Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, múa rối nước có sức lôi cuốn mạnh mẽ người xem bởi sự vui nhộn, nhí nhảnh và hài hước của các tích truyện gắn với đời sống thường ngày của người nông dân Việt Nam. Không phải chỉ có ở làng Đào Thục, nhiều làng quê Bắc bộ cũng có phường rối nước, mỗi làng rối lại có phong cách biểu diễn riêng. Tuy nhiên, phường rối Ðào Thục là phường rối có lịch sử lâu đời nhất. Cách trung tâm TP. Hà Nội khoảng chừng hơn 20km, làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh vẫn mang nhiều nét xưa của một vùng quê Bắc bộ. Cùng khung cảnh nên thơ, sự cuốn hút đặc biệt của Đào Thục còn là sân khấu múa rối nước được xây dựng theo phong cách truyền thống ngay trước sân đình. 

1. Làng Đào Thục xưa có tên là Đào Xá. Nghe đâu thời Đồng Khánh được đổi là Đào Thục. Chữ “Thục” ở đây chính là thục nữ, đoan thục... bắt nguồn từ vùng đất của những người con gái nết na, xinh đẹp. Thế mới có thơ rằng: Đào Xá có đất trồng bông/Con gái ra đồng trông tựa tiên sa. 

roi nuoc1

Rối nước Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Làng Đào Thục có Đào Tướng công, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh (hay Đào Đăng Khiêm) quê ở Đào Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, nay là Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Yêu nghệ thuật múa rối nước, ông dồn hết tâm huyết truyền bá nghệ thuật này cho đời sau. Vì có công lớn nên dân làng đề nghị triều đình Hậu Lê phong thần, lập bia đá năm 1735 (thời Lê Ý Tông). Hằng năm, vào ngày giỗ của ông (24 tháng 2 âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề. Hiện, mộ của ông tổ nghề múa rối vẫn còn và được bảo vệ rất cẩn thận. Trước mộ có hai con nghê bằng đá khá nguyên vẹn. Bên cạnh đình, còn văn bia ghi rõ năm sinh, tháng mất cùng những công trạng của vị quan Nội giám cách đây gần 300 năm.

Nét độc đáo, riêng biệt của rối nước Đào Thục là sử dụng loại máy sào dây làm cho con rối lắc đều vung vẩy được cả hai tay. Vì vậy các nghệ nhân điều khiển dễ dàng sang trái, sang phải và đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại được - không giống như các phường rối khác chỉ có thể vào buồng trò bằng cách đi lùi hoặc đi chéo. Với hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá..., các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa..., hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh...

Hiện nay, để phù hợp với bối cảnh thời đại mới, các nghệ nhân Đào Thục đã sáng tác thêm các tiết mục mới ca ngợi quê hương, đất nước như: “Tặng hoa ngày hội”, “Rước ảnh Bác Hồ”, “Hà Nội 12 ngày đêm”...

2. Bước đột phá của phường rối nước Đào Thục bắt đầu hơn mười năm về trước. Khi ấy, anh Nguyễn Thế Nghị ở xã Thụy Lâm (huyện Đông Anh, Hà Nội) đã mày mò tìm đường phát triển cho rối nước Đào Thục bằng việc tìm đến gõ cửa các công ty du lịch để chào hàng, quảng bá trên mạng, tổ chức lại hoạt động của phường rối theo hướng tinh gọn để phục vụ khách du lịch... Nguyễn Thế Nghị từng kinh doanh khá thành đạt, nhưng vì tình yêu và trách nhiệm với quê hương, anh đã quyết định gắn bó với rối nước.

roi

Nguyễn Thế Nghị mê rối, anh theo mẹ đi tập luyện hát chèo phục vụ biểu diễn rối từ bé. Nhưng lớn lên, giống như nhiều thanh niên khác, anh cũng rời làng, đi làm công nhân, rồi kinh doanh thiết bị bảo hộ lao động... Phường rối chủ yếu là của người già. Lúc đấy, Đào Thục mỗi năm chỉ biểu diễn vài bận. Anh nghĩ, xưa, các cụ gắn bó với quân rối bằng tình yêu. Còn bây giờ, người nghệ nhân chỉ gắn bó với quân rối nếu có thu nhập.

Đầu năm 2000, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngày một đông hơn. Rối nước là đặc sản văn hóa Việt Nam, anh nghĩ đến việc biểu diễn phục vụ khách để tăng thu nhập cho các nghệ nhân. Anh Nghị cùng một số bạn trẻ khác đề xuất ý tưởng với các nghệ nhân cao tuổi. Lúc đầu, việc thuyết phục cũng không mấy dễ dàng, nhưng sau nhiều lần thuyết phục, cam kết, các cụ mới đồng ý. Khi chủ trương được thông qua, anh cùng mấy bạn trẻ trong làng in tờ rơi, rồi tìm các công ty du lịch chào hàng. Nhiều chuyến đi không kết quả làm Nghị thất vọng. Nhưng với quyết tâm cao, sự kiên trì cộng với những kinh nghiệm từ công việc kinh doanh đã cho anh tư duy mới: Có thể chưa có khách đến ngay, nhưng phải làm thế nào để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch biết được có một làng rối nước sẵn sàng biểu diễn phục vụ du khách và để nhiều người biết đến rối nước Đào Thục.

 Anh Nghị cùng một bạn trẻ khác lập trang web riêng quảng bá rối nước Đào Thục ngay khi internet bắt đầu phổ biến. Công việc anh làm ngày ấy chính là câu chuyện “thương hiệu” mà ngày nay nhiều người đề cập. Rồi cái ngày, một cuộc điện thoại của khách du lịch đặt hàng biểu diễn cũng đến, Nguyễn Thế Nghị mừng khôn tả. Còn nhiều khó khăn lắm, nhưng anh biết mình đã chọn hướng đi đúng. Đến khi phường rối Đào Thục có khách du lịch tìm đến, được biết đến rộng rãi, mọi người mới bắt đầu tin vào lớp trẻ. Nguyễn Thế Nghị được các cụ tín nhiệm giao làm Trưởng bộ phận kinh doanh của Đào Thục, chức danh lần đầu xuất hiện ở làng rối dân gian.

Do một tai nạn hồi còn nhỏ, một ngón tay trỏ của Nguyễn Thế Nghị gần như không cử động được. Tai nạn ấy khiến anh không thể trở thành nghệ nhân biểu diễn rối giỏi. Bù lại, cùng với việc tổ chức kinh doanh, đối ngoại, anh có tài giáo trò (dẫn chương trình) và hát chèo phục vụ biểu diễn, khiến tiết mục thêm sinh động.

3. Được sự quan tâm, yêu mến của du khách là vậy, tuy nhiên, nếu không có sự đam mê, nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm lưu giữ văn hóa của cha ông mà chỉ tính đến thu nhập, kiếm sống, mưu sinh thì chắc hẳn chẳng ai đi theo nghề này. Hiện tại phường rối nước Đào Thục có khoảng 30 diễn viên. Mỗi người làm mỗi nghề như: chủ doanh nghiệp, nông dân, thợ mộc, thợ xây… Mỗi khi có chương trình giao lưu văn hóa, lễ hội hay có khách du lịch về làng, các diễn viên rối mới tập hợp lại. Thường thì mỗi ekip có 10 diễn viên, vào hôm nắng ấm còn đỡ, những ngày mưa lạnh, diễn viên thường phải uống nước mắm cho nóng người rồi trầm mình dưới nước, diễn suốt cả ngày nhưng mỗi người cũng chỉ được thù lao 60 – 100.000 đồng.

tải xuống

Theo anh Nguyễn Thế Nghị, xưa kia, các nghệ nhân phường rối có một nguyên tắc bất di bất dịch là phải giữ bí quyết nghề, chỉ con trai hoặc con dâu mới được học nghề. Đến nay, mọi việc đã đổi khác. Những nghệ nhân lớn tuổi đã chú tâm đào tạo lớp trẻ kế nghiệp. Nhưng ngặt một nỗi, nghề rối giờ chẳng đủ để sống. Bởi thế, không biểu diễn bán vé thường xuyên, không lấy lợi nhuận làm mục đích, nên nhiều người chỉ coi rối là nghề tay trái, còn lại đa phần người dân Đào Thục chuyển sang làm mộc, hay duy trì nghề nông, đi kiếm việc làm ở các khu công nghiệp. Thêm nữa, bởi rối nước Đào Thục là loại hình múa rối dân gian, chỉ biểu diễn trong các ngày hội, hay một số dịp đặc biệt phục vụ khách du lịch chứ không thường xuyên, liên tục nên chẳng ai mặn mà với rối. 

Vẫn biết, đó là xu thế chẳng đặng đừng nhưng với những người nặng lòng với rối như anh Nghị vẫn chẳng thể nào thôi tâm tư: “Chúng tôi hy vọng sắp tới, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền, ban, ngành TP. Hà Nội xây dựng tuyến xe buýt từ trung tâm Hà Nội đến làng Đào Thục để du khách thuận tiện hơn khi đến với Đào Thục. Đây cũng là cú hích để nghệ thuật múa rối nói chung và các loại hình nghề dân gian thủ công như: Nghề mỹ nghệ, nghề trồng cây cảnh… của làng Đào Thục được giữ gìn và phát triển”.

Mong rằng niềm hy vọng của những nghệ nhân múa rối sẽ sớm thành hiện thực. Có vậy, múa rối nước làng Đào Thục mới cơ hội tồn tại và phát triển, góp phần gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian độc đáo mang đậm tâm hồn Việt.

Việt Khoa

Theo congluan.vn