Sản phẩm không rõ ràng?

Nhắc đến cái tên Remax, người tiêu dùng quá quen thuộc đây là một thương hiệu có tiếng thuộc Tập đoàn Công nghiệp Hong Kong. Đơn vị này được thành lập từ 2008 và đặt trụ sở tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Với hàng nghìn cửa hàng có khắp trên toàn thế giới, Remax nổi lên như một thương hiệu quốc tế chuyên kinh doanh các mặt hàng phụ kiện công nghệ và tiêu dùng thông minh chính hãng.

Tại Việt Nam, Công ty Cổ phần Công nghệ Hi-Plus được cho là nhà phân phối chính hãng của Remax tại Việt Nam và chính thức được thành lập từ năm 2018. Theo phương châm luôn cung cấp các sản phẩm chính hãng 100% cùng với chính sách bảo hành tốt nhất và đảm bảo nhất cho khách hàng, 17 cửa hàng lần lượt ra đời để phục vụ cho người tiêu dùng.

Thế nhưng, thời gian gần đây người tiêu dùng luôn bị hiểu nhầm bởi một sản phẩm tai nghe bluetooth Airpods được cho là của đơn vị Remax bán ra có ngoại hình và các tính năng giống đến sản phẩm Airpods của hãng Apple đến 99%. Theo một khách hàng chuyên sử dụng các sản phẩm của Remax cho biết, sản phẩm có tên gọi tai nghe Remax AirPods X RW3 có hình dáng giống hệt với hàng của Apple từ vỏ hộp cho đến sản phẩm bên trong. Nếu như không có tem phụ thể hiện thì người tiêu dùng rất có thể bị nhầm lẫn đây không phải là sản phẩm chính hãng của Remax.

Sản phẩm tai nghe Remax Airpods X RW3 có hình thức giống hệt với  tai nghe Airpod của Apple.

Cũng theo tìm hiểu của PV, những sản phẩm Airpods được bán tại các đơn vị uy tín mà Apple ủy quyền thì giá thành không hề rẻ tùy vào từng phiên bản. Nhưng tai nghe Remax Airpods X RW3 chỉ bán có 2,5 triệu.

Một nhân viên cửa hàng tại Remax cho biết, sản phẩm này là sản phẩm bán chạy nhất cửa hàng vì có các tính năng giống hệt với sản phẩm của hãng Apple. Dù giá thành có được niêm yết như vậy thì cho đến nay vẫn không có đủ nguồn hàng để cung cấp cho nhu cầu người tiêu dùng. Trong vai khách hàng PV muốn sở hữu một bộ sản phẩm tương tự thì nhân viên cửa hàng cho biết, hiện tại mặt hàng này đang “cháy hàng”. Cộng thêm việc dịch Covid nên việc nhập khẩu sản phẩm vô cùng khó khăn; Đồng thời nhân viên này chủ động xin số điện thoại của khách để nếu có hàng về sẽ gọi điện thông báo.

Ngay cả trên website: iremax.vn cũng thể hiện hình ảnh sản phẩm rất dễ khiến khách hàng hiểu nhầm nếu như không đọc thông tin về mã và tên sản phẩm.

Để làm rõ hơn sự việc này, nhóm PV đã có buổi làm việc trực tiếp với công ty Cổ phần Công nghệ Hi-Plus. Qua đó, đại diện phía công ty cho biết, tất cả sản phẩm mặt hàng của các cửa hàng đang bày bán đều có giấy tờ thông quan rõ ràng. Riêng sản phẩm tai nghe Remax Airpods đều được công ty mẹ đặt tên chung và có ký hiệu RW nên khi nhập về Việt Nam thì công ty đã tự phân loại thêm ký hiệu RW1, RW2, RW3 để kiểm soát và phân phối các mặt hàng.

Vừa cho PV xem tờ giấy thông quan, phía đại diện công ty cho biết thêm, sản phẩm tai nghe bluetooth Airplus RW2 có giấy thông quan rõ ràng và chỉ cho PV xem qua chứ không được phép sao chép bằng hình ảnh hay cũng như cung cấp bản sao.

Nhưng khi được hỏi đối với giấy thông quan của tai nghe Remax AirPods X RW3 thì đại diện công ty chỉ vào tên một sản phẩm trên giấy thông quan có ghi bluetooth Airplus và cho biết, sản phẩm này bên công ty mẹ (công ty Remax Hong Kong - PV) đặt tên như vậy và sản phẩm tai nghe kiểu như này không khác gì nhau. Giải thích thêm cho PV về những hình ảnh quảng cáo trên web của công ty được biết, sản phẩm này là sản phẩm cao cấp nhất của dòng Airpods, số lượng nhập đợt đó có khoảng 700 bộ do đó đã bán hết và xóa thông tin trên web rồi.

Nội dung quảng cảo trên trang web cũng ghi rõ sở hữu thiết kế giống hệt với Airplus và Airpods Chính hãng của nhà táo.

Một điều vô cùng khó hiểu, trong khi sản phẩm tai nghe Air Plus RW2 có mã: 02101113545WH đăng bán, quảng cáo trước sản phẩm tai nghe Remax AirPods X RW3 có mã: 201900000044 và trên danh sách lưu có thể hiện sản phẩm hàng hóa đó. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà thông tin của tai nghe RW3 lại không còn? Mà chỉ còn một mã sản phẩm RW? Và bản thân trên giấy tờ thông quan mà phía đại diện công ty cung cấp cho PV cũng không thể hiện thông của mã sản phẩm nhập khẩu đó?

Không những thế, hình ảnh về mẫu mã sản phẩm của RW3 lại được đại diện công ty Cổ phần Công nghệ Hi-Plus cho biết, đó là do nhà sản xuất và mẫu mã này cũng đã được đăng ký bảo hộ tại Hong Kong.

Đeo AirPods nhái gây tổn hại sức khỏe

Được biết, tai nghe AirPods của Apple là sản phẩm chiếm thị phần cao nhất trên thị trường tai nghe không dây hoàn toàn (true-wireless). Theo báo cáo của Strategy Analytics, Apple đã bán được gần 60 triệu AirPods trong năm 2019, chiếm gần 71% doanh thu của thị trường và nắm giữ 54,4% thị phần.

Tương tự iPhone, sự phổ biến về kiểu dáng đã khiến AirPods bị làm nhái rất nhiều. Mức giá 159 USD của AirPods được xem là khá cao, chưa kể phiên bản cao cấp AirPods Pro thậm chí còn đắt hơn (249 USD). Do đó, những người có túi tiền eo hẹp thường lựa chọn các phiên bản nhái xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ hơn, chỉ từ vài trăm nghìn đến trên dưới một triệu đồng.

Theo GizChina, các PV đã đặt mua 7 cặp AirPods nhái khác nhau, tuy nhiên chỉ có 4 chiếc được giao, 3 chiếc còn lại đã “mất tích” bí ẩn khi vận chuyển. Trong số 4 chiếc nhận được, có một chiếc không hoạt động. Như vậy, chỉ có 3 chiếc AirPods nhái được thử nghiệm.

Sản phẩm này rất dễ gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Sau khi thử nghiệm, phóng viên kết luận rằng chất lượng âm thanh của chúng khá bình thường, tuy nhiên một chiếc có âm lượng tối đa vượt mức khuyến nghị lên đến 10 dB, có thể gây nguy hiểm đến thính giác của người dùng.

Như vậy, có thể thấy hàng giả, hàng nhái thường được sản xuất cẩu thả, hiếm khi đáp ứng tiêu chuẩn an toàn từ các tổ chức quốc tế.

Được biết, đại diện pháp lý của Apple tại Việt Nam đã từng gửi thư cảnh báo và yêu cầu dừng việc bán các sản phẩm sử dụng nhãn hiệu Apple. Theo đó, công ty Võ Trần (VOTRA) là đại diện pháp lý trong việc bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (SHTT) tại Việt Nam của Apple Inc, trụ sở tại 1 Infinite Loop, Cupretino, California 95014, Hoa Kỳ.

Nội dung thư cũng cho biết, các đơn vị không được ủy quyền của Công ty Apple để bán hoặc sửa chữa, bảo hành các sản phẩm Apple nhưng đang sử dụng các nhãn hiệu quả táo, Apple hoặc iPhone trên các biển hiệu cửa hàng. Ngoài ra, có thời điểm có những cửa hàng còn kinh doanh hàng hóa nhãn hiệu của công ty Apple nhưng không phải là hàng chính hãng Apple là hàng giả mạo nhãn hiệu. Việc này có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng rằng đây là cửa hàng được ủy quyền của Công ty Apple khi họ mua hoặc sửa chữa sản phẩm Apple tại đây. Do đây là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của công ty Apple (điều 129 - Luật Sở hữu trí tuệ) nên Công ty Apple có quyền tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại các hành vi này.

Theo Tú Anh/Đô Thị Mới