Nhắc đến gia đình chồng, không hiểu tại sao bà Phương lại thể hiện sự ấm ức, khó chịu. Đám cưới của Thanh và Vân như vừa diễn ra mới đây thôi trong tâm trí khiến bà phải gằn giọng “Hôm đám cưới kéo cả đàn cả lũ lên đây với nhau rồi còn gì?”
Ông Phương nhận ra điều đó và thắc mắc: Vì sao mỗi khi nói đến chuyện về thăm mẹ là bà lại cấm cảu như vậy? Mẹ mày không muốn về thì thằng Thanh chở bố về!
Buổi về quê tưởng rằng êm xuôi khi bà Phương đồng ý đi cùng cả nhà. Trên chuyến xe về quê mặt bà như có điều gì không vừa lòng.
Tới nơi, mẹ chồng bà Phương, bà nội của Thanh vui mừng khi thấy con trai, cháu trai, cháu dâu trở về. Người phụ nữ già run rẩy nhắn nhủ cháu dâu, bà có mỗi mình buồn lắm, thi thoảng xin phép bố mẹ về chơi với bà cho vui nhà vui cửa, từ lúc cưới xong đến giờ bà mới được gặp cháu dâu đấy nhỉ.
Ơ thế chị Phương đâu? Mải mê truyện trò mà bà quên mất không hỏi đến cô con dâu của mình, khi ấy, bà Phương mới uể oải từ cổng bước vào một mình tay xách đồ tay cầm bó hoa, túi xách. Mẹ chồng hỏi han, bảo sao mua lắm thứ thế, nhà mẹ cũng chẳng phải không có, lần sau về tay không thôi, mọi người về là mẹ vui rồi.
Ấy thế mà bà Phương chẳng nói năng gì, vẫn là khuôn mặt ủ ê như lúc ngồi trên xe, chẳng nói chẳng rằng bà đi thẳng vào nhà bỏ lại sự hẫng hụt cho chồng, con trai, con dâu và người mẹ chồng.
Kỳ lạ là khi vợ mình cư xử như vậy, ông Phương chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm.
Đến lúc thắp hương gia tiên, bà Phương 1 mực đẩy con dâu đứng vào cùng chồng, con còn mình thì bước ra ngoài như một người khách xa lạ. Căng thẳng được đẩy lên đến cao trào khi cả gia đình ngồi nói chuyện, mẹ chồng tỏ ra vui vẻ, hạnh phúc khi hỏi chuyện cháu trai, bảo cháu gái sinh em bé đi thôi, cứ đẻ nhiều vào, bố mẹ không nuôi được thì đưa về đây bà trông cho.
Bà Phương vẫn ngồi ủ ê từ nãy giờ bất ngờ nói to ôi sao tự nhiên đau đầu thế này, tự nhiên thấy khó chịu hết cả người rồi bảo con trai dìu mình vào. Tất cả những lúc khó chịu, mệt mỏi, có lẽ bà chỉ có duy nhất người con trai ấy để dựa vào mà thôi.
Mẹ chồng bất ngờ, hụt hẫng, ông Phương chồng bà bực bội nhưng chẳng rõ phải trút vào ai, con dâu lúng túng xin phép ra vườn chơi. Vậy là chỉ còn ông Phương và mẹ mình. Bà mẹ chồng ấy, ở cái tuổi gần đất xa trời rồi mà vẫn phải nghẹn ngào khóc vì bất lực trước sự hỗn hào của con dâu.
Trở về thành phố, hai ông bà không nói với nhau câu nào cho tới tối muộn, đã đến giờ đi ngủ mà ông Phương vẫn cau mày ngồi hút thuốc trong phòng. Bà Phương bực bội quát chồng không ngủ đi mà còn ngồi đấy, ông khậm khục ho, bà bảo ông cứ hút cho lắm vào đi rồi có ngày bục phổi mà chết ra đấy đấy, ông vẫn chẳng nói gì.
Và cao trào được đẩy lên đến tận cùng khi bà nói ra được điều bực bội trong lòng: Tôi làm cái gì ông mà từ lúc về đến giờ ông cứ giữ cái mặt đấy với tôi?
Bà hỏi ông bà đã làm gì sai? Người mẹ chồng sắp lên chức bà nội bỗng thấy mình trong sáng, vô tội khi chồng cứ cau có, nhấm nhẳng.
Rồi bà à lên, tôi biết rồi, có phải vì tôi không gọi mẹ anh một tiếng là mẹ được nên anh khó chịu với tôi?
Hóa ra mấy chục năm trời về làm dâu, hay có lẽ những năm gần đây, bà Phương đã không còn gọi mẹ chồng mình là mẹ.
Ông Phương uất hận, phẫn nộ và dường như bất lực trước người phụ nữ này. Ông bảo bà là người thành phố, là người có ăn có học mà sao bà cư xử như người… vô học. Vốn là con nhà gia giáo, lại ở thành phố mà bị nói cư xử chẳng khác gì vô học thì ai mà chịu được?
Vậy là bà Phương làm ầm lên, tôi vô học à, tôi vô học thì đã chẳng bước chân vào nhà anh, lấy người như anh. Ông chẳng chịu thua kém, ông bảo lấy được người như tôi là phúc phận của bà, của nhà bà rồi… Bà tức giận, mọi hi sinh chịu đựng của bà bao năm nay coi như đổ sông đổ bể, thế rồi bà nhăn nhó, vội ôm lấy ngực mình, bà Phương từ từ khuỵu xuống trước mắt chồng mình.
Ông bà không ngờ rằng trong lúc họ to tiếng với nhau thì Vân đã đứng ngoài nghe thấy. Dù nghe được gần hết nhưng Vân vẫn chưa hiểu xung đột giữa bố mẹ chồng từ đâu mà ra. Thấy ông Phương hét tên Thanh, cô vội chạy lên gọi chồng, mau xuống xem mẹ làm sao.
Khi đã nằm nghỉ ngơi, lúc ấy, dù mệt dù vừa suýt ngất bà vẫn không ngừng khóc than đau khổ, tất cả là tại bố con, bố con coi mẹ không ra gì. Người con trai thương mẹ chỉ biết âm thầm trách bố sai, trong lúc ấy, cô con dâu dù chưa rõ câu chuyện thế nào cũng vẫn có cảm giác thương bố chồng.
Trở về phòng, Vân vội vàng ngăn cản giấc ngủ của Thanh để trút xuống những băn khoăn của mình. Cô bảo từ ngày cưới nhau đến giờ có thấy bố mẹ to tiếng với nhau bao giờ đâu mà hôm nay lại như vậy? Chắc là có lý do gì bố mẹ mới cãi nhau to đến thế chứ? Thanh ậm ừ, nhưng rồi cũng kể cho vợ về xung đột giữa mẹ mình và bà nội.
Chuyện là ngày xưa lúc mẹ còn đang mang bầu, bà ở quê ra ở cùng bố mẹ trên này. Đến bữa, bà dọn cơm ra rồi, bảo mẹ ra ăn, nhìn bữa cơm lại là những món giống ngày hôm qua và giống cả các bữa trước nữa, bà Phương ngúng nguẩy bảo sao hôm nào mẹ cũng cho con ăn mấy món này, mẹ không đổi bữa được à, bà Phương bảo chán mấy món ấy lắm rồi. Mẹ chồng bà ậm ừ, mẹ biết rồi, để mai mẹ đổi. Bà Phương tiện đà lại bảo suốt ngày thịt gà, con gà mẹ mang từ quê lên làm con phải ăn gà rang gà kho đến cả tuần rồi, mẹ không cho con ăn cái gì khác được à? Mẹ chồng bà lại ngập ngừng, vì bà thấy người ta bảo tôm, cua không tốt cho phụ nữ có thai nên bà chẳng dám nấu, ừ thôi, mai bà đổi sang nấu thịt lợn cho con dâu.
Bực bội nhưng cũng đành ăn, gắp miếng thịt gà đưa vào miệng, chưa tới nơi bà Phương đã vội ném ra, thịt thiu nhớp nháp thế này mà mẹ cũng nấu ra để con ăn à? Chắc mẹ chồng ghét bỏ gì bà, bắt bà ăn đến cả thịt thiu, mà bà lại đang mang bầu. Rồi bà úp luôn bát ô tô thịt gà vào nồi cơm trắng trong sự tức giận, dù mẹ chồng vẫn đang ngồi ăn cơm.
Bà Phương nghi ngờ mẹ chồng bớt xén tiền vợ chồng bà đưa cho để cho con trai, con gái của bà. Bảo sao cô chú ở quê xây được nhà to như thế, chứ còn vợ chồng bà bao năm đã xây nổi cái nhà tử tế đâu.
Dù mẹ chồng bảo tiền tiết kiệm, tằn tiện là để cho vợ chồng bà mà thôi, chứ bà thề với trời với đất là bà không tơ hào đồng nào. Ấy thế mà bà Phương vẫn chẳng tin, khiến mẹ chồng bà phải tức giận mà bảo anh Phương không dạy được chị thì tôi bảo 2 đứa ở quê nó lên nói chuyện phải trái với chị!
Bà Phương nghe thế nào thành ra 2 người ấy lên đánh bà, ơ kìa bà làm gì sai, lại còn bụng mang dạ chửa thế này?
Rồi họ lên thật, chú em trai chồng bà lên, vì không thấy mẹ ông đâu, hỏi bà Phương thì bà bảo ơ kìa, bà có chân thì bà đi chứ tôi giữ được bà à? Chú tức giận bảo chị đừng cậy chị là người thành phố mà coi thường người nhà quê chúng tôi, gọi chúng tôi là nhà quê. Bà nhất quyết đuổi chú ấy về vì tức giận, vì không coi ai ra gì khi chú nhắc đến họ hàng, tổ tiên nhà bà. Rồi họ cãi cự nhau, giằng co thế nào mà bà Phương ngã lăn ra, bà đau đớn, chú vội vàng bế bà đưa đi viện.
Nghe đến đấy, Vân thốt lên hỏi thế mẹ có làm sao không anh? Thanh bảo mẹ có sao thì làm gì có chồng em ngồi ở đây như giờ. Vân à lên, đúng rồi.
Sáng hôm sau, mọi chuyện lại như bình thường, ông Phương còn phải dịu giọng hơn với vợ, người vợ hiền sau một đêm buồn bã đã thức dậy, lo chuyện cơm sáng, thu gom quần áo đi giặt như bao ngày.
Trong phòng con trai, cô con dâu dậy rồi và đang hí hửng tìm chiếc váy để bữa nay cuối tuần vợ chồng đi ăn sáng uống café vì nghe đâu bố mẹ hôm nay đi ăn cỗ, rồi cô hoảng hốt khi thấy chiếc váy của mình bị phai màu, giận dỗi với chồng, chồng xem này, mẹ giặt đồ kiểu gì mà phai hết cả ra váy em, thế này còn mặc gì nữa, anh chồng dù còn ngái ngủ nhưng vẫn cưng nựng dỗ vợ, để anh mua cho em cái khác. Ừ, thế mới là đàn ông chứ.
Bà Phương không rõ đã gõ cửa chưa hay cửa đang mở, bà lao vào thấy con trai vẫn quấn chăn ngủ, bà lôi xồng xộc cái chăn ra, cậu con trai có vợ tồng ngồng trong chiếc quần đùi ngắn cũn cỡn đứng dậy nép sau vợ chẳng biết làm thế nào, bà Phương vội đẩy con trai đi đánh răng rửa mặt rồi còn ăn sáng, đồ nấu ra nguội hết cả. Bà cũng không quên mở tủ lấy cái quần lỡ cho cậu quý tử rồi lao vào phòng tắm đưa cho cậu.
Vân thấy vậy nhắc nhở, anh ấy lớn rồi tự lo cho mình được, mà có phải lấy quần áo thì con sẽ là người lấy vì con là vợ anh ấy, mẹ đừng lo cho anh ấy như trẻ con như thế. Bà Phương tròn mắt, ơ kìa, tôi là mẹ nó, tôi nhìn thấy nó từ lúc còn bé tí đến giờ, còn gì không thấy nữa mà được với chẳng không.