Trên “đại công trường” dự án đường cao tốc Bắc-Nam, luôn có sự đồng hành của Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự kiên gan, bền chí vượt qua áp lực của cán bộ, kỹ sư, người lao động, nhà thầu…

Hành trình “chạy đua” tiến độ

Những ngày cuối cùng của năm 2024, thu xếp công việc cơ quan gọn gàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) Lê Thắng “xách ba-lô” rời Hà Nội đến công trường dự án đường cao tốc Quảng Ngãi-Hoài Nhơn, do Ban làm chủ đầu tư, được tổ chức, quản lý theo hình thức Tổng thầu. Những chuyến đi công trường dày đặc trong năm của vị giám đốc ban không chỉ đơn thuần nắm bắt tình hình thi công, làm việc với địa phương gỡ khó cho dự án, mà còn động viên, khích lệ anh em “bám trận địa” đầy gian truân thử thách.

Đoạn Quảng Ngãi-Hoài Nhơn dài hơn 88 km, đi qua hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định, có tổng mức đầu tư và quy mô lớn nhất trong 12 dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn II (gần 20.500 tỷ đồng). Mỗi ngày thức dậy, các kỹ sư, cán bộ Ban điều hành dự án lại bắt đầu chuỗi thời gian làm việc liên tục 13-14 giờ, hết làm việc với địa phương giải quyết vấn đề phát sinh trong giải phóng mặt bằng, lại đi kiểm tra hiện trường, rồi tranh thủ làm hồ sơ nội nghiệp để nhanh chóng giải ngân,... Có những người, mỗi tháng chỉ tranh thủ về nhà được 4-5 ngày.

“Áp lực công việc quá lớn, nhiều người không chịu nổi phải rời bỏ công trường. Trong năm qua, có tới 5 Trưởng ban điều hành xin nghỉ hoặc chuyển dự án do cường độ công việc quá lớn. Với cương vị người đứng đầu ban, tôi phải thường xuyên có mặt ở hiện trường để đồng hành, chia sẻ với anh em”, ông Lê Thắng thổ lộ. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, dự án được “chốt hạn” về đích trong năm 2025, nhưng từ tháng 10/2024 đến nay, khu vực Quảng Ngãi, Bình Định mưa ròng rã, chủ đầu tư và các nhà thầu phải tận dụng triệt để từng giờ để tăng tốc thi công các hạng mục nền đường, cầu, hầm xuyên núi,… nhằm đuổi kịp tiến độ.

“Nước rút” nối thông tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Ông Bùi Nhật Hiển, Giám đốc Ban điều hành dự án cho hay, trên công trường, các nhà thầu đang triển khai 50 mũi thi công, huy động hơn 4.000 nhân sự, hơn 1.750 máy móc thiết bị tham gia. Cả 3 gói thầu (XL01, XL02, XL03) đều tổ chức “3 ca, 4 kíp”; riêng hạng mục hầm, nhà thầu thi công liên tục 24/24 giờ, làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Vượt qua gian nan mặt bằng, bất thuận thời tiết, năm 2024, dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn đã thu được những kết quả tích cực sau những nỗ lực không mệt mỏi của chủ đầu tư, nhà thầu. Từ tháng 6 đến tháng 8/2024, mặt bằng được tháo gỡ, cao điểm có những tháng, giá trị sản lượng trên hiện trường đạt 500 tỷ đồng, gấp 1,5-2 lần những tháng trước đó.

Nhìn rộng ra toàn dự án đường cao tốc Bắc-Nam, trong năm 2024, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành, đưa vào khai thác 7 dự án, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc cả nước lên 2.021 km; quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu tổ chức triển khai, phấn đấu hoàn thành 3.000 km vào năm 2025. Năm 2024, Bộ Giao thông vận tải được giao gần 75.500 tỷ đồng vốn đầu tư công, đến hết tháng 12/2024, Bộ đã giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch.

Quyết tâm hoàn thành 3.000 km đường cao tốc

Chia sẻ về hành trình “chạy đua” tiến độ thi công của dự án đường cao tốc bắc-nam (giai đoạn II), một lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhận định: Trong thời gian qua, dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Chính phủ. Trực tiếp Thủ tướng Chính phủ đã dành hàng chục lần thị sát dự án và gỡ khó, đôn đốc tiến độ, những “nút thắt” về mặt bằng, vật liệu từng bước được tháo gỡ, nhà thầu có đủ điều kiện tăng tốc thi công các hạng mục. Mặt bằng thông, vật liệu đủ, các nhà thầu tại 10 dự án thành phần, đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đã tăng ca kíp, xoay chuyển tình thế, nhiều dự án rút ngắn tiến độ từ 3 đến 6 tháng.

Sau khi Thủ tướng phát động đợt thi đua “500 ngày đêm”, các công trường bổ sung nhân lực, phương tiện tăng từ 1,2-1,5 lần, luân phiên thi công bất kể ngày đêm. Tận mắt chứng kiến cảnh công nhân căng bạt giữa trời mưa, thi công khe co giãn trên bản mặt cầu mới cảm nhận rõ tinh thần “vượt nắng, thắng mưa” không chỉ là khẩu hiệu mà đã cụ thể hóa bằng từng hành động sáng tạo. Ở mỗi công trường, đã có những “mệnh lệnh từ trái tim”, hy sinh niềm vui cá nhân của mỗi công nhân, có cả những chủ doanh nghiệp sẵn sàng tâm thế hy sinh lợi nhuận, bỏ thêm chi phí, thay đổi giải pháp thi công nhằm sớm thông con đường huyết mạch.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, 2025 là năm tăng tốc đột phá về đích, có ý nghĩa rất quan trọng thực hiện phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2021-2025). Toàn ngành hạ quyết tâm cao nhất thực hiện tốt các nhiệm vụ, kế hoạch được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030) đã đề ra. Bộ phấn đấu hoàn thành 50 dự án, “nối thông” tuyến đường bộ cao tốc bắc-nam và cùng các địa phương hoàn thành một số dự án đường bộ cao tốc, nhằm hoàn thành mục tiêu cả nước đưa vào khai thác 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025,...

Sau gần 20 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia phát triển, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thực tiễn nước ta, Bộ Giao thông vận tải đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục bắc-nam và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 8, tháng 11/2024 vừa qua.

“Năm 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến được giao số vốn đầu tư công rất lớn (87 nghìn tỷ đồng). Bộ sẽ triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tiếp tục gắn trách nhiệm người đứng đầu, đưa nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2025 đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc bộ”, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh nêu rõ.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, với sứ mệnh “đi trước mở đường”, ngành giao thông vận tải đã tạo ra sự kết nối của các lĩnh vực kinh tế, giữa các địa phương và các quốc gia. Là ngành phát triển hạ tầng, giao thông đi đến đâu, ấm no mở ra đến đó, cả 5 lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải, hàng không đều có bước phát triển đột phá.

Chỉ xét ở lĩnh vực đường bộ, trong gần 20 năm (từ năm 2021 trở về trước), cả nước mới đầu tư xây dựng gần 1.200 km đường bộ cao tốc, nhưng chỉ trong 3 năm (2021-2024), cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác hơn 800 km, đưa tổng chiều dài đường bộ cao tốc cả nước vượt qua “ngưỡng” 2.000 km.

Theo reatimes.vn

Nguồn: https://reatimes.vn/nuoc-rut-noi-thong-tuyen-cao-toc-bac-nam-202250105083527333.htm