Trong hai ngày qua, thông tin Việt Nam sẵn sàng ghép đầu người hay Việt Nam sẽ ghép đầu người vào năm 2017 đang tràn ngập các mặt báo và các phương tiện truyền thông khác.

Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện nhiều tranh luận gay gắt về việc thực hư kỹ thuật ghép đầu người ở Việt Nam, trong số các ý kiến tranh luận trên có cả những ý kiến của các chuyên gia bác sĩ đầu ngành.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thì được biết thông tin trên có nguồn gốc từ buổi tập huấn và cung cấp kiến thức về ghép mô tạng cho phóng viên viết mảng y tế tại Bệnh viện Việt Đức ngày 12/1. Người đưa ra thông tin trên là GS.TS Trịnh Hồng Sơn (Phó GĐ Bệnh viện Việt Đức, GĐ Trung tâm điều phối Quốc gia về hiến, ghép mô tạng).

Theo đó, tại buổi sinh hoạt này, ngoài phần tổng kết những kết quả thành tựu của “ngành” ghép tạng Việt Nam trong những năm qua, cũng như nói về vấn đề khan hiếm nguồn tạng hiện nay cũng như những giải pháp để giúp người dân tuyên truyền cho cuộc vận động hiến tạng, GS Trịnh Hồng Sơn có đề cập đến vấn những thông tin cập nhật mới, những bước tiến và tiềm năng của ngành ghép tạng Thế giới trong đó có nói về phần ghép đầu người.

Thực hư thông tin Việt Nam ghép đầu người vào năm 2017 - Ảnh 1
Ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới được thực hiện vào năm 2017.

Riêng về vấn đề ghép đầu người, GS Sơn cho biết, trên thế giới sẽ tiến hành ca ghép đầu người đầu tiên vào năm 2017 và trực tiếp giáo sư sẽ là người theo sát hoạt động ghép đầu người này.

Sau ca ghép đầu người thành công, Việt Nam sẽ mời các chuyên gia của ca ghép sang để chuyển giao kỹ thuật và học hỏi kinh nghiệm từ đó có thể áp dụng vào thực tế Việt Nam để làm kỹ thuật ghép đầu người ngay tại trong nước.

“Việt Nam sẽ hóng và học tập” đó là câu nói của GS Sơn về sự kiện ghép đầu người được thực hiện lần đầu tiên trên thế giới. Đồng thời, GS Sơn với kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực ghép tạng đã lo xa bằng cách cứ các bác sĩ, chuyên gia phẫu thuật đi ra nước ngoài để học hỏi, đồng thời sẽ tiếp nhận những người sẵn sàng hiến và đồng ý ghép đầu người nếu chúng ta có thể thực hiện được.

Tuy lý giải của vị giáo sư này khá rõ rằng, nhưng nhiều phóng viên đã “rút tít” ngắn gọn và cho rằng: Việt Nam sẵn sằn ghép đầu người hoặc Việt Nam ghép đầu người vào năm 2017 khiến nhiều người tỏ ra hoài nghi, thậm chí còn có người còn cho rằng vị giáo sư đầu ngành kia đang “nói quá”.

Thực tế, Việt Nam hiện nay đã làm chủ rất nhiều kỹ thuật ghép tạng, kể cả những kỹ thuật khó như ghép tim, ghép gan… kể cả việc ghép đầu người có thể trong thời gian tới với sự học hỏi và phát triển của kỹ thuật chúng ta hoàn toàn có thể làm được, tuy nhiên không phải là thời điểm năm 2017 như một số phương tiện đưa tin.

Cũng liên quan đến vấn đề này, GS Trịnh Hồng Sơn cho biết, tính đến hết năm 2015, tại Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người đã có 2.348 người gửi đơn đăng ký hiến tạng khi qua đời, tính chung trên cả nước là 3.542 đơn đăng ký.

Đa số người đăng ký hiến tạng trong độ tuổi từ 18-27 tuổi (chiếm 76,6%), tỷ lệ nam giới đăng ký hiến tạng nhiều hơn nữ (nam chiếm 57,9%, nữ chiếm 42,1%), số người đã được cấp thẻ đăng ký hiến tạng chiếm 14% trong tổng số người đăng ký.

Tính đến hết 30/9/2015, Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 1.179 ca ghép tạng, trong đó số ca ghép thận là 1.116 ca (chiếm 94,6%), ghép tim được 13 ca, ghép gan được 48 ca, ghép thận + tụy 1 ca, ghép tim + phổi 1 ca./.

Theo Minh Phương / Gia đình Việt Nam