Đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận tải hành khách công cộng (xe buýt điện) trên địa bàn TP Sầm Sơn của công ty TNHH Phương Hiền, số nhà 35, đường Hồ Xuân Hương, TP Sầm Sơn được GS. TS. - nhà giáo ưu tú Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp, trường đại học Giao thông vận tải làm chủ nhiệm đề án.

Ngày 29/03/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa có Thông báo số 52/TB - UBND thông báo ý kiến của Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn tại cuộc họp về đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận tải hành khách công cộng (xe buýt điện) chạy trên địa bàn TP Sầm Sơn.

Qua đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã đánh giá hạ tầng giao thông, tình hình an toàn giao thông trên địa bàn TP Sầm Sơn và kết quả đánh giá về đề án của công ty Phương Hiền lại cho rằng chất lượng đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận tải hành khách công cộng (xe buýt điện) trên địa bàn TP Sầm Sơn của công ty TNHH Phương Hiền là còn sơ sài, chưa làm rõ các nội dung cần thiết, tính cấp bách vận tải hành khách; chưa có số liệu khảo sát đánh giá về hạ tầng giao thông, hiện trạng các tuyến đường, các bến đỗ và đón trả khách, bãi đỗ xe, nhu cầu hành khách, xác định điểm đầu, điểm cuối; chưa kết nối được giao thông với các loại hình vận tải hành khách khác trên địa bàn và đặc biệt chưa xác định được hiệu quả trong khai thác mặc dù thí điểm nhưng rủi ro cho đầu tư.

Tại thông báo này, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện đề án để làm rõ tính khả thi làm cơ sở triển khai thực hiện nếu được xem xét đưa vào hoạt động thí điểm các tuyến xe buýt điện trên địa bàn TP Sầm Sơn theo quy định.

Hàng chục xe buýt điện Phương Hiền vẫn nằm đắp chiếu do chưa được phép thí điểm.

Ông Cao Duy Hồng, Giám đốc công ty Phương Hiền cho rằng: “Đề án thí điểm sử dụng phương tiện xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận tải hành khách công cộng (xe buýt điện) trên địa bàn TP Sầm Sơn của công ty chúng tôi được giáo sư, tiến sỹ, giảng viên cao cấp trường Đại học Giao thông Vận tải làm chủ nhiệm, nghiên cứu và xây dựng tại Sầm Sơn trong thời gian gần 3 tháng. Với một Giáo sư có chuyên môn trong lĩnh vực giao thông vận tải trực tiếp thực hiện đề án cho công ty tại sao vẫn bị cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đánh giá là sơ sài, hạn chế, trong khi đó, các doanh nghiệp khác không có đề án thì được cấp phép cho thí điểm xe điện trên địa bàn TP Sầm Sơn"?

"Phải nói thêm rằng, công ty chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị các cấp có thẩm quyền liên quan hướng dẫn, chỉ ra những điểm chưa được trong đề án để công ty kịp thời sửa chữa, khắc phục nhưng đến nay công ty vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn nào từ cấp có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa”, ông Cao Duy Hồng cho biết thêm.

Như vậy, có thể thấy, việc đánh giá đề án của công ty Phương Hiền còn sơ sài, chưa làm rõ các nội dung cần thiết, tính cấp bách vận tải hành khách; chưa có số liệu khảo sát đánh giá về hạ tầng giao thông, hiện trạng các tuyến đường, các bến đỗ và đón trả khách, bãi đỗ xe, nhu cầu hành khách, xác định điểm đầu, điểm cuối; chưa kết nối được giao thông với các loại hình vận tải hành khách khác trên địa bàn và đặc biệt chưa xác định được hiệu quả trong khai thác mặc dù thí điểm nhưng rủi ro cho đầu tư  để lấy lý do chưa cho doanh nghiệp được phép thí điểm đã đúng tính khách quan hay chưa?

Trong khi đó, GS. TS - Nhà giáo ưu tú Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp, trường đại học Giao thông vận tải làm chủ nhiệm đề án cho rằng, việc cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đánh giá đề án thí điểm xe buýt điện của công ty Phương Hiền còn phải xem xét, phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

Thứ nhất, loại xe chưa có quy định trong luật Giao thông đường bộ, có hình thức kinh doanh tương tự loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt được quy định tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/09/2018 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, xe buýt điện được cấp chứng nhận đăng ký, đăng kiểm và chỉ được hoạt động trong phạm vi hạn chế theo quy định. Xe buýt điện thay thế cho động cơ dùng nhiên liệu hóa thạch là định hướng chung không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Vì thế chúng ta cần ưu tiên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa vào kinh doanh.

Thứ hai, việc xây dựng đề án thì điểm xe buýt điện còn phụ thuộc vào phạm vi, mức độ số lượng xe tham gia thí điểm. Công ty Phương Hiền lập đề án đưa vào thí điểm 40 xe buýt điện thì mức độ dày, mỏng của đề án phải khác với doanh nghiệp làm đề án thí điểm hàng trăm xe… Như vậy, để đánh giá đề án còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố mang tính toàn diện, khả thi và mức độ của đề án.

Thứ ba, đây là một loại hình kinh doanh không được Nhà nước trợ giá, doanh nghiệp kinh doanh thu lợi nhuận hoặc lỗ phụ thuộc vào hình thức, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp đề xuất thí điểm 40 xe buýt điện đó là việc tốt, chính quyền các cấp cần phải khuyến khích, chỉ ra được cái đúng, sai, mặt mạnh, mặt chưa được để doanh nghiệp hoàn thiện nhằm phát triển kinh tế của doanh nghiệp, người lao động.

Bốn là, doanh nghiệp muốn tham gia thí điểm thì cần khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp được hoạt động nhằm rút ra kinh nghiệm của loại hình vận tải này, từ đó đi sâu vào lợi ích mà đề án của doanh nghiệp đưa ra làm căn cứ xây dựng hoàn thiện cho hình thức vận tải khác có nhu cầu thí điểm.

Năm là, việc thí điểm xe buýt điện là hình thức mới mẻ, cần được khuyến khích (kinh doanh được Nhà nước cho phép), các tỉnh thành trong nước và thế giới đã rất thành công trong việc đưa loại hình này vào hoạt động. Như vậy, tại sao doanh nghiệp Phương Hiền muốn xin thí điểm xe buýt điện tại TP Sầm Sơn nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển kinh tế doanh nghiệp, tạo nguồn thu thuế cho địa phương lại chưa được các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa chấp nhận? Việc đó, rất cần các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương sớm có quyết định kịp thời.

Trước đó, Bộ GTVT khẳng định việc lựa chọn đơn vị tham gia thí điểm phải đảm bảo công khai, minh bạch và bình đẳng giữa các đơn vị có nhu cầu tham gia thí điểm. Hướng dẫn các đơn vị có nhu cầu tham gia thí điểm xây dựng đề án hoặc phương án sử dụng xe điện 4 bánh hoạt động phục vụ khách du lịch để trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt.

Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chỉ cho hoạt động thí điểm đối với xe điện 4 bánh khi đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường và được đăng ký, đăng kiểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời triển khai thực hiện lộ trình tăng xe theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số 2273/UBND-CN ngày 28/02/2019.

Ngày 12/6/2017, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký công văn hỏa tốc số 6192/BGTVT-VT gửi Sở GTVT Thanh Hóa, trong đó có ý kiến đồng thuận đề xuất của Sở GTVT Thanh Hóa đối với việc thí điểm 02 tuyến xe buýt sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đề nghị Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi về Bộ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Sau khi có văn bản của Bộ GTVT, công ty Phương Hiền đã ký hợp đồng, đầu tư khoảng 12 tỷ đồng mua 40 xe điện 4 bánh từ nước ngoài (xe Mỹ), hình dáng đẹp, đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe đầy đủ thủ tục đăng kiểm được Cục đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT kiểm định...

Sau nhiều năm hàng chục xe buýt điện của doanh nghiệp Phương Hiền nằm đắp chiếu do không được cấp phép hoạt động đã hư hỏng nghiêm trọng, lâm vào cảnh lao đao, hàng chục người lao động là thương binh, gia đình chính sách phải "treo niêu" vì không có việc làm. 

Ông Nguyễn Bá Quyền, một người dân TP Sầm Sơn cho biết: “Theo chúng tôi được biết, các tỉnh khác đã rất thành công trong việc thực hiện thí điểm xe buýt điện 4 bánh như TP HCM, Đà Nẵng... (chở được 15 người). Nó vừa đảm bảo an toàn, kiểu dáng đẹp, đã được nhiều nước đưa vào sử dụng thành công. Ngoài ra, 1 xe buýt điện đó có thể chở được gấp 2 lần xe điện bình thường vừa đảm bảo chi phí cho đoàn, nhóm du khách từ 6 người trở lên lại vừa tiết kiệm được số lượng xe lưu thông trên đường chật hẹp như các điểm du lịch”.

Theo Viết Huy/Đô Thị Mới