Những bất cập từ Luật Đầu tư công 2014
Tại Tọa đàm đối thoại chính sách “Sửa đổi Luật Đầu tư công: Bàn luận từ những góc nhìn đa chiều” diễn ra vào sáng nay 8/5, PGS.TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương đã đưa ra những bất cập tồn đọng trong việc thực hiện đầu tư công thời gian qua.
Cụ thể, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm đang cản trở hoạt động đầu tư công. Số lượng dự án vi phạm trong năm không thay đổi đáng kể, thậm chí tăng lên. Hệ thống thông tin theo dõi, giám sát các dự án đầu tư công còn nhiều hạn chế. Việc xác định danh mục các dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn còn vướng mắc.
Ngoài ra, còn nhiều bất cập cả trong văn bản quy phạm pháp luật, tổ chức điều hành của các cơ quan Trung ương và địa phương, các bộ ngành trong việc phối hợp quản lý công.
Cũng theo PGS.TS. Trần Kim Chung, một trong những bất cập lớn hiện nay của Luật Đầu tư công đó là Nghị định 71 đưa ra quy định rõ ràng về việc “ai ra quyết định, người đó chịu trách nhiệm” nhưng thực tế, tình trạng “tôi quyết, anh chịu trách nhiệm” lại đang diễn ra phổ biến. “Có quyết định của người trước song người kế nhiệm sau lại phải chịu trách nhiệm”, ông Chung nhấn mạnh.
Trên góc độ của cơ quan quản lý Nhà nước, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đến hiện tại vẫn còn khoảng hơn 10.000 dự án đầu tư đang chờ quyết định. Điểm vướng của việc tồn đọng hàng nghìn dự án đó là do hiện tại, Luật Đầu tư công 2014 vẫn chưa xác định, ai là người quyết định duyệt dự án, cơ quan nào duyệt hạng mục đầu tư.
Ông Phương cho rằng, để duyệt chủ trương dự án cần phải xem xét nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn. “Tuy nhiên, công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như đối với 1 dự án 10 năm thì khả năng cân đối vốn mới chỉ xem xét được trong 5 năm. Để xem quyết định chủ trương đầu tư vốn lớn như vậy thì cần cơ quan chức nào nào có đủ thẩm quyền phê duyệt dự án quy mô lớn này”, ông Phương cho hay.
Luật Đầu tư công cần sửa đổi theo hướng nào?
Theo ông Phương, hiện tại, dự thảo Luật Đầu tư công đang sửa đổi nhằm khắc phục những hạn chế của hệ thống hành lang pháp lý. Tuy nhiên, có 2 vấn đề cần phải xử lý trong dự thảo Luật Đầu tư công, đó là thứ nhất: Cần xác định cơ quan nào duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn và cơ quan nào duyệt danh mục dự án. Đây là nút thắt để giải quyết tình trạng tồn đọng của hơn 10.000 dự án.
Bên cạnh đó, Luật cần nêu rõ thời điểm quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn, tránh tình trạng kéo dài dự án.
Còn theo PGS.TS. Trần Kim Chung, dự thảo Luật Đầu tư công phải sửa đổi thế nào để cấp xã cũng có thể hiểu được. “Quy trình thủ tục của Luật phải dễ nghe, dễ nắm, dễ hiểu và dễ thực hiện. Luật Đầu tư công ra đời để thực hiện vai trò không loại trừ đầu tư tư nhân cũng như không được chèn ép đầu tư công. Luật Đầu tư công cần phải nêu rõ đầu tư cho hạ tầng là quan trọng nhất”.
Đặc biệt, PGS.TS. Trần Kim Chung nhấn mạnh, trong Luật Đầu tư công cần có chế tài đủ mạnh để quy xét trách nhiệm với người ra quyết định. “Cần nêu rõ vấn đề, ai quyết người đó chịu trách nhiệm. Và tránh tình trạng nếu không làm thì không sao cả”.
Cũng tại Tọa đàm, PGS.TS. Phạm Văn Hùng cho rằng, Luật Đầu tư công nên sửa đổi theo hướng “tiếp cận quản lý đầu tư công cần thiên hơn về khía cạnh kinh tế với mục tiêu tạo ra dịch vụ công ngày càng tốt hơn cho công chúng và doanh nghiệp”. Cũng theo ông Hùng, việc lựa chọn dự án đầu tư công cần hướng tới thúc đẩy đầu tư tư nhân, cải thiện dịch vụ công.
Đặc biệt, đầu tư công phải gắn với yêu cầu công khai, minh bạch, và trách nhiệm giải trình. Các chỉ tiêu, tiêu chí hiệu quả trong đầu tư công cần xây dựng và chuẩn hóa. Khi lựa chọn và quản lý đầu công sẽ căn cứ vào các chỉ tiêu và tiêu chí này./.
Nhật Minh