Dù đã thu được kết quả tích cực trong phòng, chống “giặc” Covid-19 nhưng quá trình thực hiện cũng đã lộ ra những “gương mờ” ở một vài cán bộ, đảng viên, với lời nói, hành vi đi ngược lợi ích người dân và xã hội, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Điều này cho thấy, mầm mống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn lẩn khuất trong các cơ quan, đơn vị, địa phương. Phát hiện, loại trừ những “gương mờ” ra khỏi bộ máy công quyền là việc làm không dễ thực hiện, nhưng cần thiết.

1. Với cách làm xuất phát từ đặc trưng tâm lý con người, văn hóa lịch sử truyền thống và đặc điểm kinh tế - xã hội, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về kết quả phòng, chống dịch Covid-19. Giải pháp nhất quán là “Chủ động ngăn ngừa; phát hiện sớm, xử lý kịp thời, hiệu quả” không cho vi rút corona lan ra cộng đồng được thống nhất cao trong Bộ Chính trị và Chính phủ quán triệt, chỉ đạo xuống chính quyền các cấp. Từ quyết sách đúng đắn đó, nhân dân đồng lòng thực hiện dù phải hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt. Điều đáng nói là, sau Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các chỉ thị, chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã kích hoạt phẩm chất quý giá, cao đẹp tiềm ẩn trong mỗi người Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những gương sáng tiêu biểu, đặc biệt là các y, bác sĩ, lực lượng công an, quân đội… nơi tuyến đầu chống dịch, cũng đã xuất hiện những “gương mờ’. Trước tiên là sự việc đáng xấu hổ của ông Lưu Văn Thanh, lúc đó là Phó Chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản (tỉnh Bình Phước) đã không chấp hành quy định kiểm dịch, lại có lời lẽ, hành vi không đúng với lực lượng chức năng. Tiếp đó là phát ngôn “chợ búa” của Phó Chủ tịch UBND phường Bãi Cháy (thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) với người bán rau trong khi thực thi công vụ. Hay vụ việc 2 sĩ quan của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Vĩnh Long bị tạm đình chỉ công tác để điều tra, làm rõ sai phạm khi để người thuộc diện cách ly tụ tập ăn nhậu và vận động thu tiền. Gần đây nhất là việc cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” với 7 cá nhân thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan trong quá trình mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Trước hết phải khẳng định, đây là những “con sâu làm rầu nồi canh”, không phản ánh bản chất ưu việt của chế độ cũng như hình ảnh đại diện cho hàng vạn những tấm gương đang âm thầm cống hiến, hy sinh quên mình trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19 có thể bắt gặp ở bất cứ đâu. Nhưng đó cũng là bài học với những “công bộc” đang thực thi nhiệm vụ.

Có thể thấy, từ khi chuyển mạnh sang nền hành chính phục vụ, mở rộng dân chủ để người dân giám sát thì phong cách, tác phong làm việc của một số “công bộc” vốn nhiễm nặng chủ nghĩa cá nhân và cách làm cũ bị lộ ra. Thay vì quán triệt tư tưởng “dân là gốc”, họ lại hành xử theo tư tưởng “dân chi phụ mẫu”. Những quyết định kỷ luật rất nghiêm khắc cách đây không lâu với hai nguyên sĩ quan công an Lê Thị Hiền (nguyên cán bộ công tác tại Công an Quận Đống Đa, Hà Nội) hay Nguyễn Xô Việt (nguyên cán bộ công tác tại Công an thị xã Phổ Yên, Thái Nguyên) là chưa đủ “liều” để một số cán bộ, đảng viên sửa đổi. Những “gương mờ” bị xử lý cho thấy Đảng, Nhà nước không dung túng trước sai phạm của cán bộ, đảng viên, quyết làm trong sạch bộ máy công quyền.

Thực tế chứng minh, những việc càng liên quan nhiều đến lợi ích người dân thì giải quyết càng khó và cần tới sự bình tĩnh, sáng suốt; đặc biệt là cần có lời nói đúng mực, cử chỉ, hành vi phù hợp. Bởi mỗi phát ngôn gắn liền với hành vi ứng xử luôn được người dân giám sát, đặc biệt là với cán bộ, đảng viên đang thực thi nhiệm vụ ở cơ sở. Nếu không thực hiện tốt, đây là nguyên nhân trực tiếp phá hoại nền tảng đạo đức và các giá trị của xã hội; là lý do để các thế lực thù địch khai thác, khoét sâu chống phá, nhằm làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

2. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã chỉ ra hiện tượng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay. Một trong số đó là biểu hiện: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể”. Đây chính là nguyên nhân tạo nên những “gương mờ”. Vậy làm thế nào để hạn chế những “gương mờ” trong các cơ quan, đơn vị, địa phương?

Trước hết, để có nhiều gương sáng trong công tác, vấn đề quan trọng hàng đầu là các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kịp thời phát hiện sai phạm của cán bộ, đảng viên trong thực thi nhiệm vụ để kiên trì giáo dục và kiên quyết xử lý. Phương pháp xử lý kỷ luật cũng cần được cải tiến theo hướng “nhanh chóng, kịp thời, đúng người, đúng tội, hiệu quả giáo dục cao”, đúng với chủ trương “không có vùng cấm” mà Đảng ta đã xác định.

Thời gian gần đây, việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng đã có chuyển biến đáng ghi nhận. Hiện tượng “nhẹ trên nặng dưới” hay “xử lý nội bộ” đã giảm nhưng xem xét tổng thể thì tính kịp thời trong xử lý kỷ luật chưa đạt kỳ vọng của xã hội. Nhiều chuyên gia quản trị hành chính công cho rằng, bên cạnh khen thưởng đích đáng, kịp thời thì việc xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên sai phạm càng nhanh chóng, chính xác, dứt điểm bao nhiêu thì càng thể hiện sự chuyên nghiệp cao của bộ máy lãnh đạo, quản lý.

Thứ hai, cần từng bước cải tiến việc nhận xét, đánh giá cán bộ, đảng viên theo hướng thực chất, đúng tiêu chí, không “chạy theo tỷ lệ”. Muốn giải quyết tốt vấn đề này thì việc lượng hóa vị trí việc làm trong điều kiện biên chế giảm là rất quan trọng và cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy, dù quy trình đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên qua rất nhiều khâu, nhiều bước song tác dụng chưa cao. Thế nên trong thực tế xuất hiện hiện tượng nhận xét cán bộ làm công tác quản lý, lãnh đạo rất tốt nhưng khi cấp trên quyết liệt kiểm tra lại phát hiện vi phạm, thậm chí còn gây hậu quả nghiêm trọng.

Thứ ba, cần mở rộng dân chủ để không chỉ trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương mà cả nhân dân, cơ quan báo chí cũng có thể giám sát kết quả thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên. Đây là khâu cần tiếp tục cải tiến mạnh mẽ hơn nữa. Bởi lâu nay, nhiều cán bộ, đảng viên luôn có xu hướng “đầu tư” vào các mối quan hệ có thể đem lại lợi ích hơn là gắn bó với dân và giúp nhân dân giải quyết nhanh chóng những đòi hỏi bức xúc. Đặc biệt, nếu không mở rộng dân chủ, nếu không có sự giám sát từ nhân dân và nhất là sự phản ánh của các cơ quan báo chí thì rất dễ dẫn đến lợi dụng cơ chế để các cơ quan thông đồng, để đạt “lợi ích nhóm” thay vì phục vụ nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân của tinh thần “dĩ công vi thượng” từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Để phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, để có nhiều gương sáng thì phải tạo cho họ môi trường làm việc có nhiều “ánh sáng” thay vì làm việc trong “bóng tối” và biệt lập. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu hạn chế những “gương mờ” trong bộ máy công quyền từ Trung ương tới địa phương, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Theo Hà Nội Mới