Thậm chí, có thí sinh còn phản ánh, dự thi đầy đủ 5 môn, nhưng trên trang http://thi.moet.gov.vn chỉ báo điểm 3 môn (không có điểm hai môn văn, toán). Khoảng nửa tiếng sau, nhờ một người bạn ở một địa điểm khác ngẫu nhiên thử thì truy cập được vào trang http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn, thí sinh này nhận được thông tin đầy đủ điểm thi với 5 môn toán, văn, ngoại ngữ, lý, hóa. 

Trao đổi với báo chí về những vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: Trong một thời điểm phải đồng loạt đưa một lượng dữ liệu đồ sộ lên mạng cho hàng chục ngàn lượt truy cập, nên có những trục trặc kỹ thuật phải xử lý là việc phải chấp nhận. Trước đó, bộ đã tính toán rất kỹ với nhà cung cấp hạ tầng công nghệ thông tin để cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh truy cập điểm thi.

Đường truyền được thiết kế có khả năng cho phép tối đa 60.000 lượt truy cập trong cùng một thời điểm. Tuy nhiên, vào lúc khởi động việc cung cấp điểm thi, số lượng thí sinh truy cập vượt quá con số trên nên mới dẫn tới tình trạng nghẽn mạng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.

Nếu thiết kế đường truyền lớn hơn nữa đòi hỏi phải có thêm nhiều server, khiến kinh phí đội lên rất tốn kém. Trong khi theo ý kiến các chuyên gia về công nghệ thông tin, việc quá tải lượng truy cập chỉ diễn ra vào thời điểm đầu tiên. Sau đó, lượng truy cập sẽ giảm dần và tình trạng quá tải được giải quyết. Vì vậy không cần thiết phải đầu tư tốn kém hơn nữa.

Việc công bố điểm thi năm nay khác với các năm trước, các trường ĐH chủ trì cụm thi không chỉ quản lý điểm thi của thí sinh dự thi vào trường mình mà của nhiều trường, nên việc cung cấp dữ liệu cần đảm bảo an toàn, chính xác.

Nếu hạ tầng công nghệ thông tin không tốt có thể dẫn tới nhiều rủi ro, trục trặc, ảnh hưởng tới việc xét tuyển ĐH-CĐ của thí sinh. Còn việc nghẽn mạng gây khó khăn cho việc truy cập của thí sinh, tôi khẳng định chỉ xảy ra ở thời điểm đầu tiên khi mới công bố.

Ngày 20/7, Bộ GD-ĐT mới nhận đầy đủ dữ liệu điểm thi của các cụm trên cả nước và xử lý kỹ thuật trước khi đưa lên hệ thống. Căn cứ vào dữ liệu thực tế, Bộ 
GD-ĐT mới cân nhắc và quyết định phân tán ra các “gói” khác nhau, cung cấp điểm thi cho thí sinh ở các cụm thuộc các vùng, miền khác nhau.

Với cách này, thí sinh ở các vùng, miền do tám trường ĐH chủ trì cụm thi phụ trách có thể truy cập vào trang của các trường để xem điểm, hoặc cũng có thể xem trên trang của Bộ GD-ĐT. Việc này chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh.

“Thực chất, địa chỉ truy cập điểm của 8 trường chỉ là các server mà bộ đặt ở các trường để giảm tải, tránh việc nhiều thí sinh cùng truy cập về một địa chỉ. Bộ GD-ĐT vẫn là nơi duy nhất có quyền cung cấp dữ liệu điểm thi, việc này không chuyển giao cho đơn vị, cá nhân nào khác”- ông Ga khẳng định.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết: Hiện nay Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đang làm công tác thống kê điểm tất cả các cụm thi, kết quả chính thức sẽ được công bố chính thức trong vài ngày tới.

Trên cơ sở ấy chúng ta sẽ biết bao nhiêu học sinh tốt nghiệp, điểm như nào, tỉ lệ bao nhiêu phần trăm thí sinh đạt điểm, chất lượng kỳ thi, phổ điểm, kết quả thí sinh thi cụm thi do ĐH chủ trì, kết quả thí sinh do địa phương chủ trì…

Có thể phán đoán được rằng, với đề thi như năm nay, kết quả thí sinh sẽ tốt hơn so với kỳ thi ĐH năm ngoái, còn điểm thi phổ thông có thể sẽ giảm đi so với năm ngoái. Vì điểm thi năm nay cấu trúc 40% kiến thức nâng cao, các em khá và giỏi mới làm được, các em trung bình không làm được nên thấp hơn./.

Nhật Linh / Theo Ngày nay Online