Việc vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam cũng chưa bao giờ dễ dàng đến như vậy khi xuất hiện bạt ngàn các công ty nhận làm dịch vụ này đăng tải trên internet. Công ty nào cũng chào mời với giá cả cạnh tranh nhất, mức phí dao động từ 18.000 đồng - 30.000 đồng/kg hàng hóa.
Các đầu mối vận chuyển hàng cho biết, hàng hoá sẽ được tập kết trong nội địa Trung Quốc về khu vực gần biên giới, sau đó sẽ được vận chuyển về Việt Nam qua đường tiểu ngạch hoặc chính ngạch.
Đáng chú ý, với mặt hàng vận chuyển tiểu ngạch có số lượng trên 1.000kg có giá rẻ bất ngờ từ 7.000 - 9.000 đồng/kg”. Đây là lý do khiến nhà nhà, người người sang Quảng Châu (Trung Quốc) mua hàng hoá giá rẻ không hoá đơn, giấy tờ, thậm chí là đặt hàng online sẽ có các "đầu mối" giao hàng tận tay sau tối đa một tuần lễ.
Một công ty có trụ sở tại Quảng Châu (Trung Quốc) đang đóng hàng hóa thành bao để vận chuyển cho khách Việt Nam. Ảnh: Cao Tuân
Phía công ty của Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển hàng từ Quảng Châu đến Lũng Vài (thị trấn giáp tỉnh Lạng Sơn) rồi giao phần còn lại cho "đối tác".
Do hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ nên không thể đi theo đường chính ngạch, mà phải tập kết ở Lũng Vài.
Rồi dùng xe kéo hàng đến chân đồi núi giáp danh biên giới Việt - Trung.
Cửu vạn được thuê vác hàng từ Lũng Vài qua các đường mòn lối mở lên bãi tập kết gần cột mốc biên giới.
Tại Việt Nam,“đồ nghề” của cửu vạn gồm dây thừng, tấm đệm mút (dụng cụ để buộc hàng và đeo vào vai) được bày bán rất nhiều quanh Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Từng nhóm cửu vạn men theo đường mòn phía cánh phải cổng chùa Tân Thanh leo lên đồi keo để đến điểm tập kết hàng lậu.
Cửu vạn "cõng" hàng lậu từ bên Trung Quốc, qua hàng rào biên giới mang về Việt Nam.
Nhiều bao hàng lớn nặng cả tạ.
Quán nước ngay trên đỉnh đồi, cạnh cột mốc biên giới để phục vụ cửu vạn.
Sau khi ì ạch vác hàng qua các khe núi đá, đến triền dốc, nhóm này dừng bên đường để nghỉ lấy sức. Con đường mòn giữa đồi keo rộng khoảng 1 mét luôn tấp nập người lên kẻ xuống, bất chấp nguy hiểm.
Dọc đường đi, cửu vạn phải nộp phí cho 4 chủ nhà vì mang hàng ngang qua đất nhà họ, mỗi lần từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng.
Hàng lậu được đưa xuống điểm tập kết phía dưới đồi núi...
Sau khi nhóm cửu vạn hoàn thành công việc đưa hàng lậu từ Trung Quốc về điểm tập kết phía sau chùa Tân Thanh,“phi đội bay” chở những bao hàng cồng kềnh đến bãi đỗ cách cửa khẩu chưa đầy 1km.
Sau khi đủ hàng, xe tải, chủ yếu là loại xe 16 chỗ ngồi sẽ mang đi tiêu thụ...
Trong nhiều tuần ghi nhận hoạt động buôn lậu và "đánh hàng" hết sức nhộn nhịp với sự tham gia của đủ các thành phần, thế nhưng chúng tôi không bắt gặp bóng dáng lực lượng chức năng. Điều đáng nói, cung đường vận chuyển hàng lậu từ Trung Quốc về Việt Nam nằm phía sau chùa Tân Thanh cách Chi cục Hải quan và Đồn Biên phòng chỉ khoảng 1km.
Bộ Tư pháp cho biết tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại tại các địa bàn trọng điểm có dấu hiệu ngày càng phức tạp, có nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng ở cả các cửa khẩu và nội địa; tổ chức hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, tụ điểm, có sự cấu kết chặt chẽ giữa các chủ "đầu nậu" trong và ngoài nước.
Đáng chú ý, Bộ Tư pháp cho rằng: "Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, bảo kê, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả".