Các cửa hàng, thuộc sở hữu của 31 công ty sẽ chỉ cung cấp ống hút cho khách hàng vì một lý do đặc biệt nào đó.
270 cửa hàng phải thực hiện quy định này bao gồm 53 nhà hàng và quán bar trong các khách sạn thuộc Tập đoàn Accor, như Raffles, Fairmont và Swissotel The Stamford; cũng như 24 cửa hàng F & B trong các Safari, Night Safari, River Safari và Jurong Bird Park; 24 cửa hàng PastaMania và 8 nhà hàng Nado; 15 cửa hàng của chuỗi Spa Esprit và nhiều hệ thống bán lẻ khác.
Động thái này là một phần trong Hiệp ước về Nhựa được hỗ trợ bởi Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn Cầu (World Wide Fund For Nature - WWF) và Cơ quan Môi trường Quốc gia.
Giám đốc truyền thông của chiến dịch này, ông Kim Stengert cho biết, đây là tín hiệu tích cực cho thấy các doanh nghiệp bắt đầu chịu trách nhiệm về rác thải nhựa mà họ sử dụng đổ ra môi trường. Chiến dịch này cũng sẽ tạo đà để nhiều thương hiệu tham gia hơn.
Theo báo cáo năm 2018 của công ty tư vấn AlphaBeta và các doanh nghiệp xã hội The Final Straw and the Cyan Project, ước tính có khoảng 2,2 triệu ống hút được sử dụng mỗi ngày.
WWF cho biết, đến năm 2050 nhựa đổ vào đại dương thậm chí còn nhiều hơn cá. Điều này không phải không có cơ sở khi nhiều mảnh vi nhựa được tìm thấy trong ruột của 4 loài cá lớn và trong mẫu nước máy thì rất nhiều. Điều này chắc chắn sẽ tác động xấu đến sức khỏe của con người.
Ông Michael Issenberg, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Accor Châu Á - Thái Bình Dương cho biết: "Hành tinh của chúng ta thực sự chìm trong nhựa, thậm chí hạt nhựa còn được tìm thấy trong nước chúng ta uống. Vì vậy, đã đến lúc hành động."
Tháng 6 năm ngoái, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh KFC đã ngừng cung cấp ống hút nhựa và nắp đậy cho đồ uống trên 84 cửa hàng tại Singapore. Các cơ sở ăn uống tại khu nghỉ mát World World Sentosa cũng đã ngừng cung cấp ống hút nhựa kể từ tháng 10 năm ngoái.
Toàn thế giới đang chung tay hướng tới một môi trường sạch đẹp từ việc hạn chế rác thải nhựa ra môi trường. Nhiều nhãn hàng lớn trên thế giới tung chiến dịch đổi rác thải nhựa lấy tiền hoặc giảm giá đến người dùng.
Tại Việt Nam, chiến dịch này cũng vẫn đang diễn ra, nhiều startup đã tạo ra những chiếc ống hút từ tre, từ cỏ, hộp cơm từ bã mía, túi nilong có thể phân hủy, các siêu thị chọn lá chuối gói rau thay vì túi bóng…
Tuy nhiên, để hạn chế lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm thì chính quyền cần phải có những điều luật cụ thể hơn nữa chứ không chỉ khuyến khích người dùng.