Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 203/2015/TT-BTC thay thế cho Thông tư 74/2011/TT-BTC hướng dẫn giao dịch trên thị trường chứng khoán.
So với Thông tư 74 được ban hành 4 năm trước đây, Thông tư 203/2015 có nhiều điểm mới được kỳ vọng sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường và tăng tính hấp dẫn của TTCK Việt Nam.
Đây là văn bản được chờ đợi từ lâu bởi kỳ vọng thanh khoản và tính hấp dẫn của TTCK sẽ tăng khi khắc phục nhiều hạn chế trong cơ chế giao dịch hiện hành. Thông tư 203 bao gồm 3 Chương, 17 Điều và 2 Phụ lục, với nhiều điểm mới so với Thông tư 74 hiện hành.
Có nhiều điểm mới
Thông tư 203 đã bổ sung thêm các thuật ngữ mới như: Giao dịch trong ngày, giao dịch mua bán bắt buộc, giao dịch chứng khoán chờ về.
Về quy định chung về tài khoản giao dịch chứng khoán (Điều 7 khoản 7), Thông tư 203 quy định rõ việc mở tài khoản giao dịch của công ty chứng khoán (CTCK), công ty quản lý quỹ, doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng giám sát là thành viên tạo lập thị trường...
Điều này được bổ sung để phù hợp quy định chung về mở tài khoản giao dịch chứng khoán; thời gian được phép để cấp lại mã tài khoản đã đóng trước đó.
Đặc biệt, nếu Thông tư 74 quy định, nhà đầu tư (NĐT) chỉ được sử dụng 1 tài khoản để thực hiện giao dịch ngược chiều cùng 1 loại chứng khoán; không được đồng thời đặt lệnh vừa mua vừa bán trong từng lần khớp lệnh, chỉ được thực hiện khi lệnh trước đã khớp, thì Thông tư mới quy định lại theo hướng cho phép các NĐT được thực hiện cùng mua cùng bán, phù hợp thông lệ quốc tế.
Đồng thời, cho phép bán chứng khoán chờ về...; quy định CTCK không được thanh toán, nhận thanh toán giao dịch chứng khoán bằng tiền hoặc chuyển khoản cho bên thứ 3.
Cụ thể, Thông tư 203 bỏ quy định NĐT chỉ được sử dụng 1 tài khoản để thực hiện giao dịch ngược chiều cùng 1 loại chứng khoán và cho phép NĐT được phép đặt lệnh vừa mua vừa bán trong từng lần khớp lệnh liên tục (nhưng không được phép đợt khớp lệnh định kỳ xác định giá đóng/mở cửa).
Cùng với đó, Thông tư 203 bổ sung thêm quy định cho chặt chẽ, phù hợp các quy định khác có liên quan đến giao dịch cổ phiếu quỹ.
Theo đó, tối thiểu 7 ngày làm việc trước khi thực hiện giao dịch cổ phiếu quỹ, tổ chức phát hành phải thực hiện công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu quỹ.
Đồng thời, nghiêm cấm tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán (SGDCK) công bố thông tin về các giao dịch mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ nhưng không thực hiện đặt lệnh giao dịch trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ; hoặc đặt lệnh giao dịch với các mức giá nằm ngoài biên độ dao động giá trong thời gian đăng ký giao dịch cổ phiếu quỹ.
Nghiêm cấm tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch trên SGDCK công bố thông tin về các mức giá dự kiến thực hiện khi giao dịch cổ phiếu quỹ.
Thông tư cũng bổ sung quy định về nguyên tắc xác định giá và các hình thức chào bán cổ phiếu quỹ dưới dạng chào bán riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng theo quy định pháp luật.
Song song với đó, nhằm đảm bảo CTCK có tình trạng tài chính tốt nhất để tham gia cung cấp dịch vụ giao dịch ký quỹ và tiến tới giao dịch trong ngày, Thông tư 203 quy định lại về tiêu chí CTCK được phép cung cấp giao dịch ký quỹ: Không lỗ lũy kế ≥ 50% vốn điều lệ; tỷ lệ tổng nợ/vốn chủ sở hữu không vượt quá 3 lần; vốn khả dụng tối thiểu 220% liên tục trong 1 năm. Thông tư cũng không cho phép NĐT nước ngoài được giao dịch ký quỹ.
Bên cạnh đó, Thông tư 203 cũng có thêm các quy định mới mà Thông tư hiện hành chưa có như: Quy định về giao dịch trong ngày, quy định về hỗ trợ thanh toán đối với giao dịch trong ngày, quy định tạo lập thị trường, giao dịch chứng khoán của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
"Là một sản phẩm mới tạo nghiệp vụ, giúp tăng tần suất giao dịch"
Ông Nguyễn Sơn - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường trong nước khẳng định điểm nổi bật của Thông tư mới là cho phép mua bán chứng khoán trong ngày và bán chứng khoán chờ về.
Trên thực tế, việc này khá phức tạp và nhiều nước không khuyến khích. Đặc biệt tại Việt Nam, hệ thống pháp luật còn nhiều điểm chưa chặt chẽ nên chứa đựng nhiều rủi ro.
"Thực chất đây chỉ là một sản phẩm mới tạo nghiệp vụ, giúp tăng tần suất giao dịch, từ đó đẩy thanh khoản thị trường tăng mạnh.
Bình thường mua T+3 hay T+2 phải đợi chứng khoán về tài khoản mới bán được, nay có thể giao dịch trong ngày, thậm chí bán khi chứng khoán chưa về nên tạo hiệu hứng đòn bẩy, có ít tiền nhưng có thể giao dịch được nhiều hơn", ông Sơn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Thông tư 203 cũng quy định công ty chứng khoán được phép cho khách hàng vay giao dịch ký quỹ phải không thuộc diện cảnh báo, kiểm soát đặc biệt.
Các công ty này cũng không được lỗ luỹ kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ, có tỷ lệ vốn khả dụng phải đạt theo quy định pháp luật chứng khoán về an toàn tài chính, tỷ lệ tổng nợ trên vốn khả dụng không quá 3 lần; không bị sáp nhập, giải thể, ngừng hoạt động… Ý kiến kiểm toán tại báo cáo tài chính năm gần nhất phải là chấp thuận toàn phần.
Vốn chủ sở hữu của các công ty cũng không thấp hơn vốn pháp định, đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu, trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro…
Ông Nguyễn Sơn cho rằng việc quy định chặt chẽ trong ngày sẽ tạo ra một cuộc sàng lọc lớn với các công ty chứng khoán khi Thông tư 203 có hiệu lực.
Theo đó các công ty làm ăn yếu kém sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi, tạo ra xu hướng dịch chuyển nhà đầu tư từ các công ty yếu kém này sang các công ty lớn có hiệu quả đầu tư tốt hơn, giảm thiểu rủi ro khi áp dụng
Việc cho phép bán chứng khoán trong ngày được đánh giá là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, trong trường hợp cần thiết, Ủy ban chứng khoán Nhà nước có quyền yêu cầu tạm ngừng các giao dịch trong ngày.