiên, các bác sĩ chỉ chẩn đoán cô bé bị viêm họng và kê thuốc kháng sinh, điều này đã làm cho những triệu chứng dị ứng của Kennedy không hề thuyên giảm mà còn nặng hơn, khiến cơ thể cô bé bị suy nhược nặng nề.
Mãi đến về sau, một thành viên trong gia đình nhận thấy rằng, những triệu chứng sưng tấy môi, mụn nước chỉ xuất hiện xung quanh vùng miệng nên đã yêu cầu các bác sĩ kiểm tra. Kết quả cho thấy cô bé bị dị ứng niken từ chính chiếc niềng răng trong miệng. Chiếc niềng răng được tháo bỏ và các triệu chứng trên của Kennedy đã thuyên giảm ngay lập tức.