Báo cáo của UBND TP Hà Nội cho biết, từ năm 2008 đến nay, việc triển khai Nghị quyết 16 của Chính phủ về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn TP đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nhiều công trình hạ tầng giao thông của Thủ đô (các tuyến cao tốc, đường vành đai, trục chính xuyên tâm, cầu vượt tại các nút giao, cầu vượt sông, các tuyến đường giao thông kết nối trong nội đô, các tuyến đường giao thông khu vực ngoại thành,...) đã được đầu tư, hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng một cách hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, qua đó hình thành bộ mặt Thành phố khang trang, hiện đại.
Cụ thể, số điểm ùn tắc giao thông của thành phố từ 124 điểm năm 2010 giảm xuống còn 41 điểm năm 2016.
Tình hình tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông được kiềm chế tích cực, giảm về 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương.
Theo báo cáo, trong năm 2016, toàn thành phố xảy ra 1.552 vụ (TNGT), làm 594 người chết, 1.306 người bị thương (Giảm 144 vụ = 8,5%, giảm 8 người chết = 1,3%, giảm 125 người bị thương = 8,7% so với cùng kỳ 2015).
Việc bảo đảm TTATGT trong thời gian qua đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, không những cho Thủ đô còn phục vụ phát triển vùng Thủ đô và cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình ghi nhận và đánh giá cao những kết quả chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 16 của Chính phủ những năm qua.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính Quốc gia,trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế, là đầu mối giao lưu quốc tế của cả nước. Đây là lợi thế và phát triển nhưng cũng là áp lực rất lớn.
Xác định công tác giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị lớn còn diễn biến phức tạp, thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tập trung, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 16 của Chính phủ; quan tâm quy hoạch hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh xã hội hóa, ứng dụng CNTT vào điều hành giao thông, phát triển giao thông kết nối với các tỉnh, thành phố phía Bắc tạo hành lang ATGT thông suốt theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực giao thông; gắn trách nhiệm của chính quyền các cấp, các sở, ban ngành địa phương nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác đảm bảo ATGT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền văn hóa giao thông, văn minh đô thị, tạo thói quen tận dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông.