Trước tình trạng số người ngộ độc và tử vong do rượu chứa methanol, rượu không rõ nguồn gốc ngày một gia tăng, UBND TP Hà Nội đã ra yêu cầu tổng rà soát, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu trên địa bàn thành phố trong thời gian từ 16/3-15/4. 

Điều đáng chú y là trong tổng số 25 bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol thời gian qua, có tới 9 bệnh nhân cư trú trên địa bàn quận Cầu Giấy. 

Ngay khi con số thống kê này được công bố, quận Cầu Giấy đã thành lập 12 đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra công tác sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.

Trong ngày 5/4, đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP số 1 của thành phố do Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung làm trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát công tác sản xuất, kinh doanh rượu tại quận Cầu Giấy.

Phát hiện nhiều loại rượu không rõ nguồn gốc tại cơ sở Gà Mạnh Hoạch (số 97 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa) - Ảnh: Sở  Y tế Hà Nội

Theo đó, trên địa bàn quận Cầu Giấy hiện có 1 cơ sở sản xuất rượu là Công ty cổ phần Vang Thăng Long (số 3 Lạc Long Quân, phường Nghĩa Đô) cùng 195 cơ sở kinh doanh rượu bia và trên 1.200 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Tại buổi kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và thu giữ 11,5 lít rượu táo mèo và rượu ba kích không rõ nguồn gốc tại cơ sở Gà Mạnh Hoạch (số 97 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa), tại cửa hàng Cây đề quán (21 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa) đoàn cũng thu giữ 40 lít rượu trắng không rõ nguồn gốc.

Được biết, trong đợt cao điểm từ ngày 16/3 - 4/4, cơ quan chức năng quận Cầu Giấy đã kiểm tra 634 cơ sở, phát hiện 78 cơ sở vi phạm, thu giữ và tiêu hủy hơn 5.300 lít rượu và tiến hành xử phạt hơn 117 triệu đồng.

Như vậy, trong quý I/2017, riêng quận Cầu Giấy đã kiểm tra trên 1.200 cơ sở, phát hiện 229 cơ sở vi phạm bị xử phạt với số tiền gần 940 triệu đồng.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, trong tháng cao điểm ra quân kiểm tra mặt hàng rượu, toàn thành phố đã thành lập gần 700 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra trên 5.400 cơ sở, thu hồi trên 55 nghìn lít rượu, tiêu hủy 20 nghìn lít rượu không rõ nguồn gốc, xử phạt hành chính 733 cơ sở với số tiền gần 1,3 tỷ đồng.

Trước đó, vào giữa tháng 3/2017, Bộ trưởng Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và siết chặt quản lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, nhằm giảm thiểu các thiệt hại do ngộ độc thực phẩm gây ra, bảo đảm an toàn tính mạng người tiêu dùng.

Theo Châu Anh (Tổng hợp)/Reatimes