Ngày 20/7 vừa qua, khi trả lời báo chí về vấn đề thu phí mới ở các ngân hàng, bà Nguyễn Tú Anh, Tổng giám đốc CTCP Chuyển mạch tài chính quốc gia Việt Nam (Banknet.vn) cho biết: “Sau khi rà soát, đến thời điểm này chưa có ngân hàng nào vi phạm trong việc thu phí dịch vụ từ các khách hàng”.
Theo đó, mức thu phí phát hành, phí thường niên, phí giao dịch ATM của thẻ ghi nợ nội địa các ngân hàng vẫn đang tuân thủ theo khung mức phí quy định tại Thông tư 35. Banknet chỉ tạo ra hệ thống thanh toán hạ tầng và chỉ thu phí từ các ngân hàng, không thu phí trực tiếp từ chủ thẻ.
Bà Tú Anh khẳng định: Từ năm 2007 đến nay, cả Banknet và Smartlink (trước khi sáp nhập) đều không tăng thêm phí các ngân hàng.
Ngoài ra, Banknet thu phí các ngân hàng đồng đều như nhau, không phụ thuộc vào việc ngân hàng có thu phí của khách hàng hay không.
Về mức phí ATM, Banknet lấy phí truyền mạch 50% từ phí dịch vụ ngân hàng thu từ chủ thẻ trong mỗi lần giao dịch. Ví dụ, phí rút tiền ATM là 3.000 đồng thì Banknet thu từ phía ngân hàng là 1.500 đồng/giao dịch.
Bà Tú Anh cũng cho biết thêm: Trong tương lai, Banknet.vn không có chủ trương tăng thêm phí cho các dịch vụ này.
Theo số liệu từ Banknet, năm 2014, tổng số tiền chi ra từ toàn bộ hệ thống ATM trên toàn quốc là 1,3 triệu tỷ đồng.
Mặc dù hệ thống POS đã đưa vào sử dụng và triển khai tại các điểm bán lẻ nhưng thói quen dùng tiền mặt tại Việt Nam vẫn rất lớn. Thống kê cho thấy: Tổng số giao dịch rút tiền và liên ngân hàng nội địa vẫn tăng trưởng đều 20% mỗi năm
Về việc thu phí, thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng đã công bố tăng mức thu đối với một số loại phí áp dụng cho thẻ ATM và một số loại phí trước đó đang được miễn phí thì nay đã bắt đầu tính phí.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay, mỗi khách hàng sử dụng thẻ ATM phải chịu tới 20 - 25 loại phí dịch vụ cơ bản của ngân hàng. Trong đó có thể kể tới một số loại phí như: Phí phát hành thẻ lần đầu, phí thường niên, phí rút tiền, phí chuyển khoản, phí truy vấn số dư… Có ngân hàng thậm chí còn thu cả phí báo mất thẻ hay thẻ bị đánh cắp.