Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam vừa có kiến nghị nên bỏ Quĩ bình ổn giá xăng dầu để giá mặt hàng này về tiệm cận hơn với thế giới.

Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) cho rằng, việc trích lập Quĩ bình ổn xăng dầu 300 đồng một lít theo quy định tại Nghị định 83 điều hành xăng dầu đang khiến "người tiêu dùng chịu thiệt hơn là lợi" khi bản chất là người dân đang phải ứng trước cho quĩ.

Ngoài ra, theo VINPA, việc sử dụng Quĩ bình ổn giá mang đậm tính can thiệp hành chính nên làm méo mó giá cả thị trường xăng dầu. Để kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường và giá trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới, hiệp hội này kiến nghị bỏ Quĩ bình ổn giá xăng dầu.

se bo qui binh on xang dau
Việc nhà điều hành liên tục trích Quĩ bình ổn ở mức cao khiến các doanh nghiệp càng bán càng lỗ, giảm lợi nhuận

Bỏ Quĩ bình ổn giá, VINPA tin rằng, tính minh bạch công khai trong điều hành giá sẽ tốt hơn, tạo cơ hội bình đẳng trong hệ thống doanh nghiệp đầu mối.

Bên cạnh đó, Nghị định 83 quy định, tần suất điều chỉnh giá xăng dầu hiện nay là 15 ngày. Với quy định này, giá bán lẻ trong nước sẽ khó có thể bắt kịp những biến động của giá xăng dầu thế giới trong bối cảnh những yếu tố tác động lên giá dầu như kinh tế, địa chính trị, tôn giáo liên tục diễn biến phức tạp và khó lường như hiện nay.

Do đó, Hiệp hội đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh độ trễ trong việc điều chỉnh giá.

Thực tế, Quĩ bình ổn xăng dầu đã được nhà điều hành xả mạnh từ quý IV/2018 và những tháng đầu năm 2019. Riêng năm 2018 cơ quan quản lý đã chi 1.600 tỉ đồng từ Quĩ bình ổn để "kìm" giá xăng.

Trao đổi với báo chí TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia nghiên cứu kinh tế cho biết: “Quan điểm của tôi cần bỏ hẳn Quĩ bình ổn giá xăng dầu vì thế việc xả quỹ đảm bảo giá xăng không tăng dịp Tết là phù hợp”.

TS Nguyễn Minh Phong phân tích, Quĩ bình ổn này có nguồn tiền là từ người tiêu dùng, lấy tiền của người tiêu dùng trả cho người tiêu dùng nhưng lại qua một loạt cơ chế phức tạp, rất dễ thất thoát vì không hình thành quỹ tập trung mà chỉ là ghi sổ rồi báo cáo thôi, rất khó kiểm soát.

Theo TS Nguyễn Minh Phong Quĩ bình ổn xăng dầu là tiền của dân và trải qua lại như vậy dân chẳng có lợi gì. Ngay cả thị trường cũng không có lợi bởi việc xả và trích quĩ làm cho giá xăng dầu méo mó, không đúng với giá thị trường nữa.

Đánh giá việc sử dụng Quĩ bình ổn xăng dầu báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm bất cập. Cụ thể, trong kết luận vừa được công bố cuối tuần qua, Kiểm toán Nhà nước khẳng định việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ BOG theo Nghị định 83 là cần thiết. Bởi quĩ này đóng vai trò là một trong những công cụ để Nhà nước điều tiết giá xăng dầu trong nước trong trường hợp xăng dầu thế giới có biến động.

Tùng Linh

Theo tbck.vn