Lời dẫn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Vừa qua, người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã phản ánh rất nhiều thông tin các dự án khủng, công trình xây dựng sai phép, phá vỡ quy hoạch đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cảnh quan phố cổ tới báo chí.

Ngày 15/5/2020, phóng viên (PV) đã ghi nhận thực tế trên địa bàn quận Hoàn Kiếm các điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng tại các tuyến phố cổ. Cụ thể: Số 64 Hàng Bè, số 15 Phố Cầu Gỗ phường Hàng Bạc; số 33 Lương Văn Can phường Hàng Đào; 41 - 43 phố Hàng Gai phường Hàng Bông; số 1 ngõ 2 Hàng Khoai, số 5 Hàng Chiếu phường Đồng Xuân. Các dự án, công trình nêu trên đang được xây dựng mật độ 100%, có chiều cao vượt trội, gây ô nhiễm môi trường trong quá trình thi công. 

Theo thông tin PV điều tra có được, các dự án, công trình nằm trên địa bàn các phường Hàng Bạc, Hàng Bông, Đồng Xuân được xây dựng cấp phép nhà ở riêng lẻ, nằm trên các tuyến phố cổ có quy định rõ ràng về chiều cao, mật độ, thiết kế... 

Thế nhưng, không rõ bằng cách nào mà những công trình, dự án này lại có thể xây dựng "khác biệt" và đi vào hoạt động mà không bị đơn vị, cơ quan chức năng xử lý.

Công trình siêu khủng nằm ngay mặt phố  có địa chỉ số 33 Lương Văn Can, phường Hàng Đào...

Chia sẻ thông tin với PV, chị V.A sống tại phường Hàng Đào cho biết: “Ở phố cổ có Ban quản lý riêng, xây dựng xin cấp phép hay muốn làm cao hơn thì gặp thanh tra xây dựng. Tôi không rõ việc xây dựng này quy định thế nào, nhưng với kiến trúc lôm côm nhìn không thẩm mỹ. Nói chung nhà cao nhà thấp, có cái cao chót vót trông buồn cười lắm”.

Theo thống kê của Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm, số lượng các công trình vi phạm tồn đọng trong thời gian từ năm 2015 đến 2018 là 18 trường hợp, trong đó có nhiều trường hợp nhà ở riêng lẻ đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ lâu, gây không ít khó khăn cho công tác xử lý vi phạm. UBND quận cũng tiến hành kiểm điểm, xử lý kỷ luật và luân chuyển công tác đối với lãnh đạo một số phường để xảy ra nhiều trường hợp vi phạm trật tự xây dựng như phường Hàng Trống, phường Hàng Buồm. Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị cũng tiến hành kiện toàn, luân chuyển 26 cán bộ tại các tổ. 

“Chúng tôi cần làm nhà, hay sửa sang thôi cũng cần xin phường cấp phép. Xây dựng ra sao có đúng thiết kế hay không thì tuỳ chủ đầu tư nhưng luôn được cơ quan chức năng địa phương giám sát vô cùng kỹ càng. Không biết vì sao mấy nhà này xây dựng như thế mà không bị làm sao?”, anh Đ.M - nhà ở phường Đồng Xuân chia sẻ.

Công trình số 15 Phố Cầu Gỗ trơ trọi với chiều cao nổi trội giữa dãy phố cổ và công trình số 64 Hàng Bè đang tiến hành xây dựng , tiếp tục lên tầng.

Từ những thông tin người dân phản ánh, PV đã có buổi làm việc trao đổi với ông Vũ Tuấn Trung, Đội trưởng Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hoàn Kiếm. Ông Trung cho biết, công trình số 5 Hàng Chiếu, số 1 ngõ 2 Hàng Khoai phường Đồng Xuân là có sai phạm, đã giao cho UBND phường Đồng Xuân xử lý, tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Công trình số 15 Cầu Gỗ đã được đưa vào sử dụng từ lâu nên ông Trung trả lời không nắm được. 

Các dự án, công trình còn lại ông Trung hẹn PV cung cấp thông tin vào buổi làm việc khác. Tuy nhiên, sau nhiều ngày PV liên hệ ông Trung đều nói bận họp.

Dự án có địa chỉ số 41 - 43 phố Hàng Gai, phường Hàng Bông đang được thi công gấp rút, xây dựng với chiều cao khủng.

Trong khi đó, các công trình vẫn ngày đêm thi công, gấp rút hoàn thiện đưa vào sử dụng, hoạt động kinh doanh. 

Trước đó, ngày 24/10/2013, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc “Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội”. Trong đó, vai trò của Khu phố cổ được nhấn mạnh: “Là di tích cấp Quốc gia có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Phần lớn nhà ở có tổ chức không gian hình ống, với các lớp công trình có sân xen kẽ, có mái dốc lợp ngói”. 

Quyết định số 6398/QĐ-UBND cũng nêu rõ, các công trình mặt phố cổ đều không được phép cao quá 12m, lớp nhà mặt phố được phép xây từ 1 - 3 tầng, tương đương 6 - 12m; lớp phía sau từ 2 - 4 tầng, tương đương 10 - 16m, khoảng lùi tối thiểu của lớp sau là 4 - 6m...

Hai công trình số 5 Hàng Chiếu, số 1 ngõ 2 Hàng Khoai phường Đồng Xuân được TTXD quận Hoàn Kiếm chỉ rõ về sai phạm khi xây dựng không đúng với giấy phép được cấp.

Trong danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ đã quy định chi tiết về mật độ, số tầng cao được phép xây dựng và khoảng lùi công trình.

Cuối tháng 04/2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Công văn số 553/UBND-VP, chỉ đạo xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Theo đó, việc xử lý dứt điểm các công trình vi phạm TTXD nhằm đảm bảo kỷ cương hành chính và tuân thủ nghiêm quy định pháp luật trong công tác quản lý TTXD trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.

UBND quận Hoàn Kiếm giao Chủ tịch UBND 18 phường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động xây dựng trên địa bàn, kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng và đình chỉ tuyệt đối nếu phát hiện sai phạm, đồng thời, giám sát chặt chẽ không để tiếp tục phát sinh vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo UBND quận, Phòng Quản lý Đô thị, Đội Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm những vấn đề vượt quá thẩm quyền, những bất cập và các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện để điều chỉnh kế hoạch theo quy định.

UBND quận Hoàn Kiếm giao Đội Thanh tra Xây dựng quận tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và thiết lập hồ sơ xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng ngay từ ban đầu. Không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới, phối hợp với UBND các phường tập trung xử lý dứt điểm các công trình vi phạm TTXD trên địa bàn, đặc biệt là các vi phạm tồn đọng.

Phòng Quản lý Đô thị quận tiếp tục nâng cao chất lượng công tác cấp phép xây dựng, kiểm tra, đôn đốc UBND các phường trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 01/06/2017 của UBND Thành phố. Phối hợp với Đội Thanh tra Xây dựng quận Hoàn Kiếm tổng hợp kết quả xử lý, các khó khăn vướng mắc, bất cập, những vấn đề vượt quá thẩm quyền của UBND các phường, báo cáo quận ủy, UBND quận chỉ đạo giải quyết.

Bên cạnh đó, UBND quận Hoàn Kiếm cũng giao Ban quản lý phố cổ Hà Nội thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các công trình vi phạm các quy định bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ, có văn bản yêu cầu UBND phường để xảy ra các công trình vi phạm TTXD phải có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định; phối hợp với UBND các phường trong khu phố cổ, phòng Quản lý Đô thị, Đội Thanh tra Xây dựng quận xử lý các vi phạm TTXD trong khu vực phố cổ Hà Nội.

Trước thông tin hàng loạt các công trình, dự án đã và đang xây dựng có nhiều dấu hiệu sai phạm, vi phạm xây dựng rất cần các đơn vị của UBND quận Hoàn Kiếm nói chung và UBND các phường nói riêng sớm thanh tra, kiểm tra, đưa ra các biện pháp khắc phục và xử lý. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể đã buông lỏng quản lý khi để xảy ra sai phạm.

Tháng 5/2019, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký văn bản gửi các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu siết lại kỷ cương, trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường sự chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát trách nhiệm của Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị, Trưởng phòng TN-MT, Trưởng phòng QLĐT, trách nhiệm của UBND và chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trong quản lý TTXD, đảm bảo tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn phải được kiểm tra kiên quyết, xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm ngay từ khi mới phát sinh, không để công trình vi phạm xây dựng hoàn thiện đưa vào sử dụng mới xử lý, cưỡng chế.

Văn bản cũng nêu rõ: Trách nhiệm trước hết thuộc về người đứng đầu các xã phường, nếu để xảy ra vi phạm sẽ bị đình chỉ công tác. “Trường hợp cần thiết, có thể tạm dừng công tác điều hành của các chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn cho đến khi xử lý xong vi phạm”


Theo Hàn Vi/ Đô thị mới