“Ô tô điên” đang trở thành "nỗi ám ảnh" của không ít người tham gia giao thông, khiến mỗi lần nhắc đến ai cùng phải rùng mình ghê sợ. Trong quý I năm 2019, hàng loạt những vụ tai nạn giao thông xảy ra mà nguyên nhân bắt nguồn từ việc ý thức kém, sử dụng rượu bia, chất cấm...
Hiện trường vụ ô tô điên gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng khiến một phụ nữ quét rác tử vong ngày 23/4.
Mới đây nhất vào ngày 22/4, 10 vụ tai nạn giao thông liên tiếp xảy ra chỉ trong vài tiếng. Người dân và dư luận chưa hết bàng hoàng và bức xúc trước vụ việc xe “ô tô điên” gây tai nạn liên hoàn ở đường Láng (Hà Nội).
Vụ tai nạn nghiêm trọng trên khiến một nhân viên vệ sinh môi trưởng tử vong tại chỗ, làm bị thương 5 người điều khiển xe máy và 1 ô tô hư hỏng nặng. Nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn là do người điều khiển ô tô đã sử dụng rượu bia, không còn ý thức và không làm chủ được bản thân khi tham gia giao thông.
Người đàn ông mang “ma men” giải trình với công an: Do nhà có đám cưới nên đã uống 5-7 ly rượu.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, quý I năm 2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người, trong đó nguyên nhân do sử dụng rượu bia gây tai nạn chiếm 1,47%.
Tức là bình quân mỗi ngày có 21 người chết vì tai nạn giao thông. Những con số trên được đánh giá là đã giảm so với cùng kì năm 2018 nhưng nó chẳng thể làm yên lòng những người tham gia giao thông bởi lẽ tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng qua từng vụ tai nạn giao thông lại có chiều hướng gia tăng.
Từ đầu năm 2019, những vụ tai nạn giao thông do lái xe ô tô gây ra được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều người vẫn còn bị ám ảnh vụ việc xe container “hất bay” hàng chục xe máy tại Long An, xe tải tông chục xe máy tại Bình Tân (Hồ Chí Minh) hay ô tô điên mất lái gây tai nạn liên hoàn ở Hải Dương…
Phần lớn các vụ tai nạn đều gây ra hệ lụy đau lòng bởi không chỉ có xe ô tô tự gây tai nạn mà nó còn kéo theo nhiều phương tiện khác khi đang cùng di chuyển. Hiện trạng “xe lớn nuốt xe bé” thật đáng báo động!
Những con số trên rõ ràng nói lên mức độ thiệt hại về vật chất và người là rất nghiêm trọng, còn về ý thức, không có một thước đó chính xác nào. Song song với việc thống kê thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, phải chăng chúng ta cũng cần nhìn nhận và có đánh giá mức đo cho những chuyển biến từ ý thức của người tham gia giao thông?
Khẩu hiệu “Đã uống rượu bia thì không lái xe” đã nằm lòng với người ngồi sau vô lăng nhưng tại sao đến bây giờ, “vô lăng tử thần” lại có chiều hướng tăng lên? Chúng ta không thể đổ lỗi cho rượu bia. Nếu không muốn uống và ý thức không uống thì sẽ chẳng ai có thể ép. Ngày vui bên chén rượu chai bia có đem lại niềm vui trọn vẹn hay không khi ngay sau đó là những chếnh choáng trên đường về và là những tổn thương một đời?
Mỗi người tham gia giao thông nên ý thức được rằng, tham gia giao thông không chỉ để đảm bảo an toàn cho bản thân mình mà còn là sự an toàn cho những người xung quanh.
Những người cùng tham gia giao thông có thể xa lạ, nhưng họ còn có gia đình và người thân. Người công nhân vệ sinh môi trường kia là người con gái tần tảo của bà mẹ 78 tuổi, là mẹ nghèo của hai đứa trẻ còn đang tuổi đi học và là chỗ dựa cho các anh chị em.
Chỉ vì những chén vui nhất thời mà đưa đến hậu quả ảnh hưởng cả đời cho một số phận khác là điều đáng bị lên án và không thể bao biện được! Những con số có thể biến động lên xuống theo thời gian còn những vết thương lòng sẽ còn âm ỉ mãi.
Đẩy lùi tai nạn giao thông là một quá trình lâu dài với sự tham gia của toàn xã hội. Các văn bản pháp luật đã được hoàn thiện và cần được áp dụng nghiêm túc, chặt chẽ trên thực tế. Đó phải là những quy định xử lí nghiêm khắc với những ai cố tình làm trái quy định, coi thường tính mạng của bản thân và mọi người. Như trong các sự việc tài xế sử dụng rượu bia rồi lái xe, cho dù đã gây tai nạn hay chưa thì việc phát hiện và xử lí ngày lập tức là hợp lí bởi nếu không, bao nhiều người vô tội sẽ trở thành nạn nhân “dự bị”.
Việc áp dụng các biện pháp nghiêm khắc ngay từ đầu sẽ tạo ra sự đồng bộ, đảm bảo “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đó là siết chặt khâu đào tạo cấp bằng lái xe và học nâng cáo nhận thức về luật giao thông.
Mỗi người tham gia giao thông, dù ở độ tuổi nào cũng cần được học và có ý thức về việc bảo vệ bản thân và không đem lại nguy hiểm cho người khác. Tham gia giao thông an toàn là một quá trình học hỏi dài mà trong đó, mỗi ngày an toàn là một ngày ý nghĩa.
Xã hội ngày càng phát triển và nhận thức của con người cũng từ đó mà được hoàn thiện hơn. Với sự phát triển của khoa học công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những tối ưu hóa về vật chất hạ tầng cơ sở. Tuy nhiên điều cần làm bây giờ để hoàn chỉnh bức tranh an toàn giao thông đó là nâng cao ý thức của con người nhằm xây dựng một văn hóa giao thông an toàn và văn minh.