Bộ trưởng cho biết việc triển khai thực hiện hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đến nay đạt kết quả thế nào?

Trước hết, tôi khẳng định các địa phương đã quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đặc biệt là bám sát tinh thần Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tiền hỗ trợ gói 62.000 tỷ đồng cho các lao động tự do ở quận Hà Đông, Hà Nội.

Việc chi trả, hỗ trợ cho những người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 đã được tiến hành một cách công khai, minh bạch. Cho đến nay, các địa phương đã phê duyệt cho 15,8 triệu người với số tiền xấp xỉ khoảng 20.000 tỷ đồng. Chưa kể, trong đó khoảng 400 tỷ đồng hỗ trợ các DN, người dân giãn đóng bảo hiểm xã hội và 2.500 tỷ đồng chi trả bảo hiểm thất nghiệp.

Về căn bản, các địa phương đã hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho 4 nhóm đối tượng là người có công, bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã hoàn tất bước đầu về hỗ trợ chi trả đối với hộ kinh doanh bị giảm sâu có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020 cũng như các đối tượng lao động tự do.

Hiện nay, các địa phương đang rất vướng mắc về chi trả ở các DN, lao động tự do?

Trong phiên họp tháng 5 vừa rồi, Chính phủ đã nghe các cơ quan báo cáo về việc này. Và đồng thời, Chính phủ tiếp tục khẳng định trong Nghị quyết là yêu cầu các địa phương, các bộ, ngành phải đẩy nhanh việc hỗ trợ cho người dân, đặc biệt quan tâm đến đối tượng là các đối tượng lao động tự do, những hộ kinh doanh mà bị ảnh hưởng sâu thu nhập.

Đồng thời, tập trung hỗ trợ các DN có thể tiếp cận được vốn để trả lương cũng như phát triển ổn định công ăn việc làm cho người lao động.

Nhưng, chúng ta sẽ tháo gỡ ra sao và đẩy nhanh thực hiện thế nào?

Về tháo gỡ đối với lao động tự do, bây giờ chúng ta phải rà soát lại tổng thể. Trước hết, là tạo điều kiện cho tất cả những người lao động tự do đang ở địa bàn cư trú được tiếp cận. Còn tiếp cận như thế nào, tôi thấy cách làm của quận Hà Đông (Hà Nội) là rất tốt như trà đi trà lại, soát đi soát lại, không trùng chính sách và không trùng đối tượng.

Các cách tiếp cận chủ yếu là phải công khai, minh bạch; đi đến từng nhà, rà từng ngõ đến từng đối tượng. Sau đó trên cơ sở ý kiến của từng đối tượng đó, chúng ta công khai, minh bạch và thực hiện theo quy định hiện hành.

Mặt khác, đối với hộ kinh doanh cũng như các DN được vay, Chính phủ chủ trương giao cho Ngân hàng Nhà nước cùng với Bộ LĐTB&XH sẽ xem xét xem những gì vướng mắc trong thời gian qua. Qua đó, có thể điều chỉnh về yêu cầu, về tiêu chí để tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay một cách nhanh nhất.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Kinh tế & Đô thị