Từ “cơn bão phong tỏa” chẳng hề mong đợi của xứ sở sương mù

Là nước đầu tiên phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), tiến hành tiêm vaccine Covid-19 sớm nhất cho người dân với khẩu hiệu “tiêm vaccine, truyền hy vọng”, nhưng rốt cuộc, nước Anh chẳng ngờ lại là một quốc gia sẽ phải đón Noel và năm mới trong tình thế không thể bi đát hơn.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc ngày 14/12, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock cho biết các nhà khoa học nước này phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với tỷ lệ lây nhiễm lên tới 70%. Hơn 1.000 trường hợp nhiễm biến thể mới chủ yếu ở vùng phía Nam England. Thông tin ấy đã phá tan mọi mong chờ về một kỳ lễ giáng sinh bình thường của người Anh. Nước Anh ngày 16/12 phải khẩn cấp nâng giãn cách xã hội lên cấp độ 3. Thậm chí một cấp độ mới (cấp 4) đã được ban hành cho London và khu vực miền Đông Nam.

Bộ trưởng Y tế Matt Hancock đã kêu gọi người dân “hết sức cẩn thận và có trách nhiệm” khi đi thăm người thân trong kỳ lễ Giáng sinh. Chính phủ Anh khuyến cáo mọi người không nên di chuyển đến các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội cấp độ cao nhất và ngược lại. Thủ tướng Anh đã phải lên tiếng “trấn an và xoa dịu” dân chúng: “Giáng sinh năm nay sẽ khác, rất khác. Chúng ta đang phải hy sinh cơ hội được gặp những người thân yêu của chúng ta, để có cơ hội tốt hơn nhằm bảo vệ mạng sống của họ, để chúng ta có thể gặp họ vào các Giáng sinh trong tương lai”.

Nước Anh càng trở nên lo âu hơn khi thời hạn hạn chót 31/12 phải đạt được thỏa thuận thương mại hậu giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã sắp đến.

Tới nỗi âu lo của cả thế giới

Thông tin từ nước Anh như luồng điện giật làm rung chuyển cả châu Âu cũng như khiến toàn thế giới rùng mình, lo ngại. Tính đến ngày 22/12, đã có gần 40 quốc gia tuyên bố đóng cửa với Anh vì e sợ sự xâm nhập của biến thể của virus SARS-CoV-2. Mọi sự hoang mang càng trở nên dữ dội khi dữ liệu từ Nextstrain, chuyên theo dõi gen di truyền của các mẫu virus trên khắp thế giới, cho thấy các ca Covid-19 ở Đan Mạch, Hà Lan và Australia có nguồn gốc từ Anh.

Các quốc gia đua nhau đóng cửa biên giới với Anh.

Điều khiến thế giới âu lo hơn nữa là đã, đang sẽ chỉ chẳng tồn tại một dạng biến thể mang tên VUI/202012/01 như tại Anh. Theo như các chuyên gia y tế, nhiều chủng tương tự đã được phát hiện ở Đan Mạch và Australia, và có những biến thể khác rất giống với chủng này đã được tìm thấy ở Nam Phi, Hà Lan và các nước khác. Đơn cử như tại Nam Phi. Trong thông báo ngày 18/12, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Zwelini Mkhize cho biết thông tin chi tiết về biến thể 501.V2 đã được gửi tới Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong đó cho biết làn sóng dịch thứ hai mà Nam Phi đang trải qua hiện nay có liên quan đến biến thể mới này. 

“Theo dõi một cách cẩn thận, nhưng đừng phản ứng quá mức với nó”

Hãy theo dõi nó một cách cẩn thận, nhưng đừng phản ứng quá mức với nó” - bác sĩ Anthony S. Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm Mỹ đã bày tỏ quan điểm như vậy trước “làn sóng cô lập Anh” của các nước châu Âu.

Cũng đồng quan điểm này, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đang cố hết sức trấn an dư luận. Tại cuộc họp báo sáng 22/12 , ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO  nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải minh bạch, phải nói cho công chúng biết về biến thể này, nhưng quan trọng không kém là đây cũng là một phần bình thường trong quá trình tiến hóa của virus”. Các quan chức WHO cũng cho biết họ chưa thấy bằng chứng về việc biến thể mới khiến mọi người mắc bệnh nặng hơn hay thậm chí dễ chết hơn so với các biến thể trước đây của virus này. Trước những lo ngại rằng các vắcxin Covid-19 đã phát triển liệu có hiệu quả với các biến thể mới hay không, đại diện WHO cho rằng: có thể hiệu quả, tuy nhiên, sẽ cần kiểm tra thêm để chắc chắn. Còn tiến sĩ Ugur Sahin, Tổng giám đốc BioNTech, đơn vị đồng phát triển Vaccine Covid-19, hiện được cấp phép sử dụng tại hơn 45 quốc gia, bao gồm Mỹ, Anh, Liên minh châu Âu và một số nước châu Á, cũng khẳng định: Vaccine Covid-19 BioNTech phát triển cùng Pfizer sẽ hiệu quả trong việc đối phó với biến chủng virus corona mới ở Anh.

Quan điểm, nhìn nhận, ở thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này có thể rất khác nhau, nhưng có một điểm chung nhất, mà các chuyên gia cũng như tất cả các chính phủ trên toàn thế giới đều nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại với người dân là: Hãy cẩn thận và thận trọng, đồng thời, tuân thủ đeo khẩu trang và các biện pháp giãn cách xã hội - đó là việc nên làm và luôn nên làm một cách chỉn chu nhất lúc này để có thể phòng chống Covid-19 tốt nhất.

Theo Công luận

Nguồn: https://congluan.vn/the-gioi-cuoi-nam-va-nhung-au-lo-mang-ten-bien-the-virus-corona-post110496.html