Trước đó, Sở Công thương Thanh Hóa có văn bản gửi các Sở ban ngành có liên quan về việc tham gia ý kiến đề nghị bổ sung chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa theo đề xuất của UBND thành phố Thanh Hóa.

Nguồn tin của phóng viên cho hay, có nhiều Sở tại Thanh Hóa không tán thành việc quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa vì chưa cần thiết và chưa có cơ sở để xem xét.

Cụ thể, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong đề xuất của UBND thành phố Thanh Hóa về việc xem xét quy hoạch 1 chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa “chưa làm rõ được khả năng đáp ứng các tiêu chí để đưa vào quy hoạch chợ đầu mối theo quy định tại Quyết định số 6481/QĐ-BCT ngày 26/06/2015 của Bộ trưởng Bộ Công thương. Do vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa có cơ sở để thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Thanh Hóa”.

Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho rằng, việc UBND thành phố Thanh Hóa đề nghị bổ sung chợ đầu mối nông lâm sản vào quy hoạch phát triển mạng lưới chợ cả nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 là chưa cần thiết, chưa có cơ sở để xem xét.

Đồng quan điểm trên, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cũng cho rằng, việc UBND thành phố Thanh Hóa đề nghị bổ sung chợ đầu mối nông lâm sản vào quy hoạch phát triển mạng lưới chợ cả nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 là chưa cần thiết, chưa có cơ sở để xem xét.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa: “Hiện nay có 4 chợ đầu mối đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho các doanh nghiệp thuê đất đầu tư, xây dựng, quản lý, kinh doanh và khai thác, trong đó có chợ đầu mối nông lâm thủy sản Đông Hương, tại phường Đông Hương đã hoàn thành đầu tư xây dựng chợ, đi vào hoạt động ổn định từ năm 2015”.

Trong quá trình đó, chủ đầu tư đã có nhiều cơ chế chính sách để thu hút các tiểu thương về kinh doanh lâu dài, ổn định, góp phần xóa bỏ nhiều chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn thành phố, đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường trên các tuyến phố. Hiện tại chợ mới hoạt động ổn định được 5 năm.

Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Minh đã được Chủ tịch UBND chấp thuận chủ trương đầu tư dự án chợ kết nối cung cầu hàng nông sản sạch (tại xã Hoằng Thịnh – PV). Tuy nhiên, dự án này đang tạm dừng do UBND tỉnh đang thực hiện việc điều chỉnh kiến trúc không gian đoạn từ cầu Ba Gian đến cầu Nguyệt Viên.

“Do đó, việc UBND thành phố Thanh Hóa đề nghị bổ sung chợ đầu mối nông lâm sản vào quy hoạch phát triển mạng lưới chợ cả nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 là chưa cần thiết, chưa có cơ sở để xem xét”, văn bản tham gia ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường gửi Sở Công thương nêu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chưa có cơ sở thống nhất với đề nghị của UBND thành phố Thanh Hóa về việc quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa.

Phóng viên đã liên hệ với Sở Xây dựng Thanh Hóa, Viện Quy hoạch – Kiến trúc, UBND huyện Hoằng Hóa… để nắm thêm thông tin tham gia ý kiến về việc quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa nhưng chưa nhận được phản hồi.

Trước đó, trong đơn gửi cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa, gần 1.000 tiểu thương tại chợ đầu mối Đông Hương đã phản ứng trước thông tin TP Thanh Hóa đưa ra lý do để quy hoạch chợ mới. Và cho rằng, quy hoạch chợ đầu mối mới là không thuyết phục.

Hầu hết các tiểu thương kinh doanh tại chợ đầu mối Đông Hương đều bày tỏ sự hoang, mang lo lắng vì nếu đề xuất này được thông qua, chợ mới được xây dựng, sẽ ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống hiện tại của họ. Nếu quy hoạch, xây thêm chợ đầu mối phía Bắc thành phố, có thể họ phải chuyển chợ một lần nữa.

Trên cơ sở đơn đề nghị của tiểu thương, phóng viên đã tìm hiểu thực tế và làm rõ nội dung phản ánh trên tại các bài viết: Hơn 600 tiểu thương chợ Đông Hương bất an trước thông tin quy hoạch chợ mới; Thanh Hóa: Nếu xây chợ bằng cảm tính, hàng nghìn tiểu thương sẽ phá sản; 5 lý do chưa nên xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa. 

Một số chuyên gia về quy hoạch phát triển chợ đưa ra 05 lý do chưa nên xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hoá.

Thứ nhất, cơ quan có thẩm quyền khi đưa ra đề xuất quy hoạch chợ, nhưng chưa có đánh giá cụ thể, bài bản khoa học về tính cấp thiết của việc xây dựng chợ đầu mối phía Bắc Thanh Hóa. Điều này đồng nghĩa với việc, không thể quy hoạch chợ đầu mối theo cảm tính khi các luận cứ khoa học về quy hoạch chợ chưa được đánh giá một cách khách quan, đúng quy định.

Thứ hai, chưa có đánh giá khoa học, thực tiễn về tác động của quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc với quy hoạch đô thị thành phố Thanh Hóa, huyện Hoằng Hóa và ngược lại để chứng minh rằng, việc quy hoạch chợ là phù hợp với quy hoạch chung.

Thứ ba, việc đề xuất xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố tại xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) dễ gây “xung đột” đối với dự án chợ khác diện tích hơn 3ha đã được tỉnh phê duyệt, cho thuê đất tại xã này. Hay nói cách khác, việc quy hoạch thêm 1 chợ nữa (chợ đầu mối phía Bắc thành phố) sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương, đầu tư xây dựng trước đó.

Điều này cần phải được xem xét một cách hết sức thận trọng để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp. Mặt khác, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố Thanh Hóa và khu vực ngoại thành có bán kính chưa đầy 10km đã được chấp thuận chủ trương và quy hoạch 2 chợ đầu mối. Nếu quy hoạch thêm một chợ đầu mối nữa với diện tích 30 - 40ha thì cần tính toán kỹ hiệu quả đầu tư, tránh "dẫm chân" lên nhau.

Thứ tư, việc xin quy hoạch chợ đầu mối phía Bắc thành phố Thanh Hóa nhưng chưa có bất cứ khảo sát, đánh giá sơ bộ nào về tác động của vùng (các tỉnh lân cận Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nam…), kho tàng, bến bãi trình độ phát triển của vùng sản xuất, việc cung ứng hàng hóa và mạng lưới giao thông hiện tại và tương lai, thị trường tiêu thụ, phát triển đồng bộ hệ sinh thái hỗ trợ, hệ thống logistic chuyên nghiệp, nông sản, hàng hóa… Điều này có quyết định tới hiệu quả của việc quy hoạch, xây dựng chợ đầu mối phía Bắc trong tương lai.

Thứ năm, chưa xem xét trình quy hoạch chợ đầu mối Đông Hương cũng là phương án ổn định tâm lý tiểu thương nói riêng, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thành phố Thanh Hóa nói chung. Hay nói cách khác, không thể xem nhẹ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và tiểu thương chợ đầu mối Đông Hương ở thời điểm hiện tại, khi thông tin xin quy hoạch chợ mới của thành phố có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới đời sống, tâm lý của tiểu thương. 

Trong khi đó, nhà đầu tư đã bỏ hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào chợ và khi chưa thu hồi được vốn đã tính toán tới phương án di chuyển chợ, rõ ràng là câu chuyện bất hợp lý. Mặt khác việc quy hoạch chợ cần xuất phát từ lợi ích chung, vì sự phát triển của xã hội chứ không nên quy hoạch theo ý chí của cá nhân hoặc vì lợi ích riêng, lợi ích nhóm (nếu có).

Theo Quốc Toản/Đô Thị Mới

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/thanh-hoa-nhieu-so-khong-tan-thanh-viec-quy-hoach-cho-dau-moi-phia-bac-1609148206963.html