Ngày 18/7, IUCN đã công bố một danh sách “đỏ” cho thấy, 1/3 các loài động vật trong tự nhiên đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng, từ những loài sống ở đáy biển cho đến ngọn cây trên khắp 5 châu. Đây là đánh giá uy tín nhất thế giới về tình trạng các loài sinh vật hoang dã.
Cụ thể, IUCN đã thêm 9.000 loài động vật vào danh sách “đỏ”, nâng tổng số lên 105.732 loài. Tổ chức này cũng cho biết, quần thể động vật hoang dã đã giảm tới 60% kể từ năm 1970; tốc độ tuyệt chủng thực vật cũng đang diễn ra nhanh một cách đáng sợ. Theo các nhà sinh vật học, những con số này trên thực tế lớn hơn rất nhiều. Bởi trong tự nhiên có thể có đến hàng triệu loài vật chưa được khoa học tìm ra.
Cá guitar là một trong số 9.000 loài được thêm vào danh sách "đỏ". |
Các nhà khoa học đang tỏ ra rất quan ngại khi kết quả các cuộc nghiên cứu đều cho thấy, nền văn minh của con người đang bị đe doạ khi hệ sinh thái trên trái đất rơi vào tình trạng nguy hiểm, các sinh vật sống dần biến mất.
Bà Jane Smart – Giám đốc nhóm Bảo tồn Đa dạng sinh học của IUCN chia sẻ: “Sự sống trong tự nhiên đang suy giảm với tốc độ chưa từng có trong lịch sử loài người. Trong Hội nghị đa dạng sinh học của Liên hợp quốc diễn ra tại Trung Quốc sắp tới, quốc tế cần phải đề ra những hành động cụ thể để ngăn chặn thảm kịch này”.
Khỉ Roloway là một trong bảy loài linh trưởng đứng trên bờ vực tuyệt chủng. |
Theo ước tính của các nhà khoa học, có nhiều loài cá biển chỉ còn dưới 20 cá thể tồn tại, tức chúng có thể sẽ biến mất mãi mãi chỉ sau một vài lần đánh bắt nữa. Tại châu Phi, 7 loài linh trưởng gần như đã tuyệt chủng, rất ít được bắt gặp trong tự nhiên. Chúng luôn là “miếng mồi ngon” của thợ săn bởi thịt và da có giá trị cao trên thị trường.
Việc sử dụng nguồn nước bừa bãi cho sinh hoạt và sản xuất cũng là một trong những lý do khiến hệ thuỷ sinh bị huỷ hoại, hơn 60% sông, hồ trên thế giới đang bị người dân khai thác triệt để. Danh sách của IUCN cũng cho thấy, hơn 1/2 số cá nước ngọt ở Nhật Bản, hơn 1/3 ở Mexico đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng.
Theo ông William Darwall – Lãnh đạo phòng Đa dạng sinh học nước ngọt IUCN, nếu các loài cá nước ngọt biến mất, hàng tỉ người dân trên thế giới sẽ mất đi nguồn thực phẩm và thu nhập chính, hệ sinh thái toàn cầu cũng bị huỷ hoại với tốc độ chóng mặt.
Trong số 9.000 loài sinh vật mới xuất hiện trong danh sách “đỏ” có 500 loài cá biển sinh sống tầng nước sâu. Chúng bị đe doạ do việc khai thác khoáng sản dưới đáy biển và đánh bắt “vô tội vạ”. Đây đều là những loài sinh vật vô cùng độc đáo và quý hiếm.
Hiện tượng tuyệt chủng “phi mã” còn do sự suy giảm quần thể thực vật, vốn là nguồn thực phẩm chính của sinh vật. Ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu và bệnh dịch xâm lấn đã giết chết nhiều loài cây tại những khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới.
Nhà sinh thái học Lee Hannah cho biết: “Biến đổi khí hậu và làn sóng tuyệt chủng là hai thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ này. Chúng ta cần hành động quyết liệt càng sớm càng tốt nếu không muốn loài người cũng biến mất".
Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/them-9000-loai-vat-dung-truoc-nguy-co-tuyet-chung-7846.html