Với lý do, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, thịt mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách nước ngoài và những người nước ngoài đến sinh sống, làm việc ở Thủ đô, ảnh hưởng đến hình ảnh một thủ đô văn minh, hiện đại.
Ngoài ra, những người tham gia giết mổ và sử dụng thịt chó, thịt mèo còn có nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo, truyền nhiễm như dại, tả, xoắn khuẩn...
Dư luận ồn ào, là vì ăn thịt chó đã trở thành một nét trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Hình ảnh “một ao rượu đậu, một sân chó vàng”, đã trở thành giấc mơ của không ít bợm nhậu đất Việt. Nhiều người còn nâng việc ăn thịt chó lên hàng “quốc túy” của dân tộc.
Ở Hà Nội, việc ăn thịt chó càng được thịnh hành. Từ chợ cóc, chợ xanh cho đến các chợ lớn ở các quận, huyện, không chợ nào không có một vài quầy thịt chó, cả chó sống lẫn chó chín. Không làng nào không có một vài quán thịt chó.
Đã có một thời, phố Nhật Tân được mệnh danh là “liên hiệp các xí nghiệp thịt chó Việt Nam”, với hàng chục quán thịt chó, quán nào quán nấy nườm nượp người ăn suốt từ 11, 12 giờ trưa tới 9, 10 giờ đêm. Có những xã, Tết âm lịch nào cũng tiêu thụ ít nhất là 4 tấn thịt chó như xã Yên Trường, huyện Chương Mỹ.
Tại Hà Nội, theo thống kê, có 1.013 cơ sở giết mổ thịt chó, trong đó có cả những làng mà cả làng làm nghề giết mổ chó như làng Cao Hạ, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, mỗi ngày cho “ra lò” hàng tấn thịt chó.
Nếu bình quân mỗi ngày, một cơ sở giết mổ chỉ cho “ra lò” một tạ thịt chó thôi, thì mỗi ngày, dân Thủ đô xơi hết 100 tấn thịt chó thành phẩm. Quả là một sức ăn khủng khiếp.
Việc giết mổ chó, mèo một cách dã man, việc bày bán những con chó, con mèo thui vàng nguyên con, tênh hênh ở các chợ mà không có bất cứ thứ gì che đạy, dưới mắt những người nước ngoài đến Hà Nội sống và làm việc hay du lịch, quả là rất phản cảm, thậm chí ghê tởm.
Đã có không ít tổ chức bảo vệ động vật lên tiếng phản đối. Ở nhiều nước, việc ăn thịt chó đã bị cấm từ lâu. Bởi ở các nước đó, chó được coi là con vật có tình có nghĩa, gắn bó thân thiết nhất đối với con người.
Việc bảo vệ chó, mèo đã được luật hóa. Vì vậy giết chó, giết mèo là phạm pháp. Những người tham gia giết một chó, mèo bị phạt rất nặng, thậm chó còn bị đi tù.
Riêng ở Việt Nam, thì đây là lần đầu tiên, chính quyền một địa phương có văn bản khuyến cáo người dân nên từ bỏ thói quen ăn thịt chó, thịt mèo.
Việc làm đó của UBND Thành phố Hà Nội rất đáng hoan nghênh, cần được nhân rộng, trở thành một phong trào rộng rãi trên cả nước. Và từ tuyên truyền, dần dần sẽ tiến tới luật hóa, như là việc cấm đốt pháo vậy.