Dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn.
Cùng tham gia buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo một số ban, ngành.
Về phía Thành đoàn Hà Nội có đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội và các đồng chí trong Thường trực Thành đoàn Hà Nội.
Nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo kết quả 10 năm thực hiện Quy chế cán bộ Đoàn ban hành kèm theo Quyết định 289 ngày 8 tháng 2 năm 2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Chu Hồng Minh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên thành phố Hà Nội nhấn mạnh:
Thành đoàn Hà Nội đã cụ thể hóa Quy chế cán bộ đoàn bằng việc tiếp tục triển khai Kế hoạch số 23-KH/TNHN ngày 7/2/2009 của Ban Thường vụ Thành đoàn về việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và Chương trình hành động số 01-CTr/TU của Thành ủy; tổ chức quán triệt đến 100% các cơ sở Đoàn trực thuộc. Thành đoàn Hà Nội cũng định kỳ làm việc với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đoàn cơ sở về chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, trong đó có công tác cán bộ đoàn; tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành các chỉ thị về lãnh đạo đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thành phố nhiệm kỳ 2012-2017.
Các Đoàn cơ sở trực thuộc và cán bộ trong đơn vị, chủ động tham mưu với cấp ủy chỉ đạo, chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan cụ thể hóa các nội dung của Quy chế cán bộ đoàn để thực hiện.
Từ khi triển khai thực hiện Quy chế đến nay, đội ngũ cán bộ đoàn được nâng cao về phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của công việc. Việc thực hiện đổi mới phong cách và phương pháp làm việc của đội ngũ cán bộ Đoàn các cấp gắn với Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với phương châm “Nói đi đôi với làm”...
Công tác cán bộ Đoàn các cấp từ thành phố đến cơ sở có nhiều chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ đoàn được trẻ hóa, cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Quy chế cán bộ đoàn, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác Đoàn trong tình hình mới.
Công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ Đoàn ứng cử, bố trí sử dụng cán bộ Đoàn khi hết tuổi, chế độ, chính sách cho cán bộ Đoàn được cấp ủy Đảng quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế: Việc thực hiện các tiêu chuẩn của cán bộ đoàn quy định theo Quy chế ở một vài nơi còn chưa đồng bộ; một số cán bộ đoàn chuyên trách chậm được bố trí công tác khác hoặc việc bố trí công tác khác gặp nhiều khó khăn.
Với những kết quả đã đạt được, đồng chí Nguyễn Ngọc Việt, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội khẳng định: Sau 10 năm thực hiện, Quy chế cán bộ đoàn đã đi vào cuộc sống và được cấp ủy quan tâm; bố trí các buổi đối thoại để tháo gỡ khó khăn, trong đó có công tác cán bộ đoàn. Việc luân chuyển, đào tạo cán bộ trẻ đã có chuyển biến rõ nét.
Cán bộ Đoàn là nội dung quan trọng của công tác cán bộ Đảng
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng biểu dương sự chủ động trong khảo sát thực hiện Quy chế cán bộ đoàn của Trung ương Đoàn, công tác chuẩn bị của Thành đoàn Hà Nội cũng như ý kiến của lãnh đạo các ban đảng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy khẳng định, Thành ủy Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm đến việc tạo điều kiện cho cán bộ Đoàn hoạt động. Công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ Đoàn nói riêng luôn đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Công tác tuyển dụng, quy hoạch tới, đánh giá cán bộ đều được thực hiện đa chiều, từ đó luân chuyển, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử và ra quyết định khen thưởng, kỷ luật rất sát với thực tế.
Trong 10 năm nay, Thành ủy không chỉ dành tình cảm quan tâm đặc biệt mà còn xây dựng nhiều cơ chế, chính sách cho cán bộ Đoàn. Bên cạnh đó, các kiến nghị đề xuất của Thành đoàn đều được quan tâm giải quyết. Kết quả đạt được trong việc thực hiện Quy chế cán bộ đoàn có trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, vai trò tham mưu của Thành đoàn và cơ sở.
Từ công tác Đoàn đã có nhiều cán bộ được rèn luyện và trưởng thành. Các hoạt động cũng thể hiện rõ nét vai trò của thanh niên như trong xây dựng Nông thôn mới, vệ sinh môi trường.
Đặc biệt, thời gian dịch bệnh Covid -19 xảy ra, Thành đoàn Hà Nội đã có nhiều giải pháp, sáng kiến như: Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng - chống thất nghiệp mùa dịch; huy động nguồn lực trao 8000 suất ăn mỗi ngày tiếp sức sinh viên, công nhân và người dân có hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thời gian giãn cách xã hội để tuyên truyền cũng đạt hiệu quả cao. Các chương trình giao lưu, nói chuyện của các nhân chứng lịch sử thu hút hàng nghìn lượt xem.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, Thành đoàn Hà Nội cần rà soát đánh giá thực chất hơn, điểm nào đã đạt được, điểm nào chưa trong thực hiện Quy chế. Quan trọng hơn, Thành đoàn Hà Nội đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp; phối hợp với các ban ngành để có sự tổng hợp, đánh giá công tác cán bộ đoàn; tham mưu về cơ chế chính sách; tổ chức các lớp đào tạo cán bộ; chủ động chuẩn bị cho Đại hội Đảng cũng như đề án Chính quyền đô thị.
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn cũng ghi nhận, đánh cao sự chủ động Thành đoàn Hà Nội trong thực hiện Quy chế gắn với Quyết định 289. Thành đoàn cũng rất cố gắng trong thực hiện trách nhiệm công việc như tham mưu với Thành ủy giao cho trường Lê Duẩn đào tạo cán bộ đoàn; đưa cán bộ đi cơ sở.
Trên cơ sở đó, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn đề nghị: Thành đoàn Hà Nội tiếp tục nâng cao tính của động tham mưu với Thành ủy trong thực hiện Quyết định 289. Bên cạnh đó, Thành đoàn cần chủ động làm việc với cấp ủy, Đảng có hệ thống Đoàn.
Trong công tác tạo cán bộ đoàn phải chuẩn bị tốt, nuôi dưỡng nguồn từ cơ sở; rà soát để chuẩn hóa đội ngũ. Đặc biệt, Thành đoàn Hà Nội nên sớm đi đầu trong việc nâng cao chất lượng đánh giá hiệu quả lao động của hệ thống cán bộ đoàn. Từ đó, công tác cán bộ sẽ được nâng cao hơn về chất lượng.